(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ… Sự chỉ đạo của Đại tướng không đơn thuần là quân sự, không đơn thuần là chiến tranh mà là một khát vọng rộng dài và sâu sắc hơn một chiến thắng, dù chiến thắng vĩ đại đến bao nhiêu”.
Thượng tướng Trần Văn Trà tâm sự: “Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh…”. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn suy nghĩ đến giây phút trước lúc lên đường.
Bác Hồ có hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đại tướng trả lời: “Thưa Bác, chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề gì quan trọng, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị!”. Bác bảo: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh!”.
![]() |
Với cương vị là Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng đã đưa ra quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh tiến nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc”. Với quyết định này, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi cao nhất.
Sau này, Đại tướng bày tỏ: “Thay đổi cách đánh trong tình thế mặt trận từ trên xuống dưới quyết tâm chiến đấu, chờ giờ nổ súng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi” (trích bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi hội thảo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, được đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 209 tháng 4-2004).
Nhưng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, phương châm tác chiến của Đại tướng lại thay đổi phù hợp với tình thế mới khi thời cơ đã chín muồi, lực lượng ta đã mạnh, khí thế quân ta đã hăng thì phải lập tức tạo thế “trúc chẻ tro bay” để “Đánh một trận sạch sanh kình ngạc/Đánh hai trận tan tác chim muông” (Bình Ngô đại cáo)
Kho tàng lịch sử đánh giặc của cha ông ta qua các thời đại được tiếp biến sinh động, linh hoạt trong cách “bày binh bố trận” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”, Đại tướng viết:“Cuộc tiến công lịch sử Quang Trung-Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức”. Khi thực tiễn chiến trường đòi hỏi đánh nhanh tiến nhanh, Đại tướng nhận định: “Lúc này bài toán thời gian không dừng lại ở đáp số bằng tháng mà phải bằng ngày”.
“Thời gian là lực lượng”. Ngày 7-4-1975, từ Tổng hành dinh của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng cho gửi đi bức điện khẩn có nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc tới đảng viên, chiến sỹ”.
Bức điện lập tức được truyền đi khắp các mặt trận như một lời hịch non sông theo phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Những quyết sách, những mệnh lệnh của Đại tướng là lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân tạo nên những bước ngoặt để giành thắng lợi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Non sông đất nước ta, quê hương Quảng Bình rất đỗi tự hào đã sinh ra một người con vĩ đại-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã được nhân loại tôn vinh là 1 trong 10 vị tướng lừng danh thế giới qua các thời đại.
Nguyễn Hữu Trường