(QBĐT) - Cách đây 70 năm (1954-2024), ở nước ta có một sự kiện “chấn động địa cầu”, đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Có thể nói, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Sau chiến thắng này, thực dân Pháp ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Khơi thông các tuyến đường
Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị (khóa II), nhận định tình hình và quyết định mở Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, tiêu diệt cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ do một người con ưu tú của Quảng Bình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận.
Để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Trung ương quyết định mở Chiến dịch Trung Lào cùng với bộ đội Pathet Lào. Tháng 11/1953, Hội đồng cung cấp tiền phương được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Thân, Khu ủy viên Khu 4 làm Chủ tịch hội đồng.
Đối với Quảng Bình, đó là thời điểm cả tỉnh vừa khắc phục xong hậu quả lũ lụt nghiêm trọng (cuối tháng 10/1950) sau đó là nạn đói. Quân và dân Quảng Bình đã nhường cơm sẻ áo cho nhau với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, đồng cam cộng khổ vượt qua những thử thách khó khăn, gian khổ trước mắt.
Nhân dân Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Tỉnh ủy bước vào cuộc chiến mới, phục vụ Chiến dịch Trung Lào([1]). Ở chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 của quân đội ta nổ phát súng đầu tiên vào “ổ đề kháng” Him Lam của thực dân Pháp.
Đối với quân và dân Quảng Bình lúc này, tham gia Chiến dịch Trung Lào, về bản chất là thực hiện kế hoạch vận tải cho chiến dịch. Giao thông vận tải Quảng Bình được tổ chức 2 tuyến. Tuyến 1: Tân Ấp-Thanh Lạng-Xóm Cục-Mụ Giạ-Ba Na Phào... thực hiện được khối lượng vận chuyển 20.000 tấn. Lực lượng dân công hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các xã vùng trên của huyện Tuyên Hóa được huy động tham gia. Tất cả 20.000 người chia thành 6 cung trạm. Tuyến này do ông Nguyễn Huyên (Tế), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ông Ngô Đình Văn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình trực tiếp phụ trách.
Đồi A1. Ảnh: Xuân Tư
Tuyến 2: Phong Nha-Cà Roòng-Tà Bôi-Nậm Chà Là vận tải 1.000 tấn. Dân công huy động các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và các xã vùng dưới huyện Tuyên Hóa trên 2.000 người, gồm 4 trạm do ông Võ Văn Ấp, Giám đốc Ty Giao thông Quảng Bình phụ trách.
Tuyến 1 đi theo đường 12A, thuận lợi hơn tuyến 2 đi đường Phong Nha-Cà Roòng, bởi phải qua nhiều rừng già, đoạn hẹp nhất là leo trèo qua lèn đá Ba Thang, Diềm Cọp, Cù Mạ, Cù Con. Đoạn này không có đường tránh phải chờ nhau. Các trạm đã vận động dân công vận chuyển hàng vào và cáng thương binh ra. Kết quả trong 10 ngày chiến dịch đã chuyển 1.500 thương binh từ mặt trận Trung Lào về đến Bố Trạch an toàn.
Nhân dân các xã vùng trên huyện Bố Trạch đã ủng hộ lương thực, lợn, gà, rau xanh... mang đến Phong Nha. Các mẹ, các chị phục vụ thương binh chu đáo tận tình trước khi đưa anh em ra Hà Tĩnh điều trị.
Góp phần vào chiến thắng “chấn động địa cầu”
Với khí thế “chia lửa” với mặt trận Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Trung Lào đã dồn tổng lực đánh những đòn quyết định vào Sê Nô, Lằng Khằng, Ba Na Phào, Mụ Giạ, Bản Bo... Cùng thời điểm này, chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ liên tiếp bay đến mặt trận. Phong trào “Thi đua với Điện Biên” sôi nổi trong các đơn vị ta và bạn.
Theo tài liệu của Sở Nội vụ Quảng Bình, để thực hiện kế hoạch và bảo đảm an toàn cho đoạn biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 929, vốn là một đơn vị chủ lực do Tỉnh đội Quảng Bình phụ trách. Tiểu đoàn dọc theo đường 12 lên đến Cha Lo. Toàn tỉnh lập 29 trạm vận chuyển, huy động khoảng 46.000 lượt thanh niên xung phong, dân công và nhiều xe đạp thồ, phương tiện thô sơ khác phục vụ chiến dịch.
