(QBĐT) - Tự mình viết về ngôi trường, thầy cô và về chính cuộc sống học sinh theo một góc nhìn mới đầy sáng tạo và vô tư, những câu lạc bộ (CLB) truyền thông tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tạo nên không khí học tập và sinh hoạt sôi nổi trong nhà trường, giúp các em lựa chọn hướng đi, bồi đắp những “hạt giống đỏ” tuyên truyền viên trong tương lai.
Chuyện học đường
Được thành lập từ năm 2018, đến nay, các CLB truyền thông Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp duy trì thông tin trên mạng xã hội thông qua các fanpage: Media TP-THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (7.600 người theo dõi), VNG Multimedia (hơn 5.000 người theo dõi) và Humans of VNG (4.500 người theo dõi).
CLB truyền thông của Trường THPT Đào Duy Từ được hình thành muộn hơn, nhưng cũng thu hút hơn 3.000 người theo dõi. Những ngôi trường khác như THPT Phan Đình Phùng, THPT Lệ Thủy,… cũng có các CLB truyền thông với sự tham gia của các bạn học sinh.
Từ đây, cuộc sống học đường được tái hiện qua lăng kính tuổi học trò có phần mộng mơ, sáng tạo và gần gũi. Theo thầy giáo Lê Anh Vũ, Phó Bí thư Đảng ủy Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, các học sinh là thành viên trong các CLB sẽ tự mình thực hiện hết các công đoạn.
CLB truyền thông Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp thực hiện phỏng vấn và chụp ảnh cho chuỗi câu chuyện về các thủ khoa.
“Thầy cô chỉ là người hướng dẫn và xác định nhiệm vụ ban đầu, các em là nhân lực chính tạo nên bài viết, chương trình giao lưu, từ lên ý tưởng, cho đến chụp ảnh, viết bài, thiết kế, dựng phim… Vì thế, câu chuyện truyền thông trên mạng xã hội đều là góc nhìn mang ấn tượng rất riêng của các em”, thầy giáo Lê Anh Vũ cho biết.
Thông qua CLB và các trang mạng xã hội, các bạn học sinh mang đến nhiều câu chuyện về thời học trò, với những bức ảnh “gửi thời niên thiếu của chúng ta” hay cảm xúc trong ngày học cuối cùng, các sự kiện của trường. Đặc biệt, chuỗi câu chuyện về các thủ khoa của nhà trường được duy trì nhiều năm qua đã góp phần vinh danh nhiều gương mặt trẻ, đề cao truyền thống học tập trên mảnh đất hiếu học Quảng Bình. Thầy cô giáo cũng xuất hiện gần gũi qua góc nhìn của học sinh, với lời văn hạnh phúc và thấm đẫm cả sự biết ơn.
Em Phan Hiếu Đan Thy (SN 2006), Chủ nhiệm CLB truyền thông Trường THPT Đào Duy Từ chia sẻ về quá trình sản xuất nội dung của CLB: “Thầy cô hỗ trợ và để chúng em được thoải mái lên ý tưởng sáng tạo nội dung, với tiêu chí phù hợp với lứa tuổi học sinh và xoay quanh môi trường học tập, đúng với nhiệm vụ của một CLB truyền thông”.
Thử sức
Các CLB truyền thông tại trường THPT đều phối hợp hoạt động và được quản lý bởi Đoàn trường. Với quy mô từ khoảng 15 thành viên, các CLB truyền thông được tổ chức thành nhiều ban, như: Ban nội dung, chụp ảnh, thiết kế, hậu cần hoặc tài chính. Các bạn học sinh phát hiện niềm đam mê của bản thân trước khi thực hiện bài kiểm tra năng lực và trở thành một thành viên của CLB.
Với các hoạt động giáo dục được tổ chức thực hiện linh hoạt, qua đó, nhà trường chủ động thiết kế những chương trình ngoại khóa cũng như định hướng để học sinh có không gian sáng tạo, thử sức với đam mê truyền thông, góp phần tạo nên mối liên kết giữa học sinh với thầy cô, nhà trường, để xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tích cực.
