"Lửa" từ tâm!: Bài cuối: Neo chặt "con chữ"

  • 07:11, 21/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Sách cho miền cát trắng” là chương trình do những thành viên trang web www.quangbinhonline.com (QBO) khởi xướng dành cho học sinh nghèo quê hương Quảng Bình từ năm 2006. Bây giờ chương trình “Sách cho miền cát trắng” chỉ còn hoài niệm, nhưng một thành viên của QBO vẫn đau đáu chuyện cái chữ giúp học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nơi dãy Trường Sơn thăm thẳm phía Tây Quảng Bình, đó là thầy giáo Hoàng Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Bố Trạch đứng chân ở xã biên giới Thượng Trạch.
 
 
 
Tôi còn nhớ lần lên công tác tại xã Thượng Trạch ba năm về trước, nghỉ qua đêm ở Trường PTDT nội trú Bố Trạch. Buổi sáng tờ mờ, đất trời biên giới vẫn còn ngái ngủ, thầy Hoàng Đức Hòa nhẹ khều tôi: “Anh, đi với em!”. Tôi hỏi: “Đi mô rứa thầy?”. Một nụ cười nhẹ: “Anh cứ đi rồi hiểu”!
 
Chiếc xe máy đèn tù mù, đẫm ướt giữa trắng mờ sương buông từ núi đá, cọc cạch, lóc lách dọc lối nhỏ giữa rừng. Thầy Hòa bảo: “Anh với em vào bản Cà Roòng 1 đón Y Nguyên về trường. Mấy hôm nay, Y Nguyên theo bố mẹ lên rẫy. Phải đến thật sớm mới “bắt” Y Nguyên về được”. Quay nhìn phía trung tâm xã, tôi thấy từng vệt đèn pha xe máy lấp loáng nối nhau tỏa ra các lối. Thắc mắc hỏi, thầy Hòa bảo: “Đồng nghiệp em đó, tìm đón học sinh. Nhiều bản xảy ra tình trạng các em về nhà nghỉ cuối tuần rồi “quên” trở lại, như: Cóc, Cồn Roàng, Troi, Chăm Pu...”.
Thầy giáo Hoàng Đức Hòa và những chuyến đi “bắt” học sinh.
Thầy giáo Hoàng Đức Hòa và những chuyến đi “bắt” học sinh.

Đường núi chông chênh, tôi ngồi sau xe máy thầy Hòa hình dung về chặng đường chông chênh của sự nghiệp trồng người nơi miền biên viễn những năm trước đây. Trăn trở lớn nhất của cô thầy cắm bản dạy chữ là phải “neo” được con chữ trong tâm hồn học sinh dân tộc thiểu số Ma Coong, bảo đảm các điều kiện vật chất, tinh thần, giúp các em nhận thức ra “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Thầy Hòa tâm sự: “Vì sao cuối tuần trẻ về nghỉ, sau đó “quên” trở lại trường? Đang học trên lớp nghe bạn rủ lên rừng, lên rẫy, bỏ học ngay? Là vì nhận thức các em về học tập còn mơ hồ. Phụ huynh thì không quan tâm, xem chuyện học tập con em mình là trách nhiệm của cô thầy, phó mặc cho thầy cô giáo”.

Bây giờ cô bé Y Nguyên (SN 2010) có bố Đinh Điền và mẹ Y Niêng đã là học sinh lớp 8, Trường PTDT nội trú Bố Trạch. Gặp lại Y Nguyên, nhắc chuyện em suýt chút nữa bỏ ngang con chữ Bác Hồ, Y Nguyên ngại ngùng: “Không có thầy Hòa và các thầy cô giáo khác thì cháu và nhiều bạn nữa không được như ngày hôm nay. Đến trường, cái bụng luôn no, áo quần luôn ấm, chơi nhiều trò vui, có nhiều bạn bè!”.
 
Bảo đảm đủ sĩ số từng lớp, duy trì đủ số lượng học sinh toàn trường... những năm học trước đây là bài toán khó, chưa tìm được lời giải của Trường PTDT nội trú Bố Trạch. Học sinh thường xuyên bỏ trường, bỏ lớp. Giáo viên “chạy” theo học sinh, vất vả đi từng bản, đến từng nhà “bắt” và đưa các em quay lại trường. Nhiều học sinh thấy bóng dáng thầy cô phía đầu bản thì bỏ trốn, có em theo bố mẹ lên rừng, lên rẫy hai, ba tuần mới về nhà.
Thầy Hoàng Đức Hòa trao tiền ủng hộ xây dựng điểm Trường mầm non bản Cồn Roàng.
Thầy Hoàng Đức Hòa trao tiền ủng hộ xây dựng điểm Trường mầm non bản Cồn Roàng.
Qua nhiều lần tranh thủ ý kiến tập thể giáo viên trong nhà trường, thầy giáo Hiệu trưởng Hoàng Đức Hòa thống nhất giải pháp “neo đậu học sinh” với hai việc cần làm ngay: Tham mưu với chính quyền, phối hợp các cơ quan, ban, ngành đóng trên địa bàn cùng chung tay vận động học sinh đến trường, trong đó lực lượng chủ lực là giáo viên, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng... Hình thành một “tổ công tác” gồm những giáo viên kỳ cựu, ngoài việc dạy học, tranh thủ thời gian còn lại đến các bản làm công tác “dân vận” để “bắt” học sinh.
 
