Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Di tích "Quảng Bình quan" qua mộc bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới

  • 06:07, 18/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tỉnh Quảng Bình được biết đến là nơi có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh. Nổi tiếng trong số đó có Quảng Bình quan (chữ Hán: 廣平關), có nghĩa là cửa ải Quảng Bình. Quảng Bình quan không chỉ mang biểu tượng của tỉnh Quảng Bình mà còn được xem như là “vị chứng nhân của lịch sử” khi đã chứng kiến và dõi theo nhiều sự thay đổi của quê hương Quảng Bình. Qua Di sản mộc bản triều Nguyễn, cùng hiểu hơn về Quảng Bình quan.
 
Quảng Bình quan là một cửa ải trọng yếu thuộc hệ thống Lũy Thầy, được bậc khai quốc công thần Đào Duy Từ cho đắp xong vào năm Tân Mùi (1631). Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 2, mặt khắc 20 còn ghi về Lũy Thầy như sau: “Mùa thu, tháng 8, lũy Nhật Lệ (tức là trường thành Quảng Bình ngày nay) đắp xong. Đầu là chúa sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét hình thế sông núi. Bọn Duy Từ đến Quảng Bình xét biết hết những hình trạng cao thấp rộng hẹp. Khi về Đào Duy Từ nói với chúa rằng: “Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh; trong thì đắp lũy Trường Dục”. Chúa ngại khó. Duy Từ nhân cáo ốm, thác ý vào những bài ngâm vịnh để ví, lời rất khích thiết. Chúa liền làm cho. Duy Từ cùng với Hữu Dật trông coi công việc. Duy Từ đến, tính công họp dân để khởi công đắp lũy dài. Lũy cao 1 trượng 5 thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, làm năm bậc, voi ngựa đi được, dựa núi men khe, dài hơn 3.000 trượng, mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Mấy tháng đắp xong lũy, thành một nơi ngăn chặn chia hẳn hai miền Nam Bắc”.
Hình ảnh Quảng Bình quan ngày nay. Nguồn: Sưu tầm
Hình ảnh Quảng Bình quan ngày nay. Nguồn: Sưu tầm
Về tên gọi “Quảng Bình quan” được vua Minh Mạng cho đặt tên vào năm Giáp Thân (1824), tính đến nay, danh xưng Quảng Bình quan vừa tròn 200 năm. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 25, mặt khắc 7, 8 ghi về sự kiện này như sau: “Thành xây xong lại sửa đắp lũy dài (từ núi Đâu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ), cửa lũy cho tên là Quảng Bình quan. Ngoài cửa có cầu cũng gọi là cầu Quảng Bình. Thưởng cho Nguyễn Văn Trí 100 quan tiền, 3 tấm sa, 1 thứ kỷ lục; quan binh được thưởng theo thứ bậc”.
 
Đến tháng 2, năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng đã tiến hành cho xây gạch Quảng Bình quan và một số hạng mục khác. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 31, mặt khắc 26 ghi: “Xây đắp cửa Quảng Bình quan, cầu Quang Bình cùng bảo ngoài hộ quan. Cửa quan dài 2 trượng 1 thước, ngang 2 trượng 5 thước, trong lòng cửa cao 10 thước 8 tấc, rộng 8 thước 1 tấc; cầu dài 5 trượng, giữa cao 12 thước, 2 đầu cao 8 thước, ngang 16 thước, bảo dài 14 trượng 6 thước, rộng 3 thước, cao 3 thước. Sai dinh thần lấy lính các vệ Chấn oai và Tuần thành làm việc. Y theo quy thức cửa và cầu của Kinh thành mà làm. Làm xong, thưởng khắp mọi người hơn 3.000 quan tiền. Lại nhân lúc không phải ngày mùa, sai thuê dân xây cầu đá trên đường quan, hằng ngày cấp cho tiền gạo”.
 
Về quy mô của Quảng Bình quan, mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 8, mặt khắc 40 có ghi lại: “Quảng Bình quan: Ở phía Đông Trường thành Định Bắc. Cửa ải dài 2 trượng 1 thước, ngang 2 trượng 5 thước, đồn ở ngoài ải dài 14 trượng 6 thước, cao 3 thước, xây đá năm Minh Mạng thứ 6 (1825)…”.
 
