(QBĐT) - Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Bình đang triển khai đồng bộ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Với tinh thần trách nhiệm cao, ý kiến của người dân bày tỏ sự đồng thuận với những điểm đổi mới quan trọng trong dự thảo lần này, cũng như sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các tổ chức tôn giáo phát huy vai trò trong khối đại đoàn kết dân tộc
Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Trụ trì chùa Đại Giác
![]() |
Tôi rất hoan nghênh và đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là một bước đi rất quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; đồng thời, khẳng định tinh thần dân chủ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các tầng lớp nhân dân, trong đó có giới chức sắc tôn giáo.
Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tôi đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp, quy định về vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên. Việc bổ sung nội dung khẳng định rõ hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn đổi mới hiện nay. Điều này thể hiện rõ vai trò trung tâm của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tôi đề nghị cần tiếp tục làm rõ hơn nữa vị trí, vai trò của các tổ chức thành viên trong hệ thống Mặt trận (trong đó có các tổ chức tôn giáo) trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên thực tế, các tổ chức tôn giáo không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn đóng góp quan trọng vào các hoạt động xã hội, từ thiện, bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, Hiến pháp cần tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn để các tổ chức này phát huy vai trò của mình một cách chính đáng, hiệu quả trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Tôi tin rằng, với tinh thần trách nhiệm, lắng nghe và cầu thị, bản Hiến pháp sau sửa đổi sẽ tiếp tục là nền tảng pháp lý cao nhất, vững chắc cho sự phát triển của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; trong đó, mọi người dân, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, đều được bảo đảm các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng, bình đẳng.
Tâm An (thực hiện)
Tuổi trẻ Quảng Bình góp ý Hiến pháp với bản lĩnh công dân và tinh thần trách nhiệm
Tham gia sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tuổi trẻ Quảng Bình đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh công dân và ý thức xây dựng pháp quyền. Nhiều ý kiến góp ý từ đoàn viên, thanh niên đã đi vào chiều sâu nội dung, thể hiện nhận thức chính trị ngày càng vững vàng.
![]() |
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình đã tổ chức đồng bộ hoạt động lấy ý kiến từ tỉnh đến cơ sở. Ứng dụng công nghệ số được khai thác hiệu quả, nhất là qua nền tảng VNeID. Tính đến giữa tháng 5, toàn tỉnh ghi nhận hơn 9.500 lượt ý kiến góp ý, trong đó, có nhiều ý kiến sâu sắc, tập trung vào các điều khoản quan trọng như: Điều 9, 10, 84, 110-115.
Nội dung góp ý xoay quanh các vấn đề thiết thực: Quyền con người, vai trò giám sát của tổ chức chính trị-xã hội, trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền, cũng như hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Nhiều đoàn viên đã đề xuất đưa giáo dục Hiến pháp thành nội dung chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông. Bởi lẽ, việc hình thành ý thức pháp quyền cần được bắt đầu từ nhà trường, từ khi người trẻ trở thành công dân.
Tại các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa, đoàn viên, thanh niên bày tỏ mong muốn được tiếp cận thông tin pháp luật một cách rõ ràng, dễ hiểu hơn; đồng thời, kỳ vọng các chính sách hỗ trợ người dân vùng khó khăn sẽ đến đúng đối tượng, thiết thực và hiệu quả hơn trong cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Trần Khánh Cường chia sẻ: “Mỗi góp ý là một lát cắt sống động từ thực tiễn, là minh chứng cho sự trưởng thành cả về tư duy và trách nhiệm của thanh niên đối với các vấn đề quốc gia.”
Quang Ngọc (thực hiện)
Đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Bà Cao Thị Vân, Trưởng bản Kè, xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa
![]() |
Là một công dân Việt Nam, tôi rất đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là việc làm quan trọng thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch, phản ánh đúng thực tiễn của xã hội; góp phần xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
Do đó, tôi đã tuyên truyền, vận động bà con trong bản tích cực tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Đến nay, có trên 90% người dân trong bản đã hoàn thành việc góp ý và đa số tán thành với các nội dung của dự thảo.
Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, tôi đề xuất Trung ương quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và các tổ chức đoàn thể, hội ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xuân Vương (thực hiện)
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này để đưa đất nước phát triển
Ông Lý Minh Luyến, Giám đốc Công ty TNHH Luyến Huệ Tech
![]() |
Tôi ủng hộ việc sửa đổi các điều liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương nhằm tinh gọn bộ máy, tăng phân cấp, phân quyền. Đây là một trong những yếu tố quyết định để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận dịch vụ công, đất đai, giấy phép, đầu tư. Tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc “chính quyền phục vụ” vào Hiến pháp nhằm chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ phát triển; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ để cải cách thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công. Về vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội và Mặt trận Tổ quốc, việc sửa đổi quy định liên quan cần làm rõ ranh giới giữa chức năng đại diện, phản biện với chức năng hành chính công. Đề nghị quy định rõ hơn vai trò giám sát độc lập từ phía các tổ chức này trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách tài khóa, tín dụng xanh...
Liên quan đến quyền tiếp cận pháp luật và bảo vệ pháp lý cho doanh nghiệp, tôi đề nghị cần mở rộng quy định về quyền được tiếp cận thông tin, dữ liệu công và pháp luật của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đề nghị bổ sung quy định về cơ chế bảo vệ doanh nghiệp trước các hành vi nhũng nhiễu, lạm quyền của công chức. Đây là điều đặc biệt cần thiết trong môi trường kinh doanh hiện nay, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi đề nghị quy định rõ thời gian và lộ trình triển khai các quy định mới, tránh tạo khoảng trống pháp lý hoặc ảnh hưởng đột ngột đến các chính sách đang thực hiện, như: Ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, quy hoạch đất đai…
Với tinh thần xây dựng và trách nhiệm công dân, tôi kỳ vọng rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, ổn định và minh bạch hơn cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đưa đất nước phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng và nâng cao vị thế quốc gia.
Hiền Chi (thực hiện)