(QBĐT) - Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.
![]() |
Tham gia thảo luận, đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế. Khẳng định GDP ở mức 6,82% là một chỉ số ấn tượng, thể hiện nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là việc ứng phó với thiên tai trong những tháng vừa qua, đồng chí cũng nêu lên những khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Chỉ ra những hệ lụy của việc già hóa dân số, như: Tốc độ tăng trưởng theo đầu người sẽ giảm xuống, vì thế cần phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và các nguồn tăng năng suất khác để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng; áp lực ngày càng gia tăng của hệ thống hưu trí và y tế sẽ tạo thêm những thách thức lên nguồn tài chính quốc gia; vấn đề hệ thống chăm sóc cho người tuổi cao sức yếu sẽ sớm trở thành mối quan ngại, ý kiến khẳng định, việc điều chỉnh, thay đổi Pháp lệnh Dân số bằng Luật Dân số, sửa đổi Luật Việc làm trở nên cấp thiết.
Trong lộ trình xây dựng luật, đồng chí đề nghị Chính phủ chú trọng các nội dung, gồm: Bảo đảm quy định quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh cần được cụ thể hóa, hỗ trợ bằng các biện pháp đi cùng (như: Doanh nghiệp không được quyền sa thải phụ nữ đang mang thai; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các cặp vợ chồng, cá nhân đang trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ...) nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Trước mắt, ý kiến đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật đối với sinh con thứ 3 hiện còn phù hợp hay không.
Theo đồng chí, cả nước có khoảng 16 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm hơn 16% dân số. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 5,4 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp người có công, và trợ cấp xã hội. Như vậy, vẫn còn khoảng 65% NCT chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước.
So sánh tương quan với các độ tuổi khác, NCT chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Vì thế, theo đồng chí, để khắc phục tình trạng tốc độ tăng trưởng theo đầu người giảm xuống, bên cạnh việc nâng cao hiệu suất việc làm, thì việc hỗ trợ cơ chế để NCT tham gia thị trường lao động một cách công bằng, hợp lý là cần thiết để tăng thu nhập và mức sống cho NCT, giảm gánh nặng an sinh cho xã hội, tránh việc ngược đãi, bóc lột người già. Ý kiến cũng nêu lên những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của NCT đối với thị trường lao động.
Đưa ra những con số thống kê về số lượng cơ sở chăm sóc, cung cấp dịch vụ chăm sóc cho NCT, đồng thời chỉ rõ sự hạn chế so với nhu cầu, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị, để bảo đảm chất lượng và số lượng cơ sở chăm sóc NCT, cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc NCT. Cụ thể là cần miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu hoạt động; cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng và vận hành nhà dưỡng lão; tạo quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án phát triển nhà dưỡng lão.
Ngoài ra, ý kiến cũng đề nghị khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc NCT ở Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính...; khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực đầu tư chăm sóc NCT, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này, đặc biệt có quy định về việc huy động vốn của NCT trong dự án dưỡng lão, bảo đảm quyền lợi cho NCT.