Đất Quảng Bình... Nghĩa tình Quảng Trị!-Bài cuối: Bản anh hùng ca trên đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn

  • 05:05, 31/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng Thạch Hãn đoạn qua làng Như Lệ, xã Hải Lệ (TX. Quảng Trị). Lên bốn, lên năm, lũ trẻ ngoài thời gian đến trường thường rủ nhau vượt qua bãi bồi xanh mướt ngô khoai ra sông tắm mát. Một ngày xuân, chúng tôi thấy cả làng, cả xã đông nghịt người về, toàn gương mặt lạ. Bà con trong làng hân hoan đi đón, bảo: “Họ về chặn sông Thạch Hãn làm đập thủy lợi”. Trong nếp nghĩ trẻ thơ, chúng tôi tụm năm, tụm ba bên sông hỏi nhau: “Chặn dòng, liệu sông Thạch Hãn có cạn không?”. Lớn lên, chúng tôi lập nghiệp bốn phương, mỗi lần về quê thường ngược lên phía thượng nguồn ngồi ngắm con đập khổng lồ tồn tại qua hai thế kỷ, biểu tượng tình đoàn kết gắn bó keo sơn của nhân dân Bình Trị Thiên, trong đó có hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
 
 
“Hồ trên núi”
 
Đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn tạo ra một hồ nước mênh mông, sơn thủy hữu tình giữa vùng núi non hùng vĩ phía Tây TX. Quảng Trị, người Quảng Trị quen gọi là đập Trấm. Đập Trấm có tuổi đời gần 50 năm, xuyên qua hai thế kỷ. Không như nỗi lo lũ trẻ trâu chúng tôi ngày xưa, sợ Thạch Hãn cạn dòng... Sông vẫn hiền hòa, bên lở bên bồi chảy về xuôi, ra Cửa Việt rồi nhập vào biển Đông. 
Tuyến kênh chính của đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.
Tuyến kênh chính của đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.
Trong chuyến thăm lại đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn đầu tháng 5/2025, chúng tôi có dịp gặp lại những người một thời đi xây “hồ trên núi”: Kỹ sư Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nguyên Phó trưởng ban chỉ huy kiêm Trưởng phòng Kỹ thuật công trường từ tháng 3/1977-1/1983. Ông Phan Đức Đoài, nguyên Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn thủy lợi Bố Trạch. Ông Bùi Công Thọe, nguyên Phó Chủ tịch UBND TX. Đồng Hới, cán bộ Sư đoàn thủy lợi TX. Đồng Hới...
 
Ông Phạm Phước, Tổng công trình sư công trường Nam Thạch Hãn nhớ lại: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và tỉnh Bình Trị Thiên thành lập, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh tại miền Trung, ưu tiên phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm vấn đề an ninh lương thực cho nhân dân. Trong nông nghiệp, chú trọng xây dựng các công trình hồ đập phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu. Quá trình khảo sát xây dựng, Bộ Thủy lợi dựa vào hồ sơ thời Pháp để lại nên cơ bản rất thuận lợi. Tuy nhiên, theo hồ sơ cũ thì đập chính ngăn sông Thạch Hãn đặt ở Trấm. Căn cứ thực tế, Bộ Thủy lợi quyết định điều chỉnh cho phù hợp, chuyển đập chính về khu vực Đá Đứng cách Trấm khoảng 2km. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm, lớn nhất, đầu tiên của Bộ Thủy lợi và tỉnh Bình Trị Thiên ở miền Nam. Công trình bắt đầu khởi công ngày 8/3/1977.
 
