(QBĐT) - Năm 1973, trong chuyến về thăm quê hương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có dịp thưởng thức lại món kẹo mè xửng gia truyền của gia đình ông Trần Văn Trặt (còn gọi là ông Ký). Đại tướng đã căn dặn: Hãy giữ nghề truyền thống của quê hương. Nhớ lời căn dặn của Đại tướng, các thế hệ họ Trần Văn dù làm gì, đi đâu cũng luôn nặng lòng với nghề truyền thống của cha ông.
Không tấm biển quảng cáo, không lời giới thiệu về sản phẩm, thế nhưng trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Trần Uy Nam (SN 1945), bà Phan Thị Chuốt (SN 1947) ở đội 1, Lộc Hạ, An Thủy, Lệ Thủy vẫn ngày ngày đông khách đến hỏi mua và đặt hàng mè xửng gia truyền ông Ký về làm quà. Với mỗi người dân Lệ Thủy, mè xửng ông Ký không chỉ là món ăn mà nó còn là nét văn hóa ẩm thực của vùng đất và con người nơi đây.
![]() |
Sau nhiều năm gắn bó, gia đình ông Nam, bà Chuốt vẫn còn giữ được những nét truyền thống của nghề làm kẹo mè xửng gia truyền ông Ký. |
Nghề gia truyền hơn một trăm năm
Ông Trần Uy Nam, cháu nội ông Trần Văn Trặt, hiện đang tiếp tục nối nghề làm kẹo mè xửng gia truyền cho biết, lịch sử nghề làm kẹo mè xửng gia truyền của gia đình ông đã tồn tại và phát triển hơn trăm năm. Theo ông bà kể lại, vào thế kỷ thứ XVII, ông tổ dòng họ Trần Văn từ đất Lam Kinh (Thanh Hóa) theo tổ tiên di chuyển bằng đường biển vào phương Nam, đến cửa Việt thì cư ngụ.
Đến đời cố nội của ông (1880-1945) theo phong trào Duy Tân của vua Hàm Nghi ra đến vùng đất Lệ Thủy và định cư ở thôn Lộc Đò (xóm Trại) cạnh chợ cây Đa, làng Mỹ Lộc, nay là Mỹ Lộc Hạ, xã An Thủy. Cố nội ông là người hát bội rất giỏi, ban ngày thì làm nghề bánh kẹo, tối đến gánh hát của ông lại hát múa đờn ca mua vui cho bà con làng xóm, giúp bà con nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương cội nguồn. Trong tất cả những người con của ông cố nội, có người con đầu tên là Trần Văn Trặt (1908-1994), là ông nội của ông Nam rất giỏi nghề làm kẹo mè xửng và hát bội hay nức tiếng trong vùng.
Kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là năm 1947, Pháp quay trở lại xâm chiếm vùng đất Lệ Thủy, do đàn áp của bọn thực dân, gia đình ông Trặt phải nhiều lần di tán, nghề truyền thống làm kẹo mè xửng của gia đình tưởng như không thể giữ vững. Thế nhưng, dù khó khăn nhưng ông Trặt vẫn luôn đau đáu giữ lấy nghề, bởi ông luôn tâm niệm nếu nghề thất truyền sẽ có tội với tổ tiên.
Chính vì vậy, khi trở lại quê ông vẫn tiếp tục với công việc và truyền lại nghề cho người con dâu đầu là bà Lê Thị Mọn, vợ của ông Trần Văn Ký (mẹ ông Trần Uy Nam). Cùng với sự giúp sức của bà Mọn, nghề làm mè xửng gia truyền của gia đình ông Trặt lại tiếp tục được duy trì và phát triển. Vào năm 1973, sau Hiệp định Pari, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương, để mừng niềm vui này, dân nhân Lệ Thủy đã tổ chức đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang sau 8 năm gián đoạn vì chiến tranh.
![]() |
Sản phẩm kẹo mè xửng gia truyền ông Ký mang nhãn hiệu Uy Nam và Hiếu Kiên. |
Trong đoàn đại biểu được vinh dự ra đón Đại tướng có ông Trần Văn Trặt. Ông đã không quên mang theo sản phẩm kẹo mè xửng để mời Đại tướng ăn thử. Sau khi ăn xong Đại tướng đã tấm tắc khen ngon và nhắc nhở phải giữ lấy nghề truyền thống này.
