Đất và người Quảng Bình
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Chuyện về vị tướng anh hùng

  • 08:12, 22/12/2015
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thiếu tướng Cao Lương Bằng, Anh hùng LLVTND, nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình. Nhiều người biết đến tên tuổi ông nhưng những chiến công của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì đến bây giờ còn ít người biết đến.
 
Ông sinh ngày 10 tháng 9 năm 1945, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa. Tháng 4 năm 1965 ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 270, Quân khu 4. Đầu năm 1966 đơn vị ông được bổ sung cho Quân khu Trị Thiên.  Có mặt trong đội hình Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270 tham gia chiến trường Quảng Trị, ông đã trực tiếp tham gia 23 trận đánh, tiêu diệt 57 tên địch, thu 4 khẩu súng;  bắn rơi 1 máy bay của Mỹ và chỉ huy đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc.
 
Trải qua thực tế chiến đấu ông tỏ rõ bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, linh hoạt, sáng suốt trong chỉ huy, nên ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy Trung đội rồi Đại đội 1, Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270 đánh thắng nhiều trận vang dội, làm kẻ thù khiếp đảm.
 
Tiêu biểu nhất phải kể đến trận đánh diễn ra ngày 28-4-1966 ở Xuân Hải (Gio Linh, Quảng Trị). Trung đội do ông chỉ huy được lệnh của trên phối hợp với một số đơn vị, lực lượng vũ trang huyện Gio Linh có nhiệm vụ đánh chặn, tiêu diệt 2 Tiểu đoàn địch có xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ. Suốt từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều ông cùng đồng đội  đã sử dụng nhiều loại vũ khí đánh lui hàng chục đợt tấn công của địch. Đến 4 giờ chiều địch đổ thêm quân, tổ của ông lúc này chỉ còn ba người (kể cả 1 đồng chí dân quân), bị địch bao vây lại mất liên lạc với đơn vị.
 
Ba người động viên nhau chiến đấu, kiên quyết giữ vững trận địa, với sự hiệp đồng chiến đấu nhịp nhàng, cách đánh táo bạo, mưu trí, dũng cảm 53 tên địch đã bị tiêu diệt, riêng ông tiêu diệt 14 tên địch. Chiến công của ông đã được Tiểu đoàn nêu gương cho toàn đơn vị học tập. Tiếp đó, ngày 12-7-1966, địch sử dụng 2 tiểu đoàn có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ càn vào làng Lại An (Gio Linh- Quảng Trị) để lấy xác đồng bọn bị ta tiêu diệt trong trận đánh ngày hôm trước và hòng đánh bật lực lượng ta ra ngoài.
 
Đơn vị lúc này chỉ còn 20 đồng chí chốt giữ trong làng nhưng vẫn bình tĩnh, dũng cảm bám giữ trận địa, đánh trả địch quyết liệt từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Ta có thêm một số đồng chí thương vong, địch lại cho một cánh quân thọc sâu vào sau lưng trận địa, hòng ép ta từ hai phía. Ông nhanh chóng quan sát địa hình rồi dũng cảm vác khẩu trung liên vượt qua một bãi đất trống dưới hỏa lực địch, tìm vị trí thuận lợi đặt súng bắn cấp tập vào sườn địch, bẻ gãy một cánh quân, đánh lui nhiều đợt tiến công của chúng, diệt 22 tên, góp phần cùng đơn vị diệt 123 tên địch, bảo vệ được thương binh, giữ vững được trận địa.
 
Ngày 23-2-1968, trên đường đi nghiên cứu tình hình địch trở về, bị 3 chiếc trực thăng vũ trang phát hiện đuổi theo bắn dữ dội. Ông cùng một cán bộ của đơn vị lợi dụng địa hình, địa vật ẩn nấp chờ máy bay địch xuống thấp rồi mới nổ súng. Giữa trận chiến đấu người đồng đội cùng đi hy sinh, ông càng thêm căm thù, nổ súng chính xác, với 6 viên đạn AK ông hạ gục tại chỗ 1chiếc máy bay HU.1A, diệt 2 tên giặc lái, 2 chiếc còn lại khiếp đảm cất cánh lên cao mất hút.
 
Ông đã cõng đồng đội hy sinh và mang theo 2 khẩu súng trở về đơn vị an toàn. Ngày 7-6-1969, ở Hà Thượng (Gio Linh, Quảng Trị), đơn vị ông phục kích địch. Khi 1 đại đội địch lọt vào trận địa, theo phương án đã định, ông bình tĩnh chỉ huy đơn vị cho súng cối bắn vào giữa đội hình địch làm chúng rối loạn. Nắm thời cơ, ông chỉ huy các mũi xông lên bao vây, chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận địch. Ta đã diệt gọn đại đội ngụy, tiêu diệt tại chỗ 95 tên, bắt sống nhiều tên, thu 15 súng AR15 và 3 máy vô tuyến điện PRC10.
 
Sau trận đánh ta tổ chức băng bó, cứu chữa cho 20 tên địch bị thương rồi giải thích, vận động chúng quay về gia đình. Trận phục kích thắng lợi góp phần động viên cổ vũ phong trào thi đua lập công trong các đơn vị trên toàn mặt trận và gây dựng lòng tin với nhân dân địa phương... 
 
Sau ngày kết thúc chiến tranh, ông được cử đi đào tạo tại các trường trong quân đội, trở về được bổ nhiệm giữ các cương vị Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 326- Quân khu 2 và Sư đoàn 324- Quân khu 4, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, đại biểu Quốc hội khóa X. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vợ ông là bà Đinh Thị Minh nay đã 71 tuổi.
 
Ông bà có 4 người con (2 trai, 2 gái), tất cả đều trưởng thành và có gia đình, hai con trai của ông hiện đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 1999 ông lâm bệnh tai biến mạch máu não, mặc dù đã được chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh ngày càng nặng thêm, 16 năm nay ông nằm liệt giường và không hề nói được, sức khỏe ngày càng yếu.
 
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Phong quân hàm Thiếu tướng (tháng 12 năm 1994); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1969); Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ (Dũng sỹ Quyết thắng, Dũng sỹ diệt Mỹ cấp một, Dũng sỹ diệt máy bay); Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...
 
Lương Việt Thắng 
(Ban CHQS Tuyên Hóa) 
 
 

tin liên quan

Vực Quành... từ hoài cổ đến hồi sinh
Vực Quành... từ hoài cổ đến hồi sinh

(QBĐT) - Năm 2004, một người lính gốc Hà Nội từng gắn bó với đất lửa Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh quyết định bán hết gia sản của mình trở lại chiến trường xưa, xin đất dựng nên ngôi làng chiến tranh "độc nhất vô nhị" tại Vực Quành, xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới.

Làng trong phố... phố giữa làng - Bài cuối:  Xứ "kẻ chợ"
Làng trong phố... phố giữa làng - Bài cuối: Xứ "kẻ chợ"

(QBĐT) - Trở lại mốc thời gian năm 1939, khi thực dân Pháp bắt triều đình Huế cắt đất 7 làng: Động Hải, Lệ Mỹ, Trấn Ninh, Tiền Thiệp, Hướng Dương, Kiên Bính, Thạch Lũy lập thành đơn vị hành chính lấy tên thị xã Đồng Hới với 4 phường: Đồng Hải, Đồng Đình, Đồng Phú và Đồng Mỹ thì khu vực thuộc phường Hải Đình ngày nay (Đồng Hải, Đồng Đình) đã manh nha chất "kẻ chợ" với trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa là chợ Đồng Hới cùng với 4 tuyến phố mang hơi hướng đô hội.

Di tích phà Long Đại
Di tích phà Long Đại

(QBĐT) - ... Chiến tranh ngày càng ác liệt. Yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng cao. Phà Long Đại được giao cho Đoàn 500 Tổng cục Hậu cần tiền phương. Đơn vị công binh C 16 trực thuộc Binh trạm 16, Đoàn 500 đã bám trụ ngày đêm và đã lập công xuất sắc, bảo đảm thông xe thông bến kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.