(QBĐT) - Chính xác là sáng 15/7/1989, tại hội trường UBND TX. Đồng Hới (khu vực trung tâm thương mại hiện nay), với 500 đại biểu từ các huyện và các ban, ngành trong tỉnh.
Trong 15 ngày, từ 1/7, có một đợt tuyên truyền trên sóng phát thanh và cổ động loa máy trên xe về kỷ niệm 40 năm “Quảng Bình quật khởi”. Không gian đầy ắp giai điệu ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” và những ca khúc truyền thống thời đánh Pháp, đánh Mỹ cùng lời xướng dõng dạc của phát thanh viên: Bốn mươi năm Quảng Bình quật khởi! Gây được ấn tượng rất mạnh trong không khí xã hội.
Lịch sử được nhắc lại: Năm “Tây tới!”, 1947, ngày 27/3, thực dân Pháp đổ bộ đánh chiếm Đồng Hới. Tiểu đoàn quân chủ lực Lê Thành Đồng dàn quân ở bãi biển Nhật Lệ chặn giặc. Lực lượng và vũ khí chênh lệch, Tiểu đoàn trưởng Lê Thành Đồng hy sinh, đơn vị rút lên chiến khu, Đồng Hới thất thủ. Ba ngày sau, Pháp đánh lên Quảng Ninh, Lệ Thủy. Trận đối mặt ở làng Quảng Xá (xã Tân Ninh, Quảng Ninh), ta hy sinh nhiều, thiệt hại nặng.
Pháp đánh ra Bố Trạch, Ba Đồn. Ta chủ trương tiêu thổ, rút lên chiến khu vùng chân thềm Trường Sơn tổ chức kháng chiến trường kỳ. Hai năm sau, tháng 7/1949, nhận thấy lực lượng đã đủ mạnh, ta chủ trương hạ sơn đánh pháp, lấy ngày 15/7/1949 làm ngày “Quảng Bình quật khởi”. Khí thế quân và dân cùng âm vang ca khúc hùng tráng “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Đồng bào ơi, cùng Bình Trị Thiên đứng lên! Đứng lên ta nguyện giết loài lang sói...”. Khắp nơi vùng lên hưởng ứng phong trào nhổ bốt, phá đồn…
![]() |
Tròn 40 năm sau, hào khí “Quảng Bình quật khởi” lại dâng lên trong những ngày đầu tái lập tỉnh với bao gian khổ, thiếu thốn nhưng thừa ý chí, tinh thần chung sức chung lòng. Những ngày ấy, chưa quy hoạch kịp tổ chức cán bộ. Ở các ban, ngành vẫn duy trì hình thức “ triệu tập viên”, là người đứng đầu điều hành đơn vị. Việc tổ chức hội nghị cốt cán toàn tỉnh đúng vào ngày “Quảng Bình quật khởi” cũng mang một ý nghĩa đặc biệt. Tôi được cử đảm trách việc mà bây giờ gọi là trưởng phòng nội dung-thư ký tòa soạn của Đài Phát thanh Quảng Bình nên được trực tiếp dự và tường thuật hội nghị quan trọng này.
Trước 500 đại biểu khí thế, đồng lòng chung sức, đồng chí Trần Sự là triệu tập viên UBND tỉnh trình bày “kịch bản” tái thiết quê hương trong khoảng mười năm trước mắt, với những nhiệm vụ cấp bách, như: Ổn định cuộc sống cho gần ba vạn nhân khẩu từ Huế và các huyện phía Nam chuyển ra; khôi phục hạ tầng và quy hoạch xây dựng TX. Đồng Hới; đẩy mạnh sản xuất ở địa bàn các huyện…
Thực tế, trong nửa tháng đầu tiên cả tỉnh đã chuyển động, tất cả các ban, ngành, cơ quan đều vừa tạm ổn định nơi ăn chốn ở, vừa bắt tay ngay vào việc. Báo Quảng Bình đã ra những số đầu tiên được bạn đọc vui mừng đón nhận. Đài Phát thanh Quảng Bình đã phát thanh chương trình đầu tiên sáng 1/7 và đều đặn mỗi ngày hai chương trình sáng và trưa, buổi tối thì phát lại. Trạm truyền hình công suất 100W trên đồi Hải Thành cũng tiếp tục tiếp sóng và bắt đầu có chương trình riêng…
Hội nghị cốt cán ngày 15/7 có hai người khách đặc biệt từ Hà Nội được mời tham dự là đại tá-nhạc sĩ Nguyên Nhung, người con của quê hương Quảng Bình và nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” nổi tiếng, đến thời điểm ấy cũng tròn 25 năm quảng bá. Nhạc sĩ Hoàng Vân lên diễn đàn phát biểu, giọng xúc động trước hiện trạng hết sức khó khăn của Quảng Bình ngày đầu tái lập và tình cảm yêu mến đặc biệt của người Quảng Bình dành cho ông. Rồi ông ôm đàn ghi ta hát ca khúc của mình trong lời họa “khoan khoan hò khoan” của 500 đại biểu yêu mến ca khúc bất hủ này. Phấn khích trước không khí hào hùng trong hội trường, tôi và một đồng nghiệp cùng lên diễn đàn “tam ca” cùng nhạc sĩ. Ca khúc được hát đủ cả ba lời mà không khí hội nghị tưởng chừng như không muốn dừng lại...
35 năm trôi qua. Những ý tưởng, nội dung cơ bản trong hội nghị ngày ấy, bây giờ đã thành hiện thực, đã nên hình hài và ngày càng hoàn chỉnh. Một diện mạo mới, giàu đẹp bền vững và có phần sang trọng của Quảng Bình đã sánh vai với các tỉnh bạn trong cả nước. Và cho dù lịch sử có những biến thiên ngoài ý muốn đi chăng nữa, thì, ký ức về những ngày đầu tái lập tỉnh, về hội nghị cốt cán đầu tiên bàn việc tái thiết quê hương mãi mãi được ghi vào trang sử địa phương, ghi vào tâm khảm nhiều thế hệ như ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” mãi lan tỏa vang vọng khúc vĩ thanh lâu dài về sau.
Nguyễn Thế Tường