Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Đất và người Phan Xá

  • 06:05, 31/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng Phan Xá, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) có chiều dài lịch sử hàng trăm năm. Làng luôn mang trong mình trầm tích của thời gian, gắn liền với những tên đất, tên người. Đi qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử cũng như sự bào mòn của thời gian, nhưng những dấu tích xưa về con người của làng vẫn còn vẹn nguyên. Ngày nay, trong hành trình xây dựng cuộc sống mới, Phan Xá vẫn tự hào là một trong những “làng quê đáng sống”…
 
Tìm dấu tích xưa…
 
Phan Xá nằm ở tả ngạn sông Kiến Giang, làng quanh năm luôn trù phú, tốt tươi bởi được dòng nước phù sa bồi đắp. Ở Phan Xá, xưa và nay, người ta vẫn thường hay nhắc đến bốn dòng họ trứ danh được kính cẩn thờ trong nhà thờ làng, gồm: Lê, Trần, Châu, Nguyễn. Với người dân Phan Xá, “thành hoàng” của làng chính là tôn thần Trần Bình Ngũ.
 
Ông Trần Ngọc Minh (SN 1955), hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Trần oai hùng của làng Phan Xá lật giở những dòng gia phả, ghi chép mà ông dày công nghiên cứu, biên soạn, sưu tầm hơn hai thập kỷ qua về Trần Bình Ngũ và khái quát với chúng tôi rằng. Trần Bình Ngũ còn có các tên gọi khác là Trần Bình Năm, Trần Bình Phủ, sau được phong tước là Trung Bình hầu và tên thường gọi là Trần Trung Hầu. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Phan Xá, tổng Khang Lộc, phủ Tân Bình (nay là xã Xuân Thủy, Lệ Thủy). Là con trai thứ ba của cai quan Trần Bình Hoán, theo Chúa Nguyễn vào Gia Định lập nghiệp với nghề truyền thống của quê hương là nghề rèn đúc súng phục vụ cho quân đội triều đình…
Đền thờ tôn thần Trung Bình Ngũ được dân làng Phan Xá lập.
Đền thờ tôn thần Trung Bình Ngũ được dân làng Phan Xá lập.
Theo gia phả của dòng họ Trần làng Phan Xá và những tư liệu lịch sử của các nhà nghiên cứu có ghi lại, lớn lên Trần Bình Ngũ theo cha vào Gia Định phò Chúa Nguyễn lập lại cơ đồ. Ông được tuyển chọn vào đội quân phò tá Chúa Nguyễn. Năm 1802, sau khi giành được giang sơn, Nguyễn Ánh xưng vương, đặt niên hiệu là Gia Long. Vua Gia Long đã phong tước, ban hầu cho các công thần lập nên cơ đồ. Theo đó, Trần Bình Ngũ được phong làm Chánh quản Bắc thành đồ gia. Năm 1803, ông được phong tước là “Trung Bình hầu”, sau được phong làm “Khâm sai nội các cai cơ Chánh quản Bắc thành đồ gia Trung Bình hầu”…
 
Trong quá trình xây dựng đất nước của triều đình nhà Nguyễn, Trần Bình Ngũ được giao trọng trách trông coi chăm lo việc đúc vũ khí. Ngoài ra, ông được giao tổng quản việc đúc tiền, vàng bạc lưu thông trong nhân dân. Sau một thời gian đúc ra tiền, vàng, bạc, triều đình tin cậy tính trung thực đã cho phép ông được đúc chiếc ấn “Trung Bình” bằng vàng và in ấn này vào vàng bạc để tránh làm vàng bạc giả.
 
“Trần Bình Ngũ còn được người đời ca tụng qua nhiều việc làm cụ thể đối với nhân dân và làng Phan Xá. Đương thời làm quan, ông thường xuyên về thăm quê hương, về tế thần, họ tộc. Mỗi lần về quê, ông đều tặng áo quần cho dân nghèo, mua sách, giấy, bút cho trẻ con những nhà nghèo đi học. Ông tự bỏ tiền tu sửa chùa, đình làng, đóng góp nhiều công lao xây dựng thuần phong mỹ tục cho làng xóm, quê hương. Sau khi ông mất, người dân làng Phan Xá tôn thờ ông như “thành hoàng” của làng. Thi hài ông hiện được an táng tại xã Trường Thủy (Lệ Thủy), nơi các danh thần của quê hương cũng được an táng tại đây, như: Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng Hoàng Hối Khanh…”, ông Minh thông tin thêm.
 
Ngược lên xã Trường Thủy, chúng tôi cùng những hậu duệ của dòng họ Trần tìm đến lăng mộ của tôn thần Trần Bình Ngũ. Lăng mộ Trần Bình Ngũ bao quanh là những cây rưới cổ thụ xanh tốt, có kiến trúc lăng mộ truyền thống của các danh thần triều Nguyễn, với nhiều lớp, ngăn cách bởi cổng và bức bình phong…
 
“Trải qua hơn 200 năm lịch sử, khu lăng mộ của ông phần nào bị ảnh hưởng, các hiện vật liên quan đến ông tại di tích không còn nhiều, chỉ còn lại tấm bia mộ. Năm 2014, lăng mộ của ông đã được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng di tích lịch sử. Để tỏ lòng tôn kính với bậc danh nhân được nhân dân coi trọng như “thành hoàng”, dân làng Phan Xá sau này còn xây thêm đền thờ cho ông…”, ông Trần Ngọc Minh chia sẻ.
 
“Làng quê đáng sống”
 
Đến Phan Xá không ít lần, nhưng lúc nào cũng vậy, mỗi lần đến đều để lại trong chúng tôi những cảm xúc khác biệt. Bên cạnh sự cảm nhận về làng quê đang ngày càng phát triển, con người chân chất, cởi mở. Giờ, niềm vui đó như được nhân lên khi Phan Xá đã trở thành Khu dân cư (KDC) kiểu mẫu, một trong những “làng quê đáng sống”.
Làng Phan Xá.
Làng Phan Xá.
Trưởng thôn Phan Xá Trần Quang Hiệu cho hay, hành trình thực hiện nghị quyết “tam nông” về xây dựng và phát triển “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” ở Phan Xá triển khai theo phương châm “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Mỗi nơi có mỗi cách làm, nhưng xây dựng nông thôn mới với Phan Xá không chỉ là hành trình “thay áo mới” cho diện mạo làng quê. Điều lớn hơn, chính là nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân.
 
Theo Trưởng thôn Phan Xá, là một làng quê thuần nông với gần 70% người dân làm nông nghiệp, toàn thôn có 320 hộ với 1.087 nhân khẩu. Xây dựng KDC kiểu mẫu ở Phan Xá được thực hiện theo quy trình tiêu chí nào dễ thực hiện trước, phần việc nào thuộc về hộ gia đình thì gia đình đảm nhận, phần việc nào thuộc tập thể thì phát động toàn dân và con em quê hương làm ăn ở xa cùng chung tay xây dựng.
 
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy Nguyễn Văn Đề: Mỗi lần đi qua làng Phan Xá, luôn thấy hiện hữu ở đây một làng quê tươi đẹp, an bình và đầm ấm. Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, có khi nhiều giá trị truyền thống của làng quê đứng trước nguy cơ mai một, nhưng đất và người Phan Xá vẫn hiền hòa, thân thiện như ngôi làng bình dị mà kiên trung từ bao đời nay…

Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng KDC kiểu mẫu, Phan Xá đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, rà soát và đánh giá tổng thể để xem xét, cân nhắc các bước trong quá trình thực hiện; lấy ý kiến, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đảng viên, tổ chức, đoàn thể theo dõi, thực hiện các phần việc. Nhờ vậy, hơn 6 năm triển khai, các tuyến đường trong KDC Phan Xá đều bê tông hóa, trồng cây xanh bóng mát theo quy hoạch, làm hàng rào xanh đường hoa; tỷ lệ hộ nghèo trong KDC còn 5 hộ, thu nhập bình quân đạt 75 triệu đồng/người/năm.

“Với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân”, trong xây dựng KDC kiểu mẫu ở Phan Xá, nhân dân và con em xa quê ủng hộ được hơn 3 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi. Thành quả đó đáng để tự hào và biết rằng, người làng Phan Xá dù ở đâu vẫn luôn đoàn kết, hướng về quê hương và cùng chung tay xây dựng làng giàu đẹp, ấm no…”, Trưởng thôn Trần Quang Hiệu chia sẻ.

Ngọc Hải

* Tài liệu tham khảo: Lý lịch Di tích lịch sử lăng mộ Trung Bình hầu Trần Bình Ngũ (Ban Quản lý di tích, năm 2014).

tin liên quan

Nặng lòng với quê hương
Nặng lòng với quê hương

(QBĐT) - Đó là ông Phan Hải, quê ở xã Hải Phú (Bố Trạch), hiện đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh. Dẫu lập nghiệp nơi xa nhưng ông luôn hướng về quê hương, có nhiều đóng góp thiết thực để xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con nhân dân.

Làng còn…  "di sản" còn
Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…

Mái đình làng biển tiếng vọng của hồn quê
Mái đình làng biển tiếng vọng của hồn quê

(QBĐT) - Từ xa xưa, khi nói đến nông thôn Việt Nam, người ta liên tưởng ngay đến cây đa, bến nước, sân đình-những hình ảnh đặc trưng làm nên biểu tượng của làng quê. Và không quá khi nói rằng, đình làng chính là hồn cốt của làng quê Việt Nam.