(QBĐT) - Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực hiện sắp xếp, điều chuyển nhiệm vụ theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã hoàn thành đề án gửi các cơ quan có thẩm quyền trước khi trình UBND tỉnh theo quy định.
Hiện, về cơ cấu tổ chức bộ máy, Sở GD-ĐT có 7 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương cùng 32 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở. Biên chế được giao năm 2024-2025 là 2.112 biên chế, trong đó có 42 công chức; 2.014 viên chức sự nghiệp; 4 viên chức tự trang trải và 116 lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện, sở có 39 biên chế công chức và 4 lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ; có 7 cấp trưởng và 7 cấp phó các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc sở. Tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, có 1.964 viên chức sự nghiệp; 4 viên chức tự trang trải và 114 lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ; có 29 cấp trưởng và 63 cấp phó.
Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn cho biết: Sở xây dựng đề án tổ chức lại Sở GD-ĐT do sắp xếp, điều chuyển nhiệm vụ với quan điểm quán triệt nhằm thực hiện hiệu quả nhất các nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao; giảm đầu mối và biên chế, khắc phục tình trạng dàn trải, gắn với việc thực hiện cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, có số lượng cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
![]() |
Trên cơ sở đó Sở GD-ĐT đưa ra phương án kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự như sau: Lãnh đạo sở gồm 1 giám đốc và 3 phó giám đốc. Dự kiến phương án sắp xếp các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc sở: Hợp nhất Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kế hoạch-Tài chính vào Văn phòng. Chuyển nhiệm vụ giáo dục tiểu học từ Phòng Giáo dục mầm non-tiểu học sang Phòng Giáo dục phổ thông và đổi tên thành Phòng Giáo dục mầm non.
Thành lập Phòng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)-Thường xuyên trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên từ Phòng Giáo dục Trung học-Thường xuyên và nhiệm vụ GDNN từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển sang. Phòng Giáo dục Trung học-Thường xuyên sau khi chuyển chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên sang Phòng GDNN-Thường xuyên và tiếp nhận nhiệm vụ giáo dục tiểu học từ Phòng Giáo dục Mầm non-Tiểu học sang, đổi tên thành Phòng Giáo dục phổ thông. Giữ nguyên Phòng Quản lý chất lượng và Thanh tra.
Việc tổ chức lại cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự của Sở GD-ĐT thực hiện bảo đảm theo định hướng tại Kết luận số 968-KL/TU, ngày 26/12/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 2438/UBND, ngày 20/12/2024 của UBND tỉnh. |
Đánh giá về hiệu quả sau khi thực hiện đề án sắp xếp mới này, ông Nguyễn Đại Trường, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT cho biết: Về chức năng, nhiệm vụ, sau khi tổ chức lại Sở GD-ĐT và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về GDNN từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển sang sẽ có sự chỉ đạo đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến GDNN; việc thống nhất quản lý nhà nước về GD-ĐT của sở là một chủ trương đúng đắn và cần sớm thực hiện. Bởi lẽ, về công tác tuyển sinh, hiện nay, sở không quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN nằm ngoài hệ thống tuyển sinh và đăng ký xét tuyển của sở, dẫn đến việc các em học sinh và phụ huynh khó tiếp cận thông tin.
Chưa kể, các cơ sở GDNN còn gặp hạn chế trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; về vấn đề phân luồng, công tác hướng nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT vào đào tạo nghề trình độ trung cấp, sơ cấp còn hạn chế. Các cơ sở GDNN phải cạnh tranh cao với những hệ đào tạo khác trong khi nguồn nhân lực từ các trường nghề, trường cao đẳng và trung cấp hiện nay đang thiếu hụt so với nhu cầu của xã hội; nhiều trường cao đẳng hiện nay hầu như mức độ đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh chưa đạt được so với chỉ tiêu được cấp...
Vì vậy, việc Sở GD-ĐT quản lý cả trình độ GDNN sẽ cân bằng được việc tuyển sinh giữa đại học và cao đẳng, phân luồng học sinh cũng sẽ thuận lợi, thực chất hơn.
Về tổ chức bộ máy, biên chế, tổ chức lại Sở GD-ĐT các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc sở giảm từ 7 phòng xuống còn 6 phòng, mỗi phòng bảo đảm có 5 biên chế công chức trở lên và số lượng cấp phó bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, gồm: Phòng Giáo dục mầm non, Phòng Giáo dục phổ thông, Phòng GDNN-Thường xuyên, Phòng Quản lý chất lượng, Thanh tra, Văn phòng. Sắp xếp nhân sự 6 phòng có tổng 40 biên chế, trong đó cấp trưởng 6 người, cấp phó 8 người. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giữ nguyên 32 đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT (không thay đổi, sau khi tổ chức lại).
“Việc sắp xếp lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương thuộc sở đều nhận được sự đồng thuận cao từ Ban Giám đốc đến lãnh đạo các phòng và toàn thể nhân viên. Và mọi người đều có chung quan điểm sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới khi được tổ chức phân công, bố trí tất cả vì cái chung và sự phát triển”, ông Nguyễn Đại Trường cho biết thêm.
Bùi Thành