Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Ðất học Văn La

  • 11:05, 25/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Văn La, xã Lương Ninh (Quảng Ninh) là làng quê có truyền thống khoa bảng với nhiều danh nhân nổi tiếng học rộng, tài cao. Như mạch nguồn chảy mãi, truyền thống hiếu học ở Văn La vẫn đang được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Nhiều người con ở Văn La đỗ đạt, thành danh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
 
Làng khoa bảng
 
Những ngày tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm làng Văn La, nơi được mệnh danh là làng khoa bảng. Trò chuyện với những cao niên am hiểu về lịch sử làng Văn La, chúng tôi mới hiểu, ở vùng đất “bát danh hương” này, từ thuở sơ khai lập làng, việc học hành đã được người dân đặc biệt coi trọng, trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ. Ngay cả khi chưa có trường học, người làng đã mở những lớp dạy học cho con em ngay tại đình làng.
 
Ông Lê Văn Cần, người nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương và là chủ biên nhiều cuốn sách về làng Văn La cho biết, Văn La ở vào thế “thượng sơn hạ thủy”. Đứng trên tầm cao và tầm xa nhìn xuống, thế đất Văn La trông giống như một con rồng đang chầu, thân rồng uốn lượn, đuôi rồng xòe ra ở đỉnh Đầu Mâu, đầu rồng gối lên quả đồi thoai thoải.
 
Văn La một trong “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình và là làng có tiếng về học hành, khoa cử. Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An trong mục Phong tục-Tổng luận đã từng đánh giá: “Văn Yến, Văn La sẵn tay văn sĩ”. Từ nền học vấn rộng rãi và lâu đời đã hình thành nên trong làng một tầng lớp khoa cử đỗ đạt đáng tự hào mà mãi về sau này các thư tịch, địa chí, lịch sử địa phương đều nhắc đến như một sự kiện trọng đại.
 
Truyền thống khoa bảng ở làng Văn La được xây đắp nên từ nhiều dòng họ, nhiều gia đình có người đỗ đạt. Nhưng nổi danh nhất vẫn là dòng họ Hoàng với câu nói: “Việc quan họ Hoàng-việc làng họ Đỗ”.
Đình làng Văn La-nơi ngày xưa người làng mở các lớp học để dạy chữ cho con cháu.
Đình làng Văn La-nơi ngày xưa người làng mở các lớp học để dạy chữ cho con cháu.
Theo Lịch sử Đảng bộ xã Lương Ninh, dòng họ Hoàng ở Văn La có nhiều danh nhân nổi tiếng về học rộng, tài cao, đức độ có nhiều đóng góp cho đất nước. Tiêu biểu, như: Thượng thư Hoàng Kim Xán (Năm Gia Long đời thứ hai (1803) ông khảo hạch trúng cách, sơ thụ tri huyện Lệ Thủy, rồi thăng dần đến Thượng thư Hình bộ sung Nam Định Kinh lược đại sứ. Trở về triều vẫn giữ chức vụ, sau đổi sang Thượng thư Binh bộ, lãnh Tổng đốc Định An). Danh tướng Hoàng Kế Viêm (đỗ cử nhân năm 1843 được bổ chức Tư vụ, hàm Quang Lộc Tự khanh. Sau đó giữ chức Lang Trung Bộ Lại, Án sát tỉnh Ninh Bình, Bố chánh tỉnh Thanh Hóa, Bố chánh kiêm Tuần vũ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc An-Tĩnh, Thống đốc 4 tỉnh Lạng-Bình-Ninh-Thái, Đại học sĩ lãnh Tổng đốc Tam Tuyên, sung Tiết chế Quân vụ miền Bắc, Đông các Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công); Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Trọng Vĩ (đỗ cử nhân năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864) nhận chức Tuần vũ Quảng Yên năm 1880-1883. Sau đó ông được thăng Thượng thư Lễ Bộ, làm đến Hiệp biện Đại học sĩ. Ông được vua ban tặng Vinh Lộc đại phu, Thái tử, Thái phó, hàm nhất phẩm); phó bảng Hoàng Trọng Đài (năm 1909, ông thi đỗ cử nhân, năm 1910 đỗ Phó bảng (khoa thi này không lấy tiến sĩ) được bổ Tri phủ Anh Sơn, Nghệ An…
 
Trong nhà thờ họ Hoàng ở làng Văn La vẫn còn lưu giữ tấm bia khắc “Hoàng thị gia huấn”. Hàng năm, cứ đến giỗ tổ họ Hoàng vào ngày mồng 1/7 âm lịch, dòng tộc lại lấy “Hoàng thị gia huấn” ra đọc một cách trang trọng, tôn kính nhằm khuyên răn, nhắc nhở con cháu luôn giữ lấy đạo hiếu, trau dồi đức hạnh, cần mẫn học hành để mãi lưu truyền danh thơm dòng họ.
Bên trong nhà thờ họ Hoàng lưu giữ những lời căn dặn của Thượng thư Hoàng Kim Xán.
Bên trong nhà thờ họ Hoàng lưu giữ những lời căn dặn của Thượng thư Hoàng Kim Xán.
 
Viết tiếp những bảng vàng
 
Truyền thống hiếu học, đỗ đạt ở Văn La như suối nguồn chảy mãi. Thế hệ sau lại nối tiếp thế hệ trước ghi tên mình lên bảng vàng. Truyền thống đó được kế thừa, phát huy trong hầu hết nhiều gia đình, dòng họ hôm nay. Họ Hoàng, Lê, Nguyễn… đều là những dòng họ có truyền thống hiếu học. Nhiều người con ở Văn La là những giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) có những đóng góp nổi bật cho các ngành khoa học được vinh danh ở trong và ngoài nước. Hiện nhiều người vẫn đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy để truyền thụ lại kiến thức cho các sinh viên, nghiên cứu sinh ở khắp mọi nơi.
 
Tiêu biểu như các TS: Hoàng Trọng Ân, Hoàng Trọng Chính, Hoàng Trọng Dũng, GS, TS. Hoàng Tư Phụng (cùng sinh sống và làm việc tại Canada), TS. Hoàng Trọng Đại (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương), TS. Hoàng Văn Hạch (sinh sống và làm việc tại Hà Nội), TS. Hoàng Tú Ngọc (sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh)…
 
Như một mạch nguồn bồi đắp truyền thống đáng quý của làng Văn La, các thế hệ con cháu nơi đây vẫn ngày ngày miệt mài bên sách vở để hướng tới một tương lai tươi sáng. Chủ tịch Hội Khuyến học xã Lương Ninh Lê Thị Tám cho hay, để giữ được truyền thống hiếu học vững vàng, bản thân mỗi người con làng Văn La từ thế hệ trước đến lớp về sau đều có sự nỗ lực không ngừng. Kinh tế thuần nông dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các bậc ông bà, cha mẹ luôn sát cánh, động viên, hỗ trợ con em mình cố gắng học tập thành tài. Coi sự học là ưu tiên hàng đầu nên rất nhiều gia đình ở Văn La, ba mẹ đều làm nông nhưng nuôi 4-5 người con học đại học. Rất nhiều gia đình nghèo nhưng con cháu rất ham học và đều đỗ đạt, thành danh.
Những người am hiểu lịch sử làng Văn La kể về truyền thống hiếu học của quê hương.
Những người am hiểu lịch sử làng Văn La kể về truyền thống hiếu học của quê hương.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quảng Ninh Lê Trọng Duận, truyền thống hiếu học ở Văn La luôn được các dòng họ “tiếp lửa” thông qua công tác khuyến học, khuyến tài. Nhiều dòng họ học tập ở Văn La có những cách làm hay, hiệu quả về công tác khuyến học. Bên cạnh khen thưởng kịp thời các cháu có thành tích học tập tốt, nhiều dòng họ còn gửi thư khen nhằm động viên, cổ vũ khích lệ tinh thần học tập của con cháu trong dòng họ. Không chỉ các dòng họ có quỹ khuyến học mà ngay trong các gia đình cũng đã xây dựng quỹ khuyến học để khen thưởng, động viên con cháu đạt thành tích cao trong học tập.
 
Rời mảnh đất hiếu học Văn La, chúng tôi tin rằng, truyền thống “khoa bảng” sẽ tiếp tục chắp thêm đôi cánh cho các thế hệ sau ở mảnh đất “bát danh hương” ngày càng bay cao, bay xa hơn nữa, đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
 
Theo cuốn “Văn La một thuở” xuất bản năm 2016, làng Văn La có 19 GS, TS; 10 Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú, văn nghệ sĩ tài năng; 23 hiệu trưởng, 79 thầy thuốc, 70 lãnh đạo các doanh nghiệp và hợp tác xã; hàng trăm cử nhân, kỹ sư ở các lĩnh vực khác nhau…

Lan Chi

 

tin liên quan

Đình làng Lâm Lang
Đình làng Lâm Lang

(QBĐT) - Tựa lưng vào dãy lèn Rấy, mặt hướng ra dòng sông Gianh lịch sử, đình làng Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) thực sự là một trong những ngôi đình có địa thế đẹp nhất của tỉnh.

"Ai lên Minh Hóa quê mình"
"Ai lên Minh Hóa quê mình"

(QBĐT) - Minh Hóa là xứ sở của những câu dân ca mộc mạc, mang đậm bản sắc của vùng quê miền sơn cước và luôn được người dân gìn giữ, xem đó là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. 

60 năm ngôi làng tự hào mang tên ngày sinh của Bác Hồ
60 năm ngôi làng tự hào mang tên ngày sinh của Bác Hồ

(QBĐT) - Ngày 19/5, cán bộ và nhân dân làng 19/5 (nay là thôn 19/5), xã Quảng Đông (Quảng Trạch) tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập làng (19/5/1964-19/5/2024).