(QBĐT) - Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tham gia thảo luận.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo luật. Theo đó, để bảo đảm tính đồng bộ với Luật Quy hoạch, ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về nội dung quy hoạch khoáng sản tại khoản 2, Điều 13, vì không thống nhất với quy định về nội dung chủ yếu của quy hoạch sử dụng tài nguyên (trong đó bao gồm quy hoạch khoáng sản) tại khoản 4, Điều 25.
Về quan hệ với Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đồng chí cho rằng quy định về ATVSLĐ trong khai thác khoáng sản (KTKS) tại Điều 62 có một số bất cập.
Theo đồng chí, trong tất cả các hoạt động từ điều tra địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến, thu hồi khoáng sản, dự thảo chỉ quy định duy nhất một điều về ATVSLĐ trong KTKS là chưa bảo đảm tính toàn diện.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ nội dung của Điều 62 chưa thống nhất với Luật ATVSLĐ. Theo đó, dự thảo luật quy định: Khi xảy ra sự cố mất an toàn lao động thì tổ chức, cá nhân KTKS phải kịp thời báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, Luật ATVSLĐ phân sự cố mất an toàn lao động ra làm 2 loại là sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ và sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng. Cũng theo luật này, chỉ có loại sự cố nghiêm trọng hoặc sự cố gây chết người hoặc bị thương nặng từ 2 người trở lên mới phải báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Luật ATVSLĐ cũng quy định cụ thể nhiều biện pháp hơn so với Điều 62 của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.