Giữ nghề bằng cái tâm
Kế thừa nghề từ chính người mẹ của mình là bà Lê Thị Mọn, vợ chồng ông Nam bà Chuốt luôn tự hào mình là con cháu đời thứ 4 trong dòng họ Trần Văn vẫn giữ được nghề gia truyền của tổ tiên. Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề ông bà luôn quan niệm, giữ được nghề là không làm mất đi hương vị riêng, vốn có của mè xửng gia truyền ông Ký.
Bởi vậy, gia đình bà hầu như không dựng bất kỳ một tấm biển quảng cáo nào và cũng chưa nghĩ đến việc mở rộng cơ sở để kinh doanh đại trà mà chỉ làm phục vụ cho những khách hàng quen trong làng mua làm quà. Vì thế mà nhiều người ở xa nghe tiếng tìm đến mua đều vất vả mới hỏi được nhà hoặc phải nhờ bà con, hàng xóm ở Lệ Thủy mua giùm.
Dù vậy, hàng ngày ông bà vẫn nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của bà con. Bà Chuốt cho biết, tất cả các công đoạn làm kẹo đều được làm thủ công nên mỗi ngày gia đình bà sản xuất chỉ khoảng 300-400 gói mè xửng gia truyền ông Ký có nhãn hiệu Uy Nam, mỗi gói có giá 12.500 đồng.
Mặc dù lời lãi không nhiều, nhưng với hai vợ chồng bà, niềm vui lớn nhất là sản phẩm gia truyền của gia đình được mọi người yêu thích, ưa chuộng. Để nghề không bị mai một, bà Chuốt cho hay, bà đang truyền lại nghề cho người con trai đầu của mình và luôn căn dặn anh phải giữ được hương vị đặc trưng của mè xửng gia truyền ông Ký.
Hiện nay, ngoài cơ sở sản xuất kẹo mè xửng gia truyền ông Ký có nhãn hiệu Uy Nam còn có cơ sở sản xuất kẹo mè xửng gia truyền ông Ký nhãn hiệu Hiếu Kiên. Anh Kiên (SN 1979) là cháu nội đời thứ 5 của dòng họ Trần Văn được kế nghiệp lại nghề của dòng họ. Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh theo nghề truyền thống gia đình đã mười mấy năm nay.
![]() |
Với sự năng động của mình, anh Kiên đã giúp thương hiệu kẹo mè xửng gia truyền ông Ký đến với nhiều người dân. |
Anh chia sẻ, thuở nhỏ, anh đã biết phụ giúp bác dâu là bà Chuốt chở kẹo mè xửng bọc trong những lá chuối đạp xe lên các trường học, chợ Tréo để bán. Tình yêu với nghề làm kẹo dường như cũng hình thành trong anh từ những lần như vậy. Lớn lên, anh quyết định chọn nghề làm kẹo mè xửng gia truyền của gia đình để phát triển sự nghiệp. Có lẽ chính sự năng động vốn có của một thanh niên cộng với niềm đam mê đã giúp anh đưa cơ sở Hiếu Kiên ngày càng phát triển.
Năm 2012, cơ sở kẹo mè xửng Hiếu Kiên được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Do số lượng đặt hàng lớn nên việc sản xuất thủ công không thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với số tiền tích cóp được cộng với khoản tiền hỗ trợ 40.000.000 đồng từ địa phương anh Kiên quyết định mua máy móc để đầu tư sản xuất.
Hiện tại, cơ sở anh có 1 máy đánh kẹo, 1 máy bóc mè và 1 máy đóng gói bao bì, riêng công đoạn trộn nguyên liệu vẫn được làm bằng tay để giữ được hương vị ngon của mè xửng truyền thống. Với sự hỗ trợ của máy móc, mỗi ngày cơ sở của anh Kiên sản xuất khoảng 1 tạ mè xửng các loại. Với số lượng này, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh lãi hơn 30.000.000 đồng.
Dù phải cạnh tranh với các loại mè xửng khác trên thị trường, nhưng có thể nói mè xửng ông Ký đến nay vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng và ngày càng được mọi người ưa chuộng bởi chất lượng và uy tín. Với mỗi người dân Lệ Thủy, kẹo mè xửng gia truyền ông Ký không những thơm, ngon mà quan trọng hơn khi thưởng thức họ còn cảm nhận được trong đó hương vị của quê hương.
Đ.Nguyệt