(QBĐT) - Nếu bà không thuộc phái yếu chắc tôi sẽ mạnh dạn bỏ ngoặc kép hai từ “cận vệ” trên đây, vì, sau thiên chức là người vợ, người mẹ, đích thị là người bạn trung thành, người bảo vệ che chắn nhiều bề cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Sinh Mậu Thìn 1928, tròn 20 tuổi, bà bắt đầu song hành với Đại tướng qua hai cuộc trường chinh gian khổ và vinh quang, băng qua cả những “chớp bể mưa nguồn”, những lúc “trở trời trái gió” cùng ông đến cuối con đường hạnh ngộ, kết thúc viên mãn ở tuổi “cận bách niên” 96.
Có thể, tôi đã lần đầu tiên được nhìn thấy bà vào năm 1979, trong những ngày cải táng di hài liệt sỹ Võ Quang Nghiêm, thân phụ Đại tướng từ Huế ra Lệ Thủy. Nhưng ngày đó, bà như hòa lẫn giữa những người phụ nữ nông thôn đến giúp lễ trọng, cũng trang phục mộc mạc cũng xăm xắn lên xuống bếp núc lo nước nôi cho khách khứa trọn phận “con đầu dâu trưởng”.
![]() |
Phải 13 năm sau, năm 1992, khi Đại tướng đã nghỉ hưu có thời gian cùng phu nhân và trưởng nữ về thăm quê 21 ngày, tôi được tháp tùng trọn vẹn để làm phim tài liệu “ Trở về mái nhà xưa”. Những ngày đó, hình ảnh “người con dâu Lệ Thủy” bắt đầu hiện hình rõ nét cái đảm đang, bao bọc và bênh che của người vợ người mẹ miền Trung Việt Nam với chồng hiện lên khá rõ để trong tôi xuất hiện hai từ “vệ sĩ”. Từ đầu đến cuối những ngày thăm quê chồng là một gương mặt trung tính, điềm đạm dịu dàng vừa phải và rất tự nhiên, không một mảy may tạo dựng nét ngoại giao nào. Nhưng, đến buổi chiều khi gia đình lên thăm đài truyền hình đóng trên đồi cát Hải Thành thì đã khác. Khi nghe báo cáo rằng, đài tỉnh bạn đã phát máy 5kw, các huyện thị cũng có máy 2kw mà tỉnh ta chỉ có máy 100w (0,1kw) và sắp tới dự định cũng chỉ mua máy “nửa kw” thì bác Giáp bất bình thật sự:
- Tại sao tỉnh người ta đã có máy 5 ki lô mà tỉnh ta chỉ dự dịnh mua máy 500w? Ở tỉnh ai lo việc này? Tôi sẽ điện…
Bất ngờ phu nhân bước lên ngay:
- Anh không điện nhé! Anh không có quyền đâu. Nhà tôi không điện, không điện các anh các chị nhé!
Mọi người đều lặng đi vừa ngỡ ngàng, xúc động trước tình cảm của Đại tướng với quê hương, vừa cảm nhận được tình yêu thương bao bọc của người vợ lo cho chồng rất dân giã lại mang đầy tầm vóc thế sự của mấy mươi năm trong cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Tổng Tư lệnh.
Thật ấn tượng với từ “nhà tôi” của vị nữ PGS sử học một trường đại học lớn- Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi là học trò của em gái bà, PGS.TS. Văn học phương Tây Đặng Thị Hạnh trong 5 năm cuối thập niên bảy mươi thế kỷ trước. Cơ duyên khi làm luận văn tôi được PGS. Hạnh phản biện, lui tới nhà nhiều lần ở 16-Lý Nam Đế và cũng biết đôi phần về truyền thống văn hóa nhiều đời của gia đình, những cống hiến của các chị em bà cũng như các vị tướng tài năng làm rể của gia đình: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Hồng Cư, Trung tướng Hồng Sơn. Suốt cả đợt tháp tùng gia đình để lấy hình ảnh làm phim, trong mắt tôi, mọi ứng xử của PGS Đặng Bích Hà gần như mẫu mực nhưng không hề cứng nhắc khuôn sáo, tưởng như không thể giản dị tự nhiên hơn…
Những lần khác, trừ khi Đại tướng tiếp những nhóm khách đơn lẻ đến thăm, bà chỉ xuất hiện thoáng chốc như một lời chào rồi để “cánh đàn ông” nói chuyện tự nhiên, còn thì, hầu như bà luôn có mặt cạnh Đại tướng trong các buổi tiếp khách quê hương, cũng mỉm cười nhẹ nhàng khi Đại tướng “xin thêm năm phút” với đại tá Huyên là thư ký. Kết thúc buổi tiếp bao giờ bà cũng mang ra dĩa kẹo ngọt và lại đứng cạnh chồng khi chụp ảnh lưu niệm với khách. Một lần, tôi cùng một người ở quê ra được Đại tướng và bà tiếp. Tôi tá hỏa khi không ngờ vị khách kia lôi ra một quyển sách và một gói quà “ vô tiền khoáng hậu”. Ông nói:
- Em mới xuất bản quyển sách nói về phép phong thủy và ít cân khoai deo biếu anh chị.
Tôi hoảng vì ai đời biếu quà cho vị Đại tướng lừng danh thế giới mà bằng…khoai (!?). Không ngờ, Đại tướng vui vẻ nói:
- Sách thì tôi nhận còn khoai để cô Hà.
Vui hơn nữa là bà hưởng ứng ngay:
- Ôi, cái này bọn trẻ nhà tôi thích lắm đây.
Chỉ là nhận một món quà quê mà bà đã làm cho người quê hởi lòng hởi dạ.
Trong một chút riêng tư, sau lần tôi được cái giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội, hình như có được bà ưu ái quan tâm. Một lần, đang công tác ở Ninh Bình dịp 25/8, tôi đón lõng và “bám càng” được anh Phan Lâm Phương ra Hà Nội chúc thọ Đại tướng. Vì trong đoàn khách quê ra toàn là lãnh đạo nên khi ở phòng khách tôi cố ý ngồi lui vào góc khuất để dễ bề quan sát tìm chi tiết cho các bài viết. Bất ngờ, bà nói:
- Các anh các chị ngồi dịch vào cho nhà văn Thế Tường ngồi với!
Tôi vừa cảm động vừa ngại ngùng ngồi vào chỗ mà mọi người dành cho...
Cũng như tất cả những người phụ nữ Việt Nam yêu chồng “Lấy chồng thì phải theo chồng/Chồng đi chân rắn chân rồng cũng theo”, bà yêu tình yêu của chồng với điệu hò khoan quê hương. Đã không chỉ một lần tôi thấy gương mặt bà gần như hoàn toàn thư giãn hạnh phúc khi ngồi cạnh Đại tướng cũng vỗ tay cầm nhịp hưởng ứng giọng hò khoan của tốp nghệ nhân dân gian biểu diễn phục vụ Đại tướng. Đặc biệt, buổi biểu diễn hò khoan “vô tiền khoáng hậu” tại phòng khách 30-Hoàng Diệu đã để lại cảm xúc nhớ đời cho mỗi người tham dự…
*
Cho phép tôi kể thêm câu chuyện này, tuyệt nhiên không phải để làm le, làm sang cho tôi mà là dịp này, chỉ duy nhất dịp này, kể lại để tri ân bà và Đại tướng và để thấy sự lịch lãm, ứng xử văn hóa quan tâm đến nơi đến chốn với người khác dù thân phận nhỏ bé đến đâu.
Là tôi, năm 2004, lần bác Giáp và phu nhân về thăm quê lần cuối cùng. Gia đình bác lần này lưu trú ở khách sạn Phú Quý. Tôi, không có phận sự nên không ra thăm bác. Bất ngờ đến hôm cuối cùng, chị Hồng Anh gọi: “ Mười giờ sáng nay ra để ba tôi gặp”. Tất nhiên với tôi đó là một vinh hạnh. Đúng 10 giờ, tôi có mặt ở tầng hai khách sạn Phú Quý. Cửa phòng hai bác mở rộng. Tôi đứng lại trước cửa như để trình diện và được gọi vào ngay. Cũng ngay lúc ấy đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng bước vào… và trong một giờ sau đó câu chuyện không ăn nhập gì với cú điện thoại của chị Hồng Anh. Có cảm giác như hai bác có chuyện gì đó muốn hỏi riêng tôi về tình hình của tỉnh… 11 giờ, đồng chí Chủ tịch tỉnh mở lời:
- Báo cáo hai bác, trưa nay Tỉnh ủy, Ủy ban mời hai bác và gia đình dùng cơm để chiều trở ra Hà Nội…
Điều bất ngờ là sau cử chỉ đáp lễ lời mời của lãnh đạo tỉnh, hai bác cùng cất lời nói rập ràng một câu:
- Gia đình chúng tôi nhờ tỉnh mời anh Thế Tường cùng ăn cơm…
…
Khi tôi viết những dòng này thì PGS Đặng Bích Hà đã cưỡi hạc về miền mây xanh cùng bác Giáp…
Nguyễn Thế Tường