Bên cạnh vận động học sinh thì Trường PTDT nội trú Bố Trạch thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm lôi cuốn các em như hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian, giờ học ngoại khóa, trải nghiệm, tích hợp rèn luyện kỹ năng sống vào dạy học các môn... Vừa học vừa chơi, không tạo áp lực về học tập, chỉ dạy những kiến thức cơ bản trong chương trình các môn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ học tập, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ học hành.
 
Cũng là một sớm mai ngày đầu tuần nơi vùng biên viễn, tôi thấy những đứa trẻ Ma Coong khắp 18 bản lần lượt quay lại trường. Sớm mai này, hành trang các em mang theo có thêm nắm hoa rừng hái vội, vài bắp chuối rừng, ít đọt măng tươi, dăm ba củ sắn... tặng thầy cô. Bất chợt nhớ ra... mùa hiến chương, ngày tri ân cô thầy đã đến!
Thầy giáo Hoàng Đức Hòa chân tình: “Thầy cô và học sinh dường như không còn khoảng cách, luôn gần gũi, yêu thương, xem học sinh như con, như bạn giúp các em khỏi nhớ nhà, nhớ rừng, nhớ rẫy... Đặc biệt, nhà trường rất quan tâm việc chăm lo sức khỏe và chế độ dinh dưỡng, bữa ăn hàng ngày của các em... Bằng các biện pháp tổng lực, Trường PTDT nội trú Bố Trạch nhận về kết quả khá ngọt ngào, trong 2 năm học trở lại đây, các em tự đến trường, thầy cô không phải cắt rừng tìm hết 18 bản trên địa bàn “bắt” học sinh!”.
 
Năm học 2023-2024, Trường PTDT nội trú Bố Trạch có 9 lớp học với 261 học sinh, tổng số cán bộ, giáo viên 30 người. Những ai từng đến, gắn bó với xã Thượng Trạch mới thấy hết sự đổi thay từng ngày của ngôi trường vùng cao này. Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu chia sẻ: “Bây giờ, Trường PTDT nội trú Bố Trạch thực sự là mái nhà chung cho học sinh Ma Coong trong xã. Ngoài tăng trưởng về cơ sở vật chất, xây dựng khuôn viên nhà trường xanh-sạch-đẹp thì chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Không còn cảnh thầy cô phải đi “bắt” học sinh quay lại trường nữa rồi... Thành tích là thành tích chung của tập thể nhưng công đầu dành cho thầy giáo Hiệu trưởng Hoàng Đức Hòa”.
 
"Tính từ khi thầy giáo Hoàng Đức Hòa lên làm hiệu trưởng vào năm 2020 đến nay, ngân sách đầu tư xây dựng Trường PTDT nội trú Bố Trạch gồm nhiều tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa do thầy Hòa kết nối trên 1,5 tỷ đồng. Không những kêu gọi nguồn kinh phí xây dựng trường mình, thầy giáo Hoàng Đức Hòa còn giúp đỡ đồng bào xã Thượng Trạch ấm cái bụng lúc lũ lụt, thiên tai, mùa giáp hạt; kêu gọi làm các công trình dân sinh như cầu bản Cóc, điểm trường mầm non Cồn Roàng...", Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu cho biết thêm. 
  Ngô Thanh Long

tin liên quan

Ra mắt Quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Cảnh
Ra mắt Quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Cảnh

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình và Câu lạc bộ Nhà giáo Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức họp mặt, ra mắt Quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Cảnh.

"Lửa" từ tâm!: Bài 2: Vì học sinh... "cắm sổ đỏ" xây trường
"Lửa" từ tâm!: Bài 2: Vì học sinh... "cắm sổ đỏ" xây trường

(QBĐT) - Đang ngược đường 20 Quyết Thắng lên xã Thượng Trạch (Bố Trạch), thầy Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy nhắn: "Em ghé xã miền núi Trường Thủy thăm trường mầm non (MN) nhé!...".

Khi tóc thầy bạc
Khi tóc thầy bạc

(QBĐT) - "Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh/Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi...". Bài hát Khi tóc thầy bạc trắng ngân nga mãi trong lòng tôi, giữa những ngày thiêng liêng của tháng 11 này.