Thi đua thực hiện thành công "mục tiêu kép"

  • 09:09, 06/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bước vào năm học mới 2021-2022, nhiều địa phương trong cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên tinh thần chủ động, sẵn sàng, đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình quyết tâm biến những tác động của đại dịch thành cơ hội để đổi mới nhằm triển khai hiệu quả các mặt công tác, bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên (CB, GV) và học sinh.
 
Một năm đầy nỗ lực
 
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 842 trường học và cơ sở giáo dục (CSGD). Hệ thống, mạng lưới trường học được bố trí hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS). Ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm an toàn trường học.
 
Ở bậc học mầm non (MN), 100% CSGD thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục, tổ chức tốt hoạt động bán trú cho HS và triển khai hiệu quả việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Ngành đã chỉ đạo các CSGD bậc tiểu học (TH) thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1, chương trình GDPT 2006 đối với lớp 2, 3, 4, 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS nghiêm túc, đúng tiến độ và có chất lượng.
 
Ngành còn thực hiện hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam, triển khai thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột”, rèn cho HS sự sáng tạo trong tư duy, từng bước làm chủ ngôn ngữ nói và viết. Hoạt động dạy tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số tại 26 trường học được chú trọng, chất lượng đọc, viết tiếng Việt của HS ngày càng được nâng lên. Các CSGD đã đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa để giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho HS...
 
Đối với cấp trung học, HS được tiếp cận với phương pháp giáo dục mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và dành nhiều thời gian trên lớp để luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận... Nhờ vậy, chất lượng học tập, rèn luyện của HS cao hơn năm học trước.
 
Một trong những nhiệm vụ được chú trọng là nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cấp học. Một số đơn vị đã phối hợp với các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Ở cấp TH đã triển khai hiệu quả việc đưa môn tiếng Anh tự chọn lớp 1 theo chương trình GDPT 2018, thực hiện tốt nội dung làm quen tiếng Anh lớp 2 và tiếp tục triển khai chương trình thí điểm tiếng Anh cấp TH đối với học sinh lớp 3, 4, 5. Nhiều trường học, CSGD còn tạo điều kiện cho HS được giao lưu tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, khuyến khích HS sử dụng tiếng Anh thường xuyên để nâng cao kỹ năng thực hành.
Sở GDĐT thăm, kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Sở GDĐT thăm, kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Việc học tiếng Anh cấp trung học cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các trường học đã tổ chức tốt chương trình tiếng Anh hệ 10 năm thí điểm của Bộ GD-ĐT, làm tiền đề vững chắc cho việc triển khai chương trình môn tiếng Anh trong chương trình GDPT năm 2018. Chất lượng mũi nhọn và đại trà bộ môn tiếng Anh đã có sự chuyển biến rõ rệt.
 
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, quản lý giáo dục được tập trung đẩy mạnh. Ngành đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản điều hành, khai thác hệ thống email công vụ để chuyển và nhận văn bản giữa sở với Phòng GDĐT và các CSGD.
 
Đội ngũ CBGV luôn tích cực ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy, bồi dưỡng, phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong tất cả các môn học. Nhiều CSGD, GV đã chú trọng xây dựng bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, sách điện tử tương tác để cung cấp cho HS làm tư liệu trong học tập, nghiên cứu
 
Hoạt động dạy học trực tuyến bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ HS tham gia học qua internet đạt 61%. Một số trường đã chủ động mua sắm các điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC), đường truyền internet, phần mềm, học liệu phục vụ dạy học trực tuyến. Hầu hết các trường học đều trang bị máy chiếu, tivi màn hình lớn làm phương tiện hỗ trợ GV sử dụng bài giảng điện tử trong dạy học.
 
Năm học vừa qua, ngành cũng đã tổ chức thành công kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh lớp 9, 11, 12 và kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia. Kết quả kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia, trong 62 HS tham gia dự thi có 41 HS đoạt giải; trong đó có 9 giải nhì, 12 giải ba và 20 giải khuyến khích. Đặc biệt, trong 9 đội tuyển tham gia dự thi có 100% HS đội tuyển Ngữ văn và đội tuyển Vật lý đoạt giải. Đây là năm có tỷ lệ HS đoạt giải cao nhất trong 10 năm gần đây.
 
Kết thúc năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT tỉnh nhà cơ bản thực hiện thành công “mục tiêu kép”, chất lượng giáo dục được bảo đảm, đội ngũ CB, GV, HS đều an toàn trước dịch bệnh Covid-19.
 
Chủ động chuyển trạng thái thích ứng với dịch bệnh
 
Bước vào năm học 2021-2022, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành tiếp tục xây dựng nhiều giải pháp nhằm quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép” là ứng phó với dịch bệnh và tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu, chất lượng GD-ĐT.
 
Với tinh thần “hoàn cảnh đặc biệt phải có hành động khác biệt”, toàn ngành tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, sẵn sàng chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Nhiệm vụ được đặt ra là tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới CSGD phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS đến trường. Ngành sẽ tăng cường đầu tư CSVC, thiết bị để thực hiện chương trình sách giáo khoa GDPT 2018, triển khai hiệu quả Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục MN và GDPT giai đoạn 2021-2025.
 
Bên cạnh triển khai thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình này đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2023, ngành còn xây dựng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ CB, GV nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT...
 
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành tiếp tục tăng cường đầu tư CSVC, thiết bị; chú trọng xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục lành mạnh, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ CBGV; thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động do ngành, địa phương phát động, gắn phong trào thi đua, công tác khen thưởng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, đơn vị và mỗi cá nhân.
 
Hiện tại, ngành GD-ĐT đang xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, linh hoạt nhằm đối phó với các tình huống của dịch bệnh và bảo đảm chất lượng dạy học. Một trong những nhiệm vụ được chú trọng là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, yêu nghề của đội ngũ CBGV để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
 
Đối với những trường học ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, không có điều kiện để triển khai hoạt động dạy và học trực tuyến, các trường đều xây dựng kế hoạch cụ thể như: Phân công giáo viên phụ trách từng nhóm HS, có kế hoạch tổ chức các đợt bồi dưỡng kiến thức… nhằm thực hiện mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.
 
Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, ngành GD-ĐT xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học cần phải linh hoạt để chủ động ứng phó. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đạt được trong năm học 2020-2021 của ngành sẽ là động lực thúc đẩy, tạo đà cho năm học mới 2021-2022 tiếp tục có những bước tiến vững chắc, bảo đảm đạt được các mục tiêu của giáo dục trong thời kỳ đổi mới.
 
Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng GDĐT, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngành tiếp tục quan tâm đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng công tác kiểm định chất lượng giáo dục, tăng cường CSVC, trang thiết bị trường học, quyết tâm thực hiện chuẩn hóa giáo dục và đổi mới công tác quản lý giáo dục.
 
Đặng Ngọc Tuấn
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

 

tin liên quan

Hơn 45% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng
Hơn 45% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng

Từ 17 giờ ngày 5-9, các thí sinh đã kết thúc thời hạn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 dựa vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021.

Lùi thời gian dạy học thông qua Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình
Lùi thời gian dạy học thông qua Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình

(QBĐT) - Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) quyết định lùi thời gian dạy học thông qua Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình đối với lớp 9 và lớp 12.

Nam sinh Quảng Bình đoạt vòng nguyệt quế cuộc thi tuần cuối cùng Đường lên đỉnh Olympia 21
Nam sinh Quảng Bình đoạt vòng nguyệt quế cuộc thi tuần cuối cùng Đường lên đỉnh Olympia 21

(QBĐT) - Ngày 5-9, trong trận thi tuần cuối cùng Đường lên đỉnh Olympia 21, một học sinh Quảng Bình đã giành chiến thắng tuyệt đối và đi tiếp vào trận thi tháng 3 quý IV cuộc thi tuần cuối cùng Olympia 21.