(QBĐT) - Nhiều năm qua, thầy giáo Nguyễn Thanh Toàn (42 tuổi, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy, Lệ Thủy) miệt mài cống hiến. Không chỉ dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số các vùng rẻo cao, anh còn làm được chuyện đặc biệt-dạy tiếng Bru-Vân Kiều cho người miền xuôi.
Gian nan dạy học
Sinh ra và lớn lên ở miền xuôi của huyện Lệ Thủy, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, năm 1997, thầy giáo Toàn khăn gói lên công tác tại xã miền núi Kim Thủy. Rồi sau đó, anh tiếp tục dạy học ở các xã miền núi trong vùng như Ngân Thủy, Lâm Thủy, là những nơi có đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống đông đúc.
Thời đó, việc dạy học ở xứ biên viễn heo hút này vô cùng gian lao. Ở các bản như: Ho, Rum, Mít, Mới…, học sinh phải đi bộ khoảng 5-7 cây số đường rừng từ các bản lẻ đến trung tâm để học. Kể cả bây giờ cũng còn không ít cách trở. Đời sống người dân gian khổ đủ bề. Bố mẹ các em phải đi làm nương rẫy để kiếm sống cho gia đình. Còn học sinh ít biết tiếng phổ thông nên ngại tiếp xúc với thầy cô, ngại đến trường. Lên dạy, thầy giáo Toàn làm 2 nhiệm vụ: một là vận động bà con và phụ huynh đưa con em đến trường, tăng thêm điểm trường để học sinh đỡ phải đi lại; hai là dạy xóa mù chữ cho người dân từ 15-45 tuổi.
![]() |
Quãng thời gian ấy thật khó quên trong ký ức của thầy giáo Toàn. Anh nhớ lại: “Giữa những năm 2000, được giao nhiệm vụ lên bản Eo Bù-Chút Mút, bản Mù Cáo, tôi ở lại trạm biên phòng 2 tháng để làm trường, chuyển trường xóa mù do Bộ đội Biên phòng gây dựng lên trước đó. Đường đi lại gian nan lắm, mỗi lần mưa lũ là cây cối, đất đá đổ sụp chắn ngang đường chia cắt Eo Bù-Chút Mút; bùn ngập bánh xe máy. Chạy xe hay đẩy bộ xe máy phải chấp nhận đi chân trần, nếu không thì bị mất dép dưới lớp bùn dày đặc là chuyện thường; dù đã dùng dép rọ và thắt rất chặt. Rồi điện, trường không có; đồng bào khát chữ, khát ánh sáng văn minh”.
Đau đáu với miền đất cách trở, thầy giáo Toàn ngày đêm trằn trọc và nghĩ phải quyết tâm tìm cho được lời giải của bài toán hóc búa nhằm xóa đi rào cản ngăn cách giữa người miền xuôi với người miền ngược. Từ đó, anh về với dân bản nhiều hơn, tìm tòi, học hỏi trưởng bản, già làng là những người am hiểu để học tiếng bản địa. Quá trình dạy xóa mù chữ cho bà con cũng rất hữu ích, bởi thầy giáo dạy phụ huynh tiếng Việt, còn phụ huynh dạy thầy giáo tiếng Bru-Vân Kiều.
Thời gian trôi dần theo năm tháng, tiếng Bru-Vân Kiều được tích cóp dần mỗi ngày, mỗi giờ qua các lần “học” bằng đàn sáo, giao lưu, uống rượu... Mỗi lần dân bản có tiệc mừng, thầy Toàn tham gia như một người dân. Khi ngà men rượu là mọi người bắt đầu say đàn hát đối đáp bằng tiếng Bru; gọi là tà-oải (hò đối đáp). Tên gọi “Bru Toàn” ra đời từ lúc nào không hay.
Niềm đam mê tiếng Bru-Vân Kiều như thôi thức anh có động lực hơn trong dạy học, dù trường mây tre nứa, nhà lá dột nát, bàn học làm bằng một tấm ván dài 3m, ghế cũng một tấm ván nhưng nhỏ hơn. Bảng phấn được người dân ghép ba tấm ván lại và lấy cây chuối non làm khăn lau bảng. Tất cả vì cái chữ con em.
Dạy chữ cho cán bộ
Ý chí đã giúp anh đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi. Anh rành rẽ tiếng Bru-Vân Kiều. Năm 2004, tại hội thi “Sáng tạo và sử dụng đồ dùng dạy học cấp huyện” do Phòng GD-ĐT Lệ Thủy tổ chức, thầy giáo Toàn đạt giải B với 2 sản phẩm: giải pháp sáng tạo "Sổ tay song ngữ tiếng Việt-tiếng Vân Kiều" và bộ gõ âm nhạc dành cho học sinh tiểu học. Phát huy thành quả, anh tiếp tục lăn lộn các bản tìm tòi bổ sung vốn tiếng Bru-Vân Kiều, cũng như văn hóa phong tục của dân bản. Anh dạy lại tiếng Việt cho người dân, tuyên truyền bà con xóa bỏ hủ tục.
![]() |
Năm 2008, thầy giáo Toàn được về xuôi dạy và bắt đầu từ thời điểm này, anh tham gia Ban biên soạn, chỉnh sửa tài liệu tiếng Bru-Vân Kiều của tỉnh Quảng Bình. Một năm sau, anh được mời dạy tiếng Bru-Vân Kiều cho cán bộ công chức, viên chức ở các sở, ban, ngành trong tỉnh; đến nay đã có hàng trăm lượt người học.
Vừa dạy học sinh ở trường, anh Toàn vừa đi dạy tiếng Bru-Vân Kiều cho cán bộ. Thầy giáo Toàn như con thoi. Năm 2010, anh đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh vào năm 2012. Cơ duyên với đồng bào Vân Kiều đưa đẩy anh Toàn trở lại Lâm Thủy vào năm 2014 và có hộ khẩu tại đó luôn.
Năm 2015, anh đạt giải ba tại hội thi “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật” do Sở KH-CN Quảng Bình tổ chức với sản phẩm "Vận dụng sổ tay song ngữ tiếng Việt - Bru Vân Kiều vào các giờ học Toán, tiếng Việt tiểu học, các hoạt động bổ trợ nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt cho trẻ mầm non”. Sản phẩm này được cấp bản quyền và hiện đang áp dụng rộng rãi cho cán bộ, giáo viên tại các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy.
Sản phẩm gồm các tài liệu: cuốn từ vựng song ngữ tiếng Việt-Bru Vân Kiều; một số mẫu câu vận dụng dành riêng cho học sinh lớp 1 và trẻ mầm non qua các chủ đề; cách đọc các chữ ghi phụ âm; cách đọc các chữ ghi nguyên âm; các cuốn tài liệu tham khảo làm hồ sơ minh chứng giữa cái mới và cũ; băng, đĩa ghi âm, ghi hình phục vụ các mẫu câu, từ vựng. Các tài liệu có thể nâng cao hơn khi áp dụng phần mềm.
Nói về đồng nghiệp của mình, thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy chia sẻ: “Anh Toàn như một pho sử, pho ngôn ngữ Bru-Vân Kiều sống. Nhờ anh mà nhiều cán bộ biết tiếng đồng bào, cũng như bà con biết được tiếng Việt và công tác dạy học ở nơi này gặp thuận lợi hơn”.
Điều “Bru Toàn” mong muốn nhất là được phổ biến đề tài, sáng kiến của mình ra rộng hơn nữa, đến các địa bàn khác như huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và các trường phổ thông dân tộc bán trú, các cán bộ đang công tác tại địa bàn có bà con Bru-Vân Kiều.
Ngọc Vinh