Sau khi xây dựng, Quảng Bình quan được đánh giá là công trình có giá trị to lớn về mặt quân sự không chỉ riêng đối với tỉnh Quảng Bình mà còn nằm trong tuyến phòng thủ chung bảo vệ kinh đô Huế. Vì vậy, bên cạnh việc xây đắp Quảng Bình quan vững chắc, vua Minh Mạng đã cho đặt biền binh, lính thú nơi đây để bảo vệ vững chắc. Tháng 9, năm 1825, vua Minh Mạng đã cho đặt Thủ ngự ở Quảng Bình quan. Đến tháng 11, năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng tiếp tục cho đặt thêm chức phòng thủ ở Quảng Bình quan.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 31, mặt khắc 26 ghi về việc vua Minh Mạng cho xây đắp Quảng Bình quan, năm 1825. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 31, mặt khắc 26 ghi về việc vua Minh Mạng cho xây đắp Quảng Bình quan, năm 1825. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 70, mặt khắc 4 ghi: “Đặt thêm chức phòng thủ ở các cửa ải, trật Tòng tứ phẩm. Lấy Cai đội vệ Long võ hậu là Võ Văn Dương làm Phòng thủ úy Hải Vân quan cai quản những biền binh trú phóng để đóng lâu ở đấy; Cai đội vệ Hổ oai hữu là Nguyễn Tiến Viễn làm Phòng thủ úy Quảng Bình quan; Thủ ngự Quảng Bình quan là Nguyễn Hữu Hựu làm Thủ ngự thự Phòng thủ úy Vũ Thắng quan. Sai trấn thần bắt cấp để canh giữ Quảng Bình quan 15 người biền binh, Vũ Thắng quan 10 người, còn cửa đá của Trường Thành gần cửa Nhật Lệ thì giao cho viên trấn thủ kiêm quản khóa kỹ lại”.
 
Bảy năm sau (tức năm Đinh Dậu (1837), vua Minh Mạng ra lệnh cho khắc hình tượng Quảng Bình quan vào Nghị đỉnh cùng với các hình tượng khác, như: Sao Nam Đẩu, cửa biển Thuận An, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, con voi, con bươm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền hải đạo, súng trường. Nghị đỉnh được vua cho đặt trang trọng trước sân Thế miếu.
 
Dưới triều vua Thiệu Trị, vào năm Nhâm Dần (1842), trong chuyến ngự giá ra Bắc, khi ghé thăm tỉnh Quảng Bình, vua đã dụ bộ Công rằng: “Một dải trường lũy, trên tiếp núi Đâu Mâu, dưới đến tận bờ biển, Liệt thánh ta trước đây mưu sâu tính xa, gia công gây dựng, đức Thánh tổ Nhân hoàng đế ta lại sửa sang thêm, làm cho vĩnh viễn thành nơi hiểm trở hữu tình. Nay nhân coi khắp hình thế, nên sửa sang thêm lần nữa để cho bờ cõi vững vàng. Về xưởng súng ở trên thành, nên theo cách thức ở kinh thành mà làm”.
 
Vua lại nói: “Việc đắp ra trường lũy, bắt đầu từ đời Hiếu Văn hoàng đế ta, do một công thần khai quốc là Hoằng quốc công Đào Duy Từ bắt đầu mưu tính việc ấy. Sau Thái tông Hiếu Triết hoàng đế ta 2 lần đánh được quân Bắc và Thế tổ Cao hoàng đế ta đại thắng giặc Bắc, đều ở chỗ này. Nên đặt tên cho lũy là “Định Bắc trường thành” để cho danh nghĩa được chính đáng”.
 
Trải nhiều thăng trầm của lịch sử, Quảng Bình quan xuống cấp và bị hư hại nặng. Sau nhiều lần được trùng tu, đến nay, Quảng Bình quan đã phục chế lại gần như nguyên bản. Quảng Bình quan được xem là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng thủ quân sự từ thuở sơ khai đến nay của tỉnh Quảng Bình.
Thơm Quang
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H20, Mộc bản triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
6. Hồ sơ H48, Mộc bản triều Nguyễn-Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

tin liên quan

Phát huy khí chất, bản lĩnh "Quảng Bình quật khởi"
Phát huy khí chất, bản lĩnh "Quảng Bình quật khởi"

(QBĐT) - Ngày 15/7/1949, những hồi trống đầu tiên vang lên trong ban mai ở làng Hiển Lộc, xã Duy Ninh (Quảng Ninh), mở đầu cao trào "Quảng Bình quật khởi" do Đảng bộ tỉnh Quảng Bình phát động.

Nhớ về hội nghị cốt cán đầu tiên ngày tái lập tỉnh
Nhớ về hội nghị cốt cán đầu tiên ngày tái lập tỉnh

(QBĐT) - Chính xác là sáng 15/7/1989, tại hội trường UBND TX. Đồng Hới (khu vực trung tâm thương mại hiện nay), với 500 đại biểu từ các huyện và các ban, ngành trong tỉnh.

Mạch nguồn Kiến Giang
Mạch nguồn Kiến Giang

(QBĐT) - Hiếm có một dòng sông nào lại đi vào thơ, ca, nhạc, họa với nhiều màu sắc, cung bậc cảm xúc  như dòng Kiến Giang quê tôi: Sông thơ, sông nhạc, sông tình… Tất cả những gì là yêu thương, trìu mến, thân thương nhất được người dân xứ Lệ dành cho dòng sông quê hương.