Ngay sau khi tham gia, thành viên các CLB truyền thông sẽ được học tập và đào tạo, thông qua các buổi chia sẻ với ban chủ nhiệm là anh, chị khóa trên và qua thực tiễn làm việc. “Để phát huy năng lực của các thành viên, chúng em thường xuyên có các buổi hướng dẫn về kỹ năng chuyên môn, giúp các bạn khóa sau tìm thấy hướng phát triển, hoàn thiện khả năng dưới sự giúp đỡ của các anh, chị có kinh nghiệm đi trước. Từ đó, các bạn đều được hoạt động thoải mái, tự do nhất để tự tin làm việc”, em Nguyễn Phương Nhung, Chủ nhiệm CLB truyền thông Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp chia sẻ.
Liên quan đến hoạt động truyền thông, thành viên các CLB có cơ hội thử sức với đam mê, cọ xát trong thực tế và tự mình tạo nên các sản phẩm thông tin ấn tượng. Trung bình, bài đăng trên fanpage của các CLB đều đạt hàng trăm tương tác, nhiều sản phẩm được đầu tư về hình ảnh, nội dung có thể thu hút hơn 1.000 lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ.
Tạo nên sức ảnh hưởng trên không gian mạng và chuyển tải các thông điệp nhân văn, đó cũng là một hành trình học hỏi và phát triển của cá nhân mỗi học sinh ngay trên ghế nhà trường. Nhìn lại quá trình hơn 1 năm gắn bó với CLB, em Hoàng Văn Trung (SN 2007), Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp chia sẻ bản thân đã tự tin và mạnh dạn hơn trong giao tiếp: “Em phụ trách hình ảnh cho các sản phẩm truyền thông, do vậy trong quá trình làm việc phải tương tác nhiều với thầy cô và học sinh các lớp; đồng thời học tập thêm kiến thức, kỹ năng về nhiếp ảnh. Sau này, em dự định theo học ngành công nghệ truyền thông nên bên cạnh bảo đảm chương trình học, việc tham gia CLB có ích cho em rất nhiều trong tương lai”.
Hoạt động truyền thông hướng đến đời sống học đường.
Tạo bước chuyển tương lai
Luôn khuyến khích và động viên các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết, cô đánh giá cao hoạt động ngoại khóa của các bạn học sinh, trong đó có các CLB truyền thông.
“Hoạt động truyền thông từ các bạn học sinh góp phần nâng cao chất lượng học tập cũng như thực hiện tốt các nền nếp, nội quy của nhà trường, tạo không khí vui tươi và lành mạnh cho việc học và phát triển nói chung”, cô giáo Hải Yến cho biết.
Cũng theo cô giáo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, bên cạnh quá trình học tập hăng say, việc có thêm những CLB sẽ giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng và có nhiều trải nghiệm ban đầu cho lựa chọn trong tương lai.
Nguyễn Đức Hiếu (SN 2004) là học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp khóa 2019-2022. Nay, khi đã là sinh viên của Trường đại học Newcastle (Úc), Hiếu vẫn biết ơn quãng thời gian khi còn là một thành viên của CLB truyền thông trường.
“CLB là lớp học ngoài giờ để em học thêm cách làm việc nhóm, kết nối với mọi người và chuyển tải thông tin của nhà trường qua những bức ảnh. Thời gian đó cũng chính là nền tảng để em phát triển bản thân, giúp em tìm kiếm học bổng vì các trường khuyến khích hoạt động xã hội và ngoại khóa. Hiện nay, em vẫn tiếp tục tham gia CLB truyền thông của Trường đại học Newcastle”, Đức Hiếu chia sẻ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT ngày 10/10/2023 Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia thay thể Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT.
Lựa chọn thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông với 4 môn đang được nhiều ý kiến ủng hộ vì giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức. Nhiều giáo viên, học sinh đề nghị nhà quản lý chốt phương án.