![]() |
Khu chứng tích chiến tranh Tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa năm 1975. |
Lấy trục đường ven lạch Khe Nước từ cầu Hải Thành (trước đây có tên Mụ Kề) đến cống Phóng Thủy làm địa giới giữa Đồng Mỹ và Hải Thành thì phường Đồng Mỹ nằm khiêm tốn dọc theo đường Lý Thường Kiệt chạy vào phía nam rồi bị giới hạn bởi Hào Thành giáp ranh Hải Đình.
Phía đông phường Đồng Mỹ, tuyến phố chạy dọc sông Nhật Lệ có thể nói đẹp nhất nhì thành phố Đồng Hới. Công viên Nhật Lệ, Khu chứng tích tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa như những điểm nhấn làm duyên thêm cho Đồng Mỹ.
Trên vùng đất phường Đồng Mỹ, lấy mốc thời gian khi người làng Lệ Mỹ cho họ giáo Sáo Bùn chuyển từ xóm Bùn (Cầu Ngắn) về định cư rồi đổi thành họ giáo Tam Tòa dưới sự bảo hộ của chính quyền cai trị kéo dài về sau này có đến mấy lần di dân. Năm 1954, họ giáo Tam Tòa bỏ quê hương, bản quán di cư vào miền Nam.
Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra toàn miền Bắc, thị xã Đồng Hới bị san phẳng, chứng tích tội ác còn ghi chính là Di tích lịch sử Khu chứng tích chiến tranh tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa. Người dân Đồng Mỹ ly tán tứ phương, dân bản địa không còn lại mấy ai. Hiện tại Đồng Mỹ trở thành nơi “an cư lạc nghiệp” của người dân gốc gác nơi khác đến.
Dù trở thành phố lâu dài, nhưng so với các phường nội thị Đồng Hới, Đồng Mỹ lại có diện tích tự nhiên nhỏ nhất, gần 58 ha; diện tích quy hoạch cho các cụm cư dân hơn 35 ha, chia làm 7 tổ dân phố với dân số 658 hộ, gần 3.000 nhân khẩu. “Đặc trưng” cư dân Đồng Mỹ khá khác biệt khi có trên 70% số hộ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; 30% số hộ còn lại là cán bộ hưu trí. Phường Đồng Mỹ trở thành nơi cư trú nhiều cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp của tỉnh và thành phố Đồng Hới qua các thời kỳ.
Ông Mai Xuân Thu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhớ lại: “Tháng 7-1989, tỉnh Quảng Bình tái lập, cán bộ lãnh đạo tỉnh từ Huế ra chủ yếu được phân đất làm nhà tại Đồng Mỹ và Hải Đình. Những ai gốc Đồng Hới thì về Hải Đình, còn các địa phương khác đều định cư tại Đồng Mỹ”. Vì diện tích tự nhiên nhỏ hẹp, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều khiến cho những ai lạc vào phường Đồng Mỹ ngỡ như lạc vào một góc phố cổ; nhà ken chặt lấy phố, phố quấn quýt lấy nhà.
Cũng như những nơi khác thuộc Đồng Hới, dấu ấn làng Lệ Mỹ, Tam Tòa xưa chỉ còn trong ký ức của một số ít người già cả, thành hoài cổ. Thế hệ trẻ lớn lên sau ngày tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ năm 1989 nhớ đến quá khứ chỉ là những câu chuyện một thời.
Trước Cách mạng Tháng Tám, ở phường Đồng Mỹ, nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng dần hình thành. Nghề chạm khắc, nghề đúc đồng... toàn tỉnh Quảng Bình khó có nơi nào so bì được. Đồ chạm Tam Tòa xuất đi khắp nơi trong nước, ra cả nước ngoài. Các sản phẩm đúc đồng như nồi đồng, mâm đồng, đồ thờ bằng đồng, khay đồng... vừa rẻ vừa tinh xảo.
Nghề làm nước mắm ở vùng đất ven sông Nhật Lệ vang danh một thời. Nước mắm Đồng Hới nơi nào cũng thơm ngon, nhưng làm nước mắm quy mô lớn thì phải nói đến Tam Tòa, có cửa hàng Phi Long sản xuất mỗi năm hàng trăm tấn cá- cụ Nguyễn Tú khẳng định như vậy trong Địa chí Đồng Hới phần viết về phường Đồng Mỹ.
“Bây giờ có đỏ mắt đi tìm khắp phố phường Đồng Mỹ thì những nghề truyền thống trên cũng chẳng thấy” - Chủ tịch UBND phường Đồng Mỹ Võ Trọng Hoàng cho biết.
Về Đồng Mỹ, có hai con phố đẹp được đặt tên Đại thi hào Nguyễn Du và nhà thơ Hàn Mặc Tử. Phố Nguyễn Du bắt đầu từ chân cầu Nhật Lệ đến nam cầu Hải Thành, một con phố đẹp của Đồng Hới. Đường Hàn Mặc Tử nối Quốc lộ 1 với phố Nguyễn Du, chạy yên bình dưới những tán phượng rồi thẳng ra trước Khu chứng tích chiến tranh Tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa.
![]() |
Một góc phố nhỏ Đồng Mỹ bên dòng Nhật Lệ. |