“Nhưng vì sao lực lượng tham gia lại có các phiên hiệu Sư đoàn thủy lợi?”, tôi thắc mắc. Ông Phan Đức Đoài giải thích: “Công trường Nam Thạch Hãn ngày ấy quy mô lớn, hoàn toàn làm bằng thủ công, nghĩa là dùng sức người với hai bàn tay là chính cùng những phương tiện thô sơ. Vì thế, đòi hỏi số lượng nhân lực lớn. Quân số thường trực trên công trường lên đến hàng nghìn người, thời điểm đông nhất khoảng 7,3 vạn, tổ chức theo hình thức quân sự hóa. Lực lượng lao động là thanh niên, nam nữ huy động toàn tỉnh Bình Trị Thiên. Mỗi huyện tổ chức thành một sư đoàn mang chính tên địa phương mình: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Lệ Ninh, Bến Hải, Đông Hà, Triệu Hải, Hương Điền, Phú Lộc, Nam Đông, TP. Huế... Đơn cử như Sư đoàn thủy lợi Bố Trạch do tôi phụ trách gồm 23 đại đội, khoảng 1.500 người”. 
Kỹ sư trưởng công trường Phạm Phước và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu thăm lại đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.
Kỹ sư trưởng công trường Phạm Phước và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu thăm lại đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.
Phương tiện lao động chỉ là các dụng cụ thô sơ, như: Cuốc, xẻng, gồng gánh, trạc dắc để làm đất; ve, búa để đục đá. Ngay cả việc đầm nện cũng thực hiện bằng đầm gỗ hoặc gang đúc, đầm nhỏ thì mỗi người một cái, đầm lớn thì 2 đến 4 người cùng sử dụng. Rải đất từng lớp mỏng rồi đầm... cứ thế, hết lớp này đến lớp khác. Đầm đất theo tiếng còi của người chỉ huy. Tiếng còi cất lên, tiếng đầm nện xuống rền vang cả một vùng.
 
Câu chuyện “đầm đất, cất đập” xây nên con đập chính Nam Thạch Hãn cao lừng lững được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tái hiện lại trong bút ký “Tháng 3 trên công trường Nam Thạch Hãn” năm 1978 như sau: “Đầm đơn, đầm đôi rập ràng nện chặt bờ đập mới nhú. Tiếng đập nhịp nhàng đến độ muốn khơi dậy một tiếng hò nện đã quen. Nước ứa ra ở đoạn thấp của con kênh dự trù. Một tốp nữ tát nước ra ngoài, đều tay như múa. Hiện trường bỗng chốc mang cái khí hậu của một sân khấu rộng rãi ngoài trời, màu đất đỏ non tươi làm nền cho một đại vũ khúc mang tên công trình Đại thủy nông Nam sông Thạch Hãn”.
 
Trong thời gian 3 năm (1977-1980), đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn cơ bản hoàn thành. Ngoài đập chính, toàn bộ công trình còn có: 16,4km tuyến kênh chính chiều rộng 12-15m như một con sông nhân tạo cắt ngang cánh đồng Triệu Hải khởi nguồn từ Hải Lệ xuống Hải Phú, TX. Quảng Trị đến Triệu Thành, Triệu Đông, Triệu Hòa... Kênh cấp I gồm tuyến N1, N2, N3, N4, N5, N6 dài 67km; kênh cấp II dài 64km và hàng trăm tuyến kênh xương cá tỏa đi các vùng miền, đưa nước về tưới cho 9.000ha lúa vụ đông-xuân và gần 5.500ha lúa vụ hè-thu hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và một phần diện tích huyện Phong Điền.
 
Ký ức không quên
 
Chị Ngô Thị Nhung (SN 1960) ở xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) nhớ lại: “Năm 1978, lúc đó tôi mới 18 tuổi, theo tiếng gọi của Đoàn Thanh niên xung phong đi xây dựng đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn trong đội hình Sư đoàn thủy lợi TX. Đồng Hới. Tự hào hơn vì đập chính Nam Thạch Hãn lại nằm ngay trên quê hương của tôi, xã Hải Lệ. Chúng tôi ăn ở, sinh hoạt trong lán trại tập trung, biên chế như quân đội. Ngày ngày bám công trường, đêm đêm tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học văn hóa... Tiếng hát, tiếng đàn trở thành một sức mạnh tinh thần giúp chúng tôi làm việc quên mình, vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì bom đạn còn sót lại sau chiến tranh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
 
Ông Phan Đức Đoài chia sẻ: Trên công trường, nhiều người trong đó có lực lượng thanh niên Quảng Bình thuộc nằm lòng bài hát “Câu hò trên công trường Nam Thạch Hãn” của nhạc sĩ Trần Hoàn. Nhạc sĩ đã khéo léo sử dụng làn điệu dân ca hò khoan Lệ Thủy vào bài hát nên có sức lay động mạnh mẽ, khích lệ phong trào thi đua trên toàn công trường: “Ta nắn dòng mương bắc qua sông qua suối/Ta cho dòng nước biếc đó chảy xuống đồng xa/Anh em ta ơi, ới chị em ơi/Ta bắt tay vào nhanh ta đào thật sâu/Khoan ơi... dô khoan xin mời các bạn/Khoan ơi... dô khoan ơi hò là... dố khoan/Chừ đượm mồ hôi để ngày mai say mùa/Cho đồng hoang hóa lên xanh lúa xanh màu/Con sông quê hương ơi ta mến ta thương/ Bắt chảy ngược dòng thêm tưới mát đồng xa/Cho đêm đêm ta nghe văng vẳng câu hò…”.
 
“Nhắc đến đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, chúng ta không chỉ đề cập đến tính hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị. Đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn còn thể hiện tinh thần đoàn kết, thủy chung, sắt son của nhân dân Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế dưới mái nhà chung Bình Trị Thiên. Công trình là sự kết tinh lòng nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm của lớp lớp thanh niên làm theo lời Bác: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu khẳng định khi thăm lại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.

Trong dịp trở lại đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, ông Phạm Phước đã gặp lại những đồng đội một thời đi xây “Hồ trên núi”: Ông Nguyễn Hữu Hoạt (SN 1948) ở xã Triệu Long (Triệu Phong), nguyên công chức chế độ cũ, sau giải phóng được chính quyền cách mạng thu dung. Ông Nguyễn Hữu Hoạt tham gia công trường với vai trò Đại đội trưởng, chỉ huy 245 người thuộc Sư đoàn Thủy lợi Triệu Hải; ông Ngô Mọn (SN 1955), chị Ngô Thị Bích (SN 1958) cùng ở thị trấn Ái Tử (Triệu Phong). Ông Ngô Mọn là kiện tướng gánh đất trên công trường Nam Thạch Hãn. Chị Ngô Thị Bích tham gia đại công trường lúc tròn 19 tuổi, bị thương khi đào đất tại tuyến kênh chính N2 qua địa phận thôn Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng)...

Dừng chân trên mặt đập Trấm, phóng tầm mắt về phía đồng bằng, tuyến kênh chính Nam Thạch Hãn như một lằn chỉ uốn lượn xa xa rồi khuất ở đường chân trời, ông Phạm Phước không giấu được niềm kiêu hãnh: “Mấy chục cây số tuyến kênh chính có đoạn đào, có đoạn đắp. Ban Chỉ huy công trường phân ra từng đoạn cho từng sư đoàn phụ trách. Tâm lý chúng tôi hồi đó rất lo. Lo nhất là làm sao khi các đoạn hợp nhất sẽ đồng bộ đúng cao trình như thiết kế. Thế nhưng, nỗi lo đó vỡ òa thành niềm hạnh phúc khi giây phút đập Trấm vận hành xả nước, dòng chảy cứ thế hanh thông chảy thông về xuôi!”.
Ngô Thanh Long

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
HĐND huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa: Thông qua các nghị quyết quan trọng
HĐND huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa: Thông qua các nghị quyết quan trọng

(QBĐT) - Sáng 30/5, HĐND các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, thông qua một số nội dung quan trọng.