Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Chợ Nấp không bao giờ nấp

  • 08:06, 29/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vùng Nam TX. Ba Đồn có rất nhiều chợ quê với những cái tên khá ấn tượng, như: Chợ Trường xã Quảng Hòa, chợ Mới xã Quảng Minh, chợ Sải xã Quảng Trung… và có một chợ khiến ai nghe lần đầu không khỏi tò mò, đó là chợ Nấp xã Quảng Tiên.
 
Nhiều người chắc muốn biết nguồn gốc cái tên của chợ? Sản vật chủ yếu được bán ở chợ này là những gì? Ý nghĩa của chợ trong đời sống cư dân?... May mắn, tôi gặp nhà giáo Phạm Đức An (sinh năm 1963), ở thôn Vinh Quang, xã Quảng Tiên, giáo viên Trường tiểu học Quảng Trung, là người say mê tìm hiểu lịch sử của quê hương. Thầy An kể lại: Chợ Nấp ban đầu chỉ là mấy quán nhỏ cạnh bến đò ngang, do Ủy ban hành chính kháng chiến xã Lệ Trạch (cũ) lập ra để đón tiếp bộ đội, dân công vào Nam ra Bắc.
 
Dần dà, một số bà con làm nghề chài lưới, trồng trọt, đi rừng… mang sản phẩm đến đây bày bán. Từ đó, người “ăn chợ” ngày thêm đông và chợ được hình thành bên bờ sông Gianh, tại thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên. Hòa bình lập lại, chợ Nấp có vài lần di chuyển địa điểm, song mức độ mua bán không được xôm tụ nên xã đã quy hoạch để chợ Nấp được trở về gần vị trí cũ như ngày nay.
 
Cụ Đoàn Thị Tườu (sinh năm 1923), mẹ của thầy An, dù đã 101 tuổi nhưng vẫn đi lại vững vàng và có trí nhớ khá tốt. Cụ Tườu kể về lai lịch chợ Nấp: Thuở mới hình thành, các bậc cao niên đã nghĩ đến việc đặt tên cho chợ. Lúc bấy giờ, chợ như nấp dưới hòn lèn Vận, cây cối rậm rạp; ngoài các loại mưng, sanh, bời lời… còn có 6 cây đa rất lớn, tỏa bóng sum suê, mọi sinh hoạt phía dưới hoàn toàn kín đáo. Các cụ bèn đặt cho ngôi chợ cái tên vừa bình dị, dân dã: “chợ Nấp”, rồi cứ thế theo tháng năm mà tồn tại đến hôm nay. Chợ Nấp nhóm họp vào tất cả các ngày trong tháng, thời gian chợ đông nhất từ 5-7 giờ sáng. Sau khi mang bán những sản vật gia đình làm ra và mua các thứ cần thiết, mọi người trở về để còn ra đồng, nhất là vào thời điểm vụ gặt.
Chợ Nấp hôm nay.
Chợ Nấp hôm nay.
Mặt hàng được mua bán thường xuyên ở chợ Nấp là các loại tôm, cá nước lợ, đặc biệt là cá bống cát, loại cá chuyên vùi mình dưới cát, chỉ để đôi mắt trồi lên, phòng ngừa sự tấn công của đối thủ và cái miệng he hé để hứng hớp phù du. Tuy thân hình chỉ nhỉnh hơn đầu chiếc đũa ăn nhưng đây là loại cá rất ngon, phù hợp với người dùng cháo trắng và cơm niêu. Ngoài ra còn có chắt chắt-một loài hến, cất ngay trên sông Gianh, đoạn chảy qua trước mặt làng, đây là món quà quê rất được ưa chuộng đối với nhiều thực khách.
 
Thầy giáo Phạm Đức An giải thích, xúc chắt chắt là nghề mưu sinh của nhiều bà con ở vùng đầu nguồn sông Gianh này, nhưng chỉ chắt chắt ở chợ Nấp được coi là đặc sản. Do yếu tố địa hình, nguồn nước tại đây không quá mặn nên chắt chắt có độ ngọt và cũng không quá nhạt làm cho chắt chắt bị mất đi vị béo. Với các mặt hàng tươi sống, như: Tôm đất, cá đối, cá hanh, nghêu, sò, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và các loại hàng ăn (cháo canh, bún, bánh)… khá là rôm rả.
 
Cũng như nhiều làng quê ở TX. Ba Đồn, xã Quảng Tiên có nghề nón lá truyền thống vì thế nón là mặt hàng không thể thiếu ở chợ Nấp. Các dụng cụ phục vụ sinh hoạt và sản xuất, như: Đồ đan, đồ rèn, đồ nhựa, đồ may mặc… khá phong phú. Từ lâu, người dân đã thích nghi với cảnh mua bán chớp nhoáng của chợ Nấp nên ai cũng thấy quen thuộc với điều này.
 
Thuở trước, chợ Nấp là nơi che chở cán bộ cách mạng, cất giấu vũ khí, hàng hóa quân sự phục vụ kháng chiến. Ngày nay, chợ góp phần cung ứng nhanh, giải quyết nhu cầu đời sống, để người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Về Quảng Tiên hôm nay, lèn Vận dù mang trên mình bao thương tích của chiến tranh, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Chợ Nấp khiêm tốn hiện diện bên dòng sông mang dáng vẻ hiền hòa nhưng ẩn chứa trong lòng bao dấu tích bi tráng.
 
Trước tháng 12/1955, xã Quảng Trung và Quảng Tiên ngày nay đều thuộc xã Lệ Trạch, theo Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung tập I: “Ngày 17/4/1947, quân Pháp dùng 4 ca-nô từ Thanh Khê dọc theo nguồn Nậy đổ bộ lên chợ Nấp… Sau khi phóng hỏa đốt nhà ở Tiên Lệ, chúng tiến vào Biểu Lệ tàn sát nhân dân, sau đó ào ạt tràn xuống Lâm Xuân. Nghe tiếng súng giặc, lực lượng tự vệ ta liền ra ứng chiến, với vũ khí là đại đao, mác, gươm, cả đòn xóc gánh lúa…(1), gây cho chúng nhiều thiệt hại. “Địch nổ một loạt súng máy xuống trận địa, rồi tràn tới dùng súng giết chết 53 người, trong đó có cả cụ già và trẻ em(2). “Ngày 24/4/1949, du kích ta phục kích địch ở hói xóm Phan (Tiên Lệ) tiêu diệt 2 tên Pháp, tiến đến cho nổ bom ở xóm Am Mũi Rồng. Du kích còn cải trang đánh úp một tiểu đội địch ở chợ Nấp...(3).
 
Cũng vị trí này trên sông Gianh, đoạn nằm giữa lèn Bút, lèn Vận và lèn Voi, vào lúc “tám giờ sáng ngày 28/4/1965, đế quốc Mỹ dùng đủ các loại máy bay đánh vào tàu Hải quân ta đang trú tại chợ Nấp (Quảng Tiên) từ sáng đến chiều(4). Nhân dân thôn Tiên Phong và xã Quảng Tiên đã phối hợp cùng lực lượng Hải quân, kiên quyết đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ phương tiện chiến đấu và vùng trời của quê hương. Trong khói lửa, dân quân ta đã dũng cảm dùng thuyền, kịp thời chuyển các thương binh từ tàu vào cấp cứu ở chợ Nấp. Đoạn sông này đã chứng kiến tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của 37 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Phân đội sông Gianh.
 
Dọc theo bờ sông và khu vực chợ Nấp là những di tích, nơi ngày xưa là trận địa mai phục của du kích, bến bãi tập kết vũ khí, trạm cấp cứu dã chiến… hiện đang được chính quyền và nhân dân xã Quảng Tiên giữ gìn, bảo vệ. Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên Lê Thị Thanh Hương, được sự đồng ý của UBND tỉnh và khảo sát của các ngành chức năng, địa phương đã lập quy hoạch, được phê duyệt và dự kiến sẽ xây dựng bia tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh ngày 28/4/1965 tại khu vực lèn Vận, khi đủ điều kiện về kinh phí.
 
Trong dòng chảy 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình và 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi, chợ Nấp đã trở thành địa danh luôn neo lại trong lòng các thế hệ người dân đôi bờ sông Gianh về tình yêu quê hương, lòng biết ơn đối các thế hệ cha, ông-những người quyết tâm giữ gìn độc lập tự do, tạo nên một “địa chỉ đỏ” sống mãi với thời gian.
Nguyễn Tiến Nên
 
(1), (2): Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung tập I (Trang 109).
(3): Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung tập I (Trang 125).
(4): Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung tập I (Trang 188).

tin liên quan

Vang mãi bản hùng ca
Vang mãi bản hùng ca

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ tại phường Hải Thành (TP. Đồng Hới), những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi năm xưa từng tham gia trận đánh biệt kích đêm 30/6/1964 trên bãi biển Nhật Lệ, thôn Đồng Thành (nay thuộc phường Hải Thành) giờ đã tóc bạc da mồi, cùng nhau ôn lại kỷ niệm. 

Lệ Thủy: Đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn
Lệ Thủy: Đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn

(QBĐT) - Sáng nay, 25/6, tại thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn.

 
Lễ giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lần thứ 324
Lễ giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lần thứ 324

(QBĐT) - Ngày 24/6 (nhằm ngày 19/5 âm lịch), tại nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã diễn ra lễ giỗ lần thứ 324 (năm 1700-2024) Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.