(QBĐT) - Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, 3 xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và Quảng Tiến (Quảng Trạch) sẽ sáp nhập thành xã mới mang tên Trung Thuần. Người dân nơi đây tin rằng, với tên gọi Trung Thuần, các giá trị văn hóa, lịch sử hào hùng và tiềm năng, lợi thế của vùng đất chiến khu xưa sẽ được kế thừa và phát huy mạnh mẽ…
Dấu ấn lịch sử
Theo sách lịch sử Đảng bộ của 2 xã Quảng Lưu và Quảng Thạch (tập 1, giai đoạn 1930-2000): Chiến khu Trung Thuần là di tích lịch sử được xếp hạng Quốc gia năm 1995. Chiến khu nằm trên địa phận của 2 xã là Quảng Lưu và Quảng Thạch, có diện tích khoảng 150km2.
Các nhà sử học đánh giá, Trung Thuần là mảnh đất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến khu Trung Thuần là căn cứ địa cách mạng, đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Biền Ngân, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, chia sẻ: “Chiến khu Trung Thuần là mảnh đất đã đi vào lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây. Vì vậy, khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hợp nhất 3 xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và Quảng Tiến thành 1 xã mới, lấy tên gọi Trung Thuần, bản thân tôi rất đồng tình, nhất trí cao. Trung Thuần không chỉ đơn thuần là một danh xưng, mà còn thể hiện sự tri ân, tôn vinh một địa danh lịch sử hào hùng, mang trong mình nhiều giá trị văn hóa to lớn”.
Cổng vào chiến khu Trung Thuần.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Phan Duy An cho biết: Trong quá trình lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập, người dân trên địa bàn đã thể hiện sự đồng thuận cao, ủng hộ tuyệt đối chủ trương của Trung ương, của tỉnh. Sự đồng thuận này là yếu tố quan trọng giúp quá trình thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính ở địa phương diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Theo lãnh đạo các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và Quảng Tiến, tên gọi xã mới là Trung Thuần đã nhận được sự nhất trí, đồng tình cao của người dân trên địa bàn. Cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và Quảng Tiến vui mừng và kỳ vọng, sự thay đổi này sẽ là dấu ấn mang tính lịch sử mới của vùng đất chiến khu cách mạng Trung Thuần…
Viết tiếp trang sử mới
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu Lê Thanh Tùng nhấn mạnh: Sự ra đời của xã Trung Thuần sẽ là một dấu mốc quan trọng, không chỉ trên bản đồ hành chính của tỉnh, mà còn trong hành trình gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc. Đây là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa hào khí cách mạng và khát vọng vươn lên, để vùng đất chiến khu xưa viết tiếp những trang sử mới, hào hùng và tươi sáng hơn.
Với lợi thế diện tích đất gò đồi lớn, trong những năm qua, người dân 3 xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và Quảng Tiến đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các loại giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong đó, các địa phương đã đẩy mạnh trồng rừng sản xuất và phát triển mạnh các loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao như cây tiêu, cây nén…
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình, thành lập xã Trung Thuần trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 xã Quảng Thạch, Quảng Lưu và Quảng Tiến. Xã Trung Thuần có diện tích tự nhiên 98,83km2 (đạt 329,43% so với tiêu chuẩn), dân số 16.331 người (đạt 102,07% so với tiêu chuẩn). Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Trung Thuần đặt tại xã Quảng Lưu hiện nay.
Đặc biệt, các địa phương trong vùng chiến khu Trung Thuần đã phục hồi và bảo vệ cánh rừng dẻ rộng gần 4.000ha một thời “che bộ đội, ngăn quân thù”. Những cánh rừng dẻ này vừa giữ vai trò là rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các hồ chứa nước lớn của địa phương, như: Trung Thuần, Vân Tiền; vừa cho người dân trong vùng những mùa hạt dẻ “ấm no” lúc nông nhàn. Đặc biệt, trong cánh rừng dẻ này còn có lăng mộ của danh nhân Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) và nhiều “địa chỉ đỏ” về lịch sử văn hóa khác, một tiềm năng lớn để phát triển du lịch ở địa phương.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn 3 xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và Quảng Tiến có hàng trăm hộ gia đình đã phát huy được thế mạnh của vùng gò đồi rộng lớn, đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Điển hình, như: Các mô hình trang trại của ông Phan Văn Lộc, Nguyễn Quốc Vượng, Trần Trúc Kỳ… (xã Quảng Lưu); hợp tác xã chăn nuôi gà đồi Quý Chiên; trang trại ông Nguyễn Thanh Bình… (xã Quảng Thạch); trang trại của ông Phan Bình Nguyên, Phan Văn Ngại, Phan Văn Hợi ở xã Quảng Tiến…
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo 3 xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và Quảng Tiến khẳng định: Khi 3 xã được hợp nhất thành xã Trung Thuần, sẽ có thêm nhiều cơ hội mới để phát triển quê hương. Với tiềm năng của vùng đất gò đồi rộng lớn, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu. Cùng với đó, tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tận dụng được các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn để phát triển các loại hình kinh tế, dịch vụ. Đặc biệt, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn chiến khu xưa, để đưa Trung Thuần phát triển giàu mạnh.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh cho biết: Chiến khu Trung Thuần là mảnh đất đã đi vào lịch sử của dân tộc, là niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây. Khi vùng đất này trở thành xã Trung Thuần, địa phương này sẽ có dư địa phát triển rộng mở. Cùng với các ngành sản xuất nông-lâm nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, địa phương này có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ. Tin chắc rằng, xã mới Trung Thuần sẽ viết tiếp trang sử hào hùng của vùng đất chiến khu cách mạng xưa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
(QBĐT) - Thực hiện Kế hoạch số 874/KH-UBND ngày 8/5/2025 của UBND tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình ban hành Công văn số 76/CV-ĐLS ngày 12/5/2025 đề nghị các tổ chức hành nghề luật sư (LS) và các LS thành viên đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết.