Gặp gỡ cuối tuần
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Trò chuyện cùng tiến sỹ âm nhạc Đinh Thị Hoài Xuân

  • 08:03, 07/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tiến sỹ âm nhạc Đinh Thị Hoài Xuân quê ở huyện Minh Hóa là tiến sỹ cello đầu tiên của Việt Nam với đề tài: “Biểu diễn và phổ biến cello tại Việt Nam”. Đằng đẳng 22 năm theo học âm nhạc, Đinh Thị Hoài Xuân đã hoàn thành xuất sắc luận án tiến sỹ tại Rumani. Trước những lời mời của các trường đại học âm nhạc danh tiếng châu Âu, Đinh Thị Hoài Xuân đã chọn con đường trở về Tổ quốc để phục vụ, bởi theo cô: “Với tôi, Tổ quốc là nơi tuyệt diệu nhất trên trái đất này nên tôi chọn để quay về. Và tôi thấy quay về cũng là duyên trời định”. Để hiểu hơn về con đường âm nhạc của chị, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị.
 
- Cơ duyên nào đã đưa chị đến với âm nhạc? Sự tình cờ, khả năng bẩm sinh, thầy giáo, hay gia đình...?
 
- Tôi nghĩ là tất cả các cơ duyên trên. 22 năm kiên trì theo học âm nhạc cổ điển, tôi không bỏ qua bậc học nào từ sơ cấp ở Huế (7 năm), trung cấp ở Huế (4 năm), đại học ở Hà Nội (5 năm), thạc sỹ ở Hà Nội (2 năm ) và tiến sỹ ở Rumani (4 năm). Đó là tình yêu mãnh liệt mà tôi dành cho âm nhạc cổ điển cũng như dành cho cây đàn định mệnh của đời mình: cây đàn Cello. 
 
Tôi không thể nào quên ngày được bố mình là ông Đinh Văn Chương chở xe máy từ Đồng Hới lên Lệ Thủy dự thi năng khiếu vì bị trễ mất đợt thi tuyển ở Đồng Hới. Rồi tôi được nhận vào học ở Huế từ năm 1995. Gia đình biết tôi yêu và có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ nên hết lòng ủng hộ trên suốt con đường âm nhạc 22 năm qua.
Tiến sỹ âm nhạc Đinh Thị Hoài Xuân.
Tiến sỹ âm nhạc Đinh Thị Hoài Xuân.
- Tiến sỹ có thể cho biết sơ qua về tính năng cây đàn cello, vị trí của cây đàn cello trong dàn nhạc? 
 
- Đàn Cello xuất hiện từ thế kỷ XVI tại Ý, sau đó phổ biến ra toàn châu Âu và thế giới. Cello có âm vực thấp, thường đảm nhiệm bè bass trong dàn nhạc giao hưởng cùng với Contrebass. Dàn nhạc giao hưởng có 4 bộ: bộ dây, bộ gõ, bộ gỗ và bộ đồng thì Cello thuộc bộ dây. Ở Việt Nam, Cello còn có tên gọi khác là Trung Hồ cầm. Cello hoặc Violoncello vừa là cây đàn chơi trong dàn nhạc vừa là cây đàn biểu diễn solo, âm vực trầm ấm, gần gũi, dễ truyền cảm, người phương Tây ví thanh âm của Cello là thanh âm gần với giọng người nhất. 
 
- Hình như tiến sỹ có ý tưởng đưa âm nhạc cổ điển đến với trường học?
 
- Tôi có nhiều dự án chung một mục đích là lan tỏa âm nhạc cổ điển cùng tiếng đàn Cello đến rộng rãi khán giả ở Việt Nam như chuỗi hòa nhạc quốc tế được tổ chức thường niên tại Nhà hát Lớn mang tên “Cello Fundamento” hội tụ nhiều nghệ sỹ trên 7 quốc gia về Việt Nam biểu diễn... Ngoài ra, có những dự án cho ra các sản phẩm âm nhạc tiếp cận công chúng và lan tỏa âm nhạc cổ điển đến nhiều tầng lớp khán giả.
 
Năm 2020, tôi bắt đầu cho khởi động dự án mang tên “1 triệu bàn tay chạm Cello” nhằm mang âm nhạc cổ điển đến với các trường học từ cấp 1 đến đại học ở khắp cả nước. Đây là một dự án dài hơi, cần nhiều nỗ lực và nhiều thời gian. 
 
- Được biết năm 2020, chị đã cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình âm nhạc: “Thương lắm miền Trung". Xin chị nói rõ hơn hoạt động thiện nguyện này?
 
- Năm 2020, khi thiên tai bão lũ liên tục xảy ra ở Quảng Bình, tôi cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình âm nhạc thiện nguyện quyên góp ủng hộ bà con bị thiệt hại. Chương trình mang tên: “Thương lắm miền Trung”. Đó là tiếng tơ lòng của người nghệ sỹ đau đáu hướng về quê hương Quảng Bình. Là người con Quảng Bình, tôi luôn mong muốn đóng góp công sức, tài năng nhỏ bé của mình vào chương trình để kêu gọi được nhiều tấm lòng hảo tâm, cùng nhau giúp đỡ miền Trung. 
 
- Chị có dự định gì trong thời gian tới?                  
 
- Tôi vẫn tiếp tục những công việc của mình, tổ chức biểu diễn hòa nhạc Cello Fundamento, ra mắt 2 album nhạc số phát hành lên kho nhạc số quốc tế, tiếp tục duy trì dự án “1 triệu bàn tay chạm Cello”... Tôi cũng luôn dành thời gian vun vén cho hạnh phúc của riêng mình. 
 
- Xin cảm ơn tiến sỹ về cuộc trò chuyện! 
 
                                      Phan Hòa (thực hiện)

tin liên quan

Trần Đặng Đăng Khoa và hành trình chinh phục Sơn Đoòng…
Trần Đặng Đăng Khoa và hành trình chinh phục Sơn Đoòng…

(QBĐT) - Trần Đặng Đăng Khoa (34 tuổi), chàng trai quê Tiền Giang được nhiều người biết đến với hành trình phượt xe máy hơn 1.000 ngày vòng quanh thế giới. Khởi hành từ năm 2017, trong suốt hành trình trải dài khoảng 80.000km, anh đã đặt chân tới 65 quốc gia và buộc phải kết thúc hành trình vòng quanh thế giới của mình bởi dịch Covid-19. Sau một thời gian nghỉ ngơi, đầu năm 2021, Đăng Khoa bắt đầu hành trình chinh phục hang Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới và xem đây như một dấu mốc mới trong cuộc đời…

"Cần làm những công trình có độ bền hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm"
"Cần làm những công trình có độ bền hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm"

(QBĐT) - Nhiều người nói Võ Trọng Nghĩa là kiến trúc sư… lập dị nhất Việt Nam. "Tiếng tăm" ấy cùng những thành công mà anh đã đạt được khiến tôi hơi e dè khi quyết định tìm gặp anh. Nhưng gặp rồi, trò chuyện cùng Nghĩa mới hiểu, hóa ra tất cả những điều đã biết trước kia về anh đều là chưa đủ. 

"Cội lim già" giữa đại ngàn…
"Cội lim già" giữa đại ngàn…

(QBĐT) - Trong hành trình 40 năm khai phá và lập bản đến giờ, người dân ở bản Bạch Đàn không những biết làm lúa nước, chăn nuôi theo hướng khoa học mà còn tìm được hướng vươn lên đích thực cho vùng đất và cho tương lai. Thành quả ấy, ngoài ý chí, nghị lực của dân bản còn có đóng góp không nhỏ của già làng Hồ Thanh Tình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thủy...