"Từ độ mang gươm đi mở cõi"-Bài 5: Muôn đời lưu danh
06:06, 03/06/2024
(QBĐT) - Trong bài Văn tế Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chép lại trong cuốn “Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII” của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền có đoạn viết: “Tướng công sinh ở phương trời một cõi/Thân thế thác nơi thành dài muôn dặm/Ngàn năm cúng tế/Muôn đời lưu danh/Công đức ghi sâu trên đất Việt/Danh vinh chép lại ở đài lân”. Dấu ấn của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh trải dọc dải đất phương Nam. Để rồi, hàng thế kỷ trôi qua, những gì ông và bao lớp người “khai sơn phá thạch” để lại cho hậu thế không chỉ là những vùng đất mỡ màu mà còn bao giá trị, những bài học thiêng liêng.
Cụ ông Lê Quốc Vệ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thường được người dân địa phương gọi bằng cái tên thân thương: Ông Tám Tược. Năm nay, ông Tám Tược đã bước vào tuổi 85 nhưng có ngót nghét 60 năm gắn bó với Dinh Chưởng binh Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở thị trấn Chợ Mới. Từ công việc của một học trò lễ, hương khói cho Đức ông, nay, ông là Phó ban Quản lý dinh thờ. Hơn 60 năm không một khoản hỗ trợ nhưng ông vẫn cần mẫn chăm chút cho từng góc nhỏ của dinh thờ và ông không phải là người duy nhất ở nơi xứ này như thế.
Nơi an nghỉ vĩnh hằng của Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại xã Trường Thủy (Lệ Thủy).
Trong gian phòng sát bên chánh điện, ông Tám Tược treo những bức ảnh khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở quê hương Quảng Bình. Đôi bàn tay nhăn nheo chậm rãi di chuyển trên những bức ảnh đã phai màu, đôi mắt đục ngầu, rưng rưng: “Tui ước một lần được ra Quảng Bình, thắp hương cho Đức ông. Mà giờ, tui già, yếu quá rồi, không biết đến lúc nào mới đi được”.
Thế hệ hậu sinh chỉ được nghe chuyện về Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh qua sách, báo, qua lời cha ông kể lại nhưng như ngọn lửa ấm, sự trân trọng, tôn thờ cứ thế được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mạnh mẽ và bền bỉ! Ông Nguyễn Trung Cang, Trưởng ban Quý tế di tích đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh ở phường Hiệp Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai) kể rằng, cha ông là người đã dành trọn đời mình chăm nom ngôi đền cổ. Cho đến lúc sức khỏe cạn kiệt, đôi bàn chân không thể tự bước đi, đêm giao thừa năm 90 tuổi, cụ vẫn nhờ con cháu cõng ra đền để dâng hương cho Đức ông, có như thế trước khi nhắm mắt, cụ mới thực sự yên lòng.
Tại quê nhà Vạn Ninh, hậu duệ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh luôn chăm lo hương khói ấm cúng tại nhà thờ của dòng họ.
Là gia tộc có 6 đời chăm sóc ngôi đền cổ, cũng như cha mình, những đứa con trai của ông Cang đã lớn lên với tiếng trống lễ, làm quen với việc quét dọn ngôi đền, chăm nom hương khói cho Đức ông từ lúc còn rất nhỏ. Lòng kính trọng cũng vì thế mà được đắp bồi trong tâm thức, tự nhiên như hơi thở. “Dù các con tôi có là ông này, bà nọ ở ngoài xã hội, thì về với đền thờ, vẫn phải làm những việc nhỏ nhặt, cẩn trọng và tỉ mỉ. Tôi dạy các con hiểu rằng đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào mà không phải gia tộc nào cũng may mắn có được”, ông Cang chia sẻ.
Còn mãi với non sông
Lúc sinh thời, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã sáng lập ra võ phái Bạch hổ sơn quân. Hơn 300 năm qua, Bạch hổ sơn quân đã được bảo tồn và phát triển với hàng chục võ đường trên cả nước. Võ sư Nguyễn Hữu Thủy (tên thường gọi là Nguyễn Hữu Trung) là chưởng môn thứ 21 của dòng họ Nguyễn Hữu, ông đã đưa Bạch hổ sơn quân vào Nam và xây dựng một võ đường lớn tại huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Ông cũng là người hiện đang lưu giữ chiếc đai quý giá vốn được truyền lại từ các thế hệ chưởng môn thuở sơ khai.
Võ sư Nguyễn Hữu Thủy cho biết: “Tinh hoa võ thuật của võ phái mà Tổ sư Nguyễn Hữu Cảnh để lại cho con cháu không chỉ là những bài quyền, bài binh khí mà còn ở giá trị giáo dục sâu sắc. “Đó là người học võ phải có 3 điều: Bi (từ bi), trí và dũng, đồng thời phải được rèn giũa trong một khuôn khổ: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Quan điểm của võ phái này là “lực bất như quyền, quyền bất như công, công bất như tâm, tâm bất như định”. Làm bất cứ việc gì, mỗi người học võ cũng cần phải chú trọng lễ nghi, đạo võ”. Với trách nhiệm của một hậu duệ dòng họ Nguyễn Hữu và chưởng môn võ phái, ở tuổi 78, võ sư Nguyễn Hữu Thủy mong muốn tiếp tục bảo tồn và phát huy tinh hoa môn võ cùng những giá trị mà Tổ sư Nguyễn Hữu Cảnh để lại cho con cháu mai sau.
Người dân huyện Chợ Mới tổ chức giỗ Đức ông từ ngày 7-10/5 âm lịch.
“Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt/Ơn biển trời lao khó gầy dựng Đồng Nai”. Đó là hai câu thơ vẫn được lưu truyền ở vùng cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai) ngợi ca công đức của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Không chỉ cùng bao thế hệ tiền nhân để lại cho con cháu hôm nay núi sông, bờ cõi, điệu hồn dân tộc mà ông còn để lại cho hậu thế những bài học mang giá trị vĩnh cửu.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã trở về an nghỉ trên đất mẹ Quảng Bình tại xã Trường Thủy (Lệ Thủy). Nhưng tại gò Y Lăng (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vẫn còn đó ngôi mộ gió, được coi là nơi chôn cất ông từ năm 1700. Dẫu chỉ còn là dấu tích nhưng người dân Biên Hòa vẫn coi đây là chốn linh thiêng và thường xuyên lui tới để hương khói, tưởng nhớ công ơn ông.
Trong hành trình kinh lược xứ Đồng Nai-Gia Định, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã dùng tâm đức để thu phục và làm an dân, không chỉ người Việt mà cả người Hoa, người Khmer. Chỉ vỏn vẹn một năm với chức Kinh lược, Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành nhiệm vụ hết sức trọng đại trong công cuộc khai sáng miền Nam là thành lập cơ sở hành chính quy củ, tạo điều kiện để dân chúng làm ăn yên ổn. Nguyễn Hữu Cảnh là tấm gương nhân hậu điển hình, là người lãnh đạo tài đức, luôn đặt lợi ích của người dân lên trên tất thảy nên dù lúc sinh thời hay hàng trăm năm đã trôi qua, đức độ của ông vẫn tạo niềm cảm mến sâu sắc cho nhân dân, đặc biệt là bà con các tỉnh, thành Nam bộ.
Con đường mang tên Nguyễn Hữu Cảnh là cung đường sầm uất hiện đại của TP. Hồ Chí Minh.
“Người Chợ Mới kính trọng, tôn thờ Đức ông không phải vì ông là thánh nhân, không phải vì những điều đã linh ứng mà bởi những công đức cụ thể. Bài học về “lấy dân làm gốc”, về vấn đề an dân, thu phục lòng dân bằng chính tâm đức, trí tuệ mà ông để lại vẫn luôn có giá trị cho đến hôm nay. Đức ông chính là tấm gương để nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân Chợ Mới ngưỡng mộ và noi theo”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới (An Giang) Đoàn Thanh Lộc bày tỏ.
Hậu thế ghi ơn
Đi dọc chiều dài đất nước, nhất là ở các tỉnh, thành miền Nam, tên của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được đặt cho rất nhiều công trình dân sinh, trường học.
Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (TP. Hồ Chí Minh) hàng năm tổ chức lễ giỗ Đức ông để nhắc nhớ các thế hệ học sinh ghi nhớ công lao của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (TP. Hồ Chí Minh) Bùi Hồng Phