Phát triển nguồn nhân lực... "đón đầu" kỷ nguyên mới

  • 06:06, 30/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 9/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU về phát triển nguồn nhân lực (NNL) và nâng cao chất lượng cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: “Phát triển NNL và nâng cao chất lượng công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”. Qua 5 năm triển khai, Quảng Bình tập trung xây dựng được một đội ngũ cán bộ vững vàng, tạo ra NNL chất lượng cao, thuận lợi cho việc “đón đầu” khi thực hiện sáp nhập, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng tỉnh Quảng Trị mới giàu mạnh.
 
Những đột phá trong phát triển NNL
 
Đánh giá về Chương trình hành động số 04-CTr/TU, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp (CĐKTCNN) Quảng Bình Đào Hoài Linh nhận xét: “Chương trình hành động nhanh chóng triển khai vào thực tiễn và mang lại những kết quả tích cực. Nhờ vậy, NNL của tỉnh ngày càng phát triển. Tại các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh như Trường CĐKTCNN Quảng Bình, số lượng tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước. Chất lượng đào tạo từng bước đổi mới đáp ứng nhu cầu tuyển dụng khắt khe của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động”.
 
Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình phát triển NNL trên 92.196 triệu đồng. Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục công lập huy động nguồn lực trên 207.183 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, trong đó, đầu tư cơ sở vật chất 158.392 triệu đồng; đầu tư thiết bị đào tạo 48.791 triệu đồng.
 
Công tác đào tạo nghề đã gắn kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, đơn vị sử dụng lao động và phát triển mô hình đào tạo từ trong doanh nghiệp, tổ chức thực hành tại doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Học sinh, sinh viên (HSSV) được các doanh nghiệp nhận vào thực tập sản xuất, hỗ trợ chi phí hoặc trả lương. Một số ngành nghề, như: May công nghiệp; kỹ thuật chế biến món ăn; nghiệp vụ nhà hàng; quản trị khách sạn; công nghệ ôtô; vận hành máy thi công công trình… đào tạo theo đơn đặt hàng, doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau khi HSSV tốt nghiệp. Giai đoạn 2021-2025, có 494 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết giảng dạy, đào tạo; hơn 3.035 HSSV được đặt hàng đào tạo; có 14.850 HSSV giải quyết việc việc làm sau đào tạo ở thị trường nội địa và 686 HSSV đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Đào tạo nghề chất lượng cao theo hình thức “bắt tay, chỉ việc” gắn với nhu cầu thị trường.
Đào tạo nghề chất lượng cao theo hình thức “bắt tay, chỉ việc” gắn với nhu cầu thị trường.
Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh tuyển dụng 52 công chức và 266 viên chức, trong đó có cả các trường hợp trúng tuyển diện thu hút, góp phần bổ sung NNL chất lượng cho các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, công tác luân chuyển, điều động cán bộ thực sự phát huy hiệu quả, góp phần rèn luyện, thử thách và tạo nguồn cán bộ kế cận cho tỉnh. Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành nhiều chủ trương về công tác cán bộ chuẩn bị cho sáp nhập tỉnh, ưu tiên việc lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, có uy tín, có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 327 lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ các cấp. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng luôn đổi mới, bám sát các văn bản mới của Trung ương và của tỉnh, gắn với công tác quy hoạch cán bộ, yêu cầu phát triển NNL và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ được đào tạo, bồi dưỡng cao gấp 7% so với nhiệm kỳ 2015-2020 với 5.015/4.687 lượt người. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo sau đại học đạt tỷ lệ 10,43% với 2.868 người.
 
Về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đến nay toàn tỉnh có 93 tiến sĩ; 2.059 thạc sĩ; 4.590 đại học; 946 cao đẳng và 527 trung cấp. Về lý luận chính trị có 502 cao cấp, cử nhân; 1.074 trung cấp và 2.910 sơ cấp. Về quản lý nhà nước, có 64 chuyên viên cao cấp; 526 chuyên viên chính và 1.193 chuyên viên.
 
Tiếp tục “đi tắt, đón đầu”
 
Sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU, những kết quả đạt được ví như là nền tảng vững chắc giúp Quảng Bình tự tin bước vào kỷ nguyên mới khi sáp nhập với tỉnh Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị mới hình thành có thêm dư địa mới; tiềm năng, thế mạnh mới, đòi hỏi phải có đủ một NNL chất lượng cao mới.
 
Theo ông Lê Công Toán, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh thì trước thời cơ, vận hội mới, mục tiêu phát triển NNL và nâng cao chất lượng cán bộ cần gắn liền với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cần có những bước “đi tắt, đón đầu”; xác định các lĩnh vực ưu tiên dựa trên lợi thế sẵn có của tỉnh Quảng Bình và sắp tới là tỉnh Quảng Trị mới (công nghiệp, du lịch, dịch vụ năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics...) nhằm thúc đẩy các đột phá kinh tế-xã hội. Ưu tiên phát triển NNL, đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao đáp ứng lộ trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, các khu công nghệ cao...”.
 
Chương trình hành động số 04-CTr/TU trở thành cột mốc quan trọng, điểm sáng phát triển NNL của tỉnh Quảng Bình. Với những thành quả đạt được và định hướng rõ ràng, đội ngũ cán bộ tỉnh Quảng Trị mới sẽ tự tin, đủ năng lực, phẩm chất, chung sức, đồng lòng vì mục tiêu xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp, thịnh vượng và bền vững.

“Khi sáp nhập tỉnh, Trường Chính trị tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tích cực đổi mới, cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm vận dụng vào từng chương trình, bài giảng; ưu tiên áp dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học đáp ứng nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo trong tình hình mới với phương châm “Nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực, học viên là trung tâm”, ông Lê Công Toán chia sẻ thêm.

Trong quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh phát triển kinh tế-xã hội phải gắn liền với phát triển NNL, chú trọng đến chất lượng đào tạo. Đào tạo NNL chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Mục tiêu đặt ra là mỗi năm cung cấp cho thị trường 20.000 lao động qua đào tạo. Các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đáp ứng quy mô đào tạo 25.000 người/năm. Đến năm 2030, có tối thiểu 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.
 
Ông Đào Hoài Linh chia sẻ: “Trường CĐKTCNN Quảng Bình phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao thuộc top 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín trong toàn quốc với quy mô đào tạo khoảng 20.000 HSSV. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này trong bối cảnh tỉnh Quảng Bình hợp nhất với tỉnh Quảng Trị để mở rộng không gian phát triển; nhiều cơ chế, chính sách lớn của giáo dục nghề nghiệp sẽ được điều chỉnh, tinh gọn, mạnh, chất lượng. Nhà trường tiếp tục đa dạng hóa các ngành học, bậc học theo phương thức mở, linh hoạt, liên thông nhằm tăng quy mô đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng các ngành, nghề trọng điểm ngang tầm với các nước ASEAN; chủ động hợp tác doanh nghiệp, hội nhập quốc tế trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, quy trình đào tạo; tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; đổi mới cơ chế tự chủ tài chính theo hướng hạch toán kinh doanh, thương mại hóa các dịch vụ đào tạo...”.
Ngô Thanh Long

 

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Ngày mai và những kỳ vọng
Ngày mai và những kỳ vọng
(QBĐT) - Sáp nhập, hợp nhất tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị để hình thành nên tỉnh Quảng Trị mới là quyết định mang tính lịch sử, nhận được sự quan tâm, chờ đợi của mỗi người dân, bởi đây là sự hợp nhất hướng tới không gian phát triển và tương lai giàu mạnh, thịnh vượng.