Muôn người một hướng!

  • 07:06, 30/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chỉ còn chút ít thời gian nữa, thời khắc công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, xã, phường, đặc khu tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra. Thời khắc lịch sử này, chúng tôi có dịp “đi về với nhân dân”, từ giáp đèo Ngang vào đến phía Nam Hải Lăng và được sống giữa một không gian tràn ngập cờ hoa, biểu ngữ, trong niềm vui hân hoan bao người chờ đón tỉnh Quảng Trị mới ra đời.
 
Triệu con tim chung một niềm vui
 
Ông Lê Viết Kiều, một người dân ở Đồng Hới, trung tâm kinh tế-chính trị của tỉnh mới Quảng Trị chia sẻ: “Trong niềm vui chung của gần 1,9 triệu người dân, tôi còn có thêm hạnh phúc riêng mình, khi cùng với nhân dân tỉnh Quảng Bình cũ mở rộng vòng tay yêu thương đón hơn 1.100 cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Trị cũ ra sinh sống, làm việc. Như ngày xưa Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị “chia ngọt, sẻ bùi”, “đồng cam, cộng khổ” trong hai cuộc kháng chiến. Rồi đây, khi về chung một nhà, phường Đồng Hới, thành phố “Hoa hồng” xưa, thành phố anh hùng của những người con anh hùng: Nguyễn Thị Suốt, Trần Thị Lý sẽ có thêm nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển, cất cánh”.
 
Đồng Hới trước thời khắc lịch sử công bố các quyết định thành lập tỉnh mới Quảng Trị ngập tràn sắc hoa và màu cờ. Nhà nhà treo cờ Tổ quốc. Mọi con đường hướng đến Quảng trường Hồ Chí Minh và Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, nơi sẽ diễn ra buổi lễ lịch sử đỏ rực sắc cờ.
Bờ Bắc sông Bến Hải -Ảnh: Trần Tuyền
Bờ Bắc sông Bến Hải-Ảnh: Trần Tuyền.
Từ Đặc khu Cồn Cỏ, trung tá Nguyễn Nhân, Phó trưởng Công an đặc khu cho biết: “Quân dân Cồn Cỏ và khách du lịch đến với Cồn Cỏ những ngày này trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Ai ai cũng thấy vinh dự và tự hào vì Cồn Cỏ sẽ trở thành một trong 13 đặc khu cả nước. Mọi công việc chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại đã hoàn thành. Những tuyến đường trên đảo được vệ sinh sạch sẽ và trang hoàng thêm các loại cờ. Quốc kỳ tại cột cờ Cồn Cỏ đã thay mới. Điểm cầu trực tuyến phục vụ cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tham gia dự lễ công bố các quyết định thành lập tỉnh Quảng Trị mới lắp đặt xong và đã cho vận hành thử an toàn, thông suốt”.
 
Ngược lên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi cư trú của đồng bào Bru-Vân Kiều hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị trước đây, cảm giác đại ngàn xanh càng thêm xanh hơn, màu xanh niềm tin, màu xanh hy vọng. Như miền xuôi, đồng bào Bru-Vân Kiều mạn ngược “cái bụng” rất vui khi Quảng Trị, Quảng Bình về chung một nhà. Người Bru-Vân Kiều Quảng Bình vốn gốc gác ở vùng đồi núi Hướng Hóa, Quảng Trị, trên hành trình đi tìm vùng đất mới, bà con bám theo dãy Trường Sơn mà ra Quảng Bình. Đồng bào chung một cái gốc, chung cái họ Hồ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao truyền. “Một sáng mai thức dậy, thấy mình ở một xã mới rộng lớn hơn, giàu tiềm năng hơn. Quê hương giờ không phân biệt Quảng Bình, Quảng Trị nữa mà chỉ còn tỉnh Quảng Trị, có hạnh phúc nào bằng”, Hồ Văn Trình, chàng trai Bru-Vân Kiều, cán bộ xã Trường Sơn tự hào. “Xã mới hình thành từ việc sáp nhập hai xã Trường Xuân và Trường Sơn. Những tiềm năng, thế mạnh phát triển về trồng rừng và du lịch được nhân đôi. Mình tin, đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn tin về một tương lai tươi sáng hơn”, Hồ Văn Trình chia sẻ thêm.
 
Những ngày cuối tháng 6, du khách đến thăm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương dường như đông hơn ngày thường. Lá cờ Tổ quốc trên cột cờ giới tuyến kiêu hãnh tung bay. Cột cờ giới tuyến và cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành biểu tượng niềm tin, ý chí, sức mạnh dân tộc, khát vọng hòa bình và thống nhất non sông của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
 
Bây giờ về với Vĩ tuyến 17, trong câu chuyện của du khách và người dân đôi bờ Hiền Lương, bà con không chỉ nhắc đến khát vọng hòa bình, thống nhất non sông mà còn khẳng định đến một chân giá trị khác, khát vọng phát triển, khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới, khi Quảng Bình, Quảng Trị về với nhau trong mái nhà chung. Chị Lê Thanh Tuyền, một người dân thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành cũ (nay là xã Cửa Tùng) tâm sự: “Tỉnh mới thành lập, tôi tin sẽ có nhiều thay đổi. Nhân dân kỳ vọng tỉnh Quảng Trị mới có thêm thế và lực để cất cánh, giúp khát vọng hòa bình, khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới sớm thành hiện thực”.
 
Khi hai quê... hòa cùng một cội
 
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, quê quán xã Hải Lệ, TX. Quảng Trị (nay là phường Quảng Trị). Năm 2004, anh ra công tác ở Quảng Bình, hiện tại là Trưởng phòng Đào tạo-Hợp tác Quốc tế, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình. Lập nghiệp, lấy vợ người thị trấn Quán Hàu (nay là xã Quảng Ninh), anh Nguyễn Hữu Nghĩa xem Quảng Bình là quê hương thứ hai của mình. Nhưng chỉ chút thời gian nữa thôi, anh không còn cảnh “một chốn, hai quê” mà vợ chồng, con cái, người thân đã chung tỉnh Quảng Trị: “Hạnh phúc lắm, vì từ đây quê hương mình thêm nhiều điều kiện phát triển hơn với tên gọi thân thương Quảng Trị. Yếu tố tương đồng của vùng đất, văn hóa, con người Quảng Bình, Quảng Trị trở thành nền tảng vững chắc để tạo lập nên một tương lai tươi sáng hơn”.
 
Quá trình thành lập tỉnh Quảng Trị mới, Quảng Bình, Quảng Trị luôn đón nhận nhiều sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có tình cảm rất đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Tổng Bí thư căn dặn: Việc hợp nhất hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị không chỉ là một bước đi hành chính, mà còn là sự tiếp nối truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết keo sơn giữa hai vùng đất kiên trung. Với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh, việc hợp nhất Quảng Bình, Quảng Trị sẽ trở thành một dấu mốc phát triển lịch sử, là đòn bẩy chiến lược để hình thành một cực tăng trưởng mới có sức lan tỏa trong vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

Khác với anh Nguyễn Hữu Nghĩa, năm 1979, thầy giáo Hoàng Thanh Nhàn, quê xã Phù Hóa, Quảng Trạch (nay là xã Tân Gianh) tình nguyện vào Quảng Trị dạy học. Thầy giáo Hoàng Thanh Nhàn gắn bó với sự nghiệp trồng người ở Quảng Trị 34 năm. Năm 2013, thầy Nhàn nghỉ hưu, thay vì “hồi hương”, thầy quyết định chọn Quảng Trị làm quê hương thứ hai. TX. Quảng Trị, quê hương thứ hai của thầy Hoàng Thanh Nhàn bây giờ là phường Quảng Trị. “Quê nội, quê ngoại giờ không còn mà quê hương chúng ta nay thành rộng lớn hơn. Đúng như những câu thơ nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.

Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, trước thời khắc công bố thành lập tỉnh Quảng Trị mới.
Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, trước thời khắc công bố thành lập tỉnh Quảng Trị mới.
Khi tỉnh mới hình thành, Đặc khu Cồn Cỏ có thêm điều kiện vươn mình giữa biển khơi. Đó là niềm tin, tấm lòng thủy chung của những người đang ngày ngày chung tay dựng xây  đảo, yêu đảo như yêu điều quý giá nhất đời mình. Trong thời khắc lịch sử thiêng liêng Quảng Bình, Quảng Trị “chung biển, chúng trời”, Bí thư, Chủ tịch UBND Đặc khu Cồn Cỏ Trần Xuân Anh chia sẻ đầy cảm xúc: “Việc phát triển Đặc khu Cồn Cỏ không chỉ nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc, với nhân dân. Đảng bộ, chính quyền đặc khu sẽ hành động quyết liệt, sáng tạo, tận dụng mọi nguồn lực để đưa Cồn Cỏ trở thành một đảo xanh, đảo mạnh và đảo giàu. Xây dựng Đặc khu Cồn Cỏ trở thành một điểm sáng về quốc phòng, an ninh gắn liền với phát triển kinh tế biển bền vững, gắn liền với du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên, tạo động lực lan tỏa, kết nối du lịch với các địa phương khác trong tỉnh”.
Ngô Thanh Long
 

 

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Phát triển nguồn nhân lực... "đón đầu" kỷ nguyên mới
Phát triển nguồn nhân lực... "đón đầu" kỷ nguyên mới
(QBĐT) - Qua 5 năm triển khai Chương trình hành động số 04-CTr/TU, Quảng Bình tập trung xây dựng được một đội ngũ cán bộ vững vàng, tạo ra NNL chất lượng cao, thuận lợi cho việc "đón đầu" khi thực hiện sáp nhập, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng tỉnh Quảng Trị mới giàu mạnh.