Trong Chiến dịch Trung Lào, quân dân Liên khu 4 nói chung, Quảng Bình nói riêng đã phối hợp với quân dân nước bạn Lào trong liên quân loại khỏi vòng chiến đấu 6.100 tên (hầu hết là lính Âu-Phi tinh nhuệ), thu 1.200 khẩu súng, hơn 2.000 xe ô tô quân sự, phá tan tuyến phòng ngự ở tuyến đường 8, 12 của địch, giải phóng một vùng rộng lớn 400.000km2, gồm 40.000 dân.
Chiến thắng Trung Lào góp phần làm cho kế hoạch tập trung quân của Na-va với âm mưu chia cắt Đông Dương bị phá sản hoàn toàn, tạo điều kiện cho quân dân nước bạn Lào tiến công, nổi dậy giải phóng quê hương; đồng thời tạo điều kiện cho quân và dân ta đập nát cứ điểm Điện Biên Phủ, sào huyệt cuối cùng của quân viễn chinh Pháp trên đất Việt Nam.
Sau chiến thắng, để cứu trợ cho đồng bào Lào ở vùng mới giải phóng, Liên khu ủy Khu 4 đã quyết định mở chiến dịch vận chuyển muối và dụng cụ sản xuất cho dân. Kế hoạch vận chuyển dự định 40 ngày nhưng chỉ trong 20 ngày đã chuyển xong 120 tấn muối và một số lớn dụng cụ sản xuất. Đồng bào vùng biên giới Việt-Lào rất biết ơn Cụ Hồ và ca ngợi sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực, tận tình của quân và dân tỉnh Quảng Bình.
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại trên ba nước Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ và nhân dân Quảng Bình đã góp phần chiến thắng thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên giai đoạn mới.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 1/8/1954 ở Quảng Bình, lệnh ngừng bắn được thực hiện. Tỉnh ủy Quảng Bình chuẩn bị tiếp quản vùng giải phóng và TX. Đồng Hới (nay là TP. Đồng Hới). Đúng 15 giờ ngày 18/8/1954, tên lính cuối cùng của đội quân viễn chinh Pháp rút khỏi Quảng Bình, chấm dứt sự xâm lược của thực dân Pháp trên quê hương “Quảng Bình quật khởi”.
9 năm kháng chiến chống Pháp 1945-1954, nhân dân Quảng Bình đã xây dựng được mạng lưới giao thông liên lạc rộng khắp trong tỉnh. Đó là kết quả của mồ hôi, nước mắt và xương máu của nhiều cán bộ, bộ đội, công nhân và nhân dân đã hy sinh anh dũng, góp phần tô thắm truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta!
Ngô Đức Hành
[1] Tư lệnh khu Trung Lào là đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon (sau này là Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào).
* Bài viết có sử dụng tư liệu của Lịch sử GTVT Quảng Bình, NXB Giao thông vận tải, năm 2015; tài liệu của Sở Nội vụ Quảng Bình.
(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm, chìm nổi của thời gian, chợ Đồng Hới vẫn ở đó, bền bỉ, kiên gan bên dòng Nhật Lệ như "chứng nhân" cho từng giai đoạn lịch sử đổi thay của thành phố "Hoa hồng".
(QBĐT) - Vào dịp lễ 30/4 và 1/5, người dân Bố Trạch và du khách thập phương lại háo hức đón chờ lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son. Trên khắp nẻo đường quê hương di sản Phong Nha-Kẻ Bàng tấp nập cờ hoa, hai bên bờ sông Son rộn vang tiếng hò reo, cổ vũ cho những thuyền đua, dậy sóng cả một vùng...
(QBĐT) - Nhắc đến Minh Hóa, vùng đất với những giai tầng văn hóa đặc sắc, riêng biệt vẫn được lưu giữ, hiện hữu qua những phong tục, tập quán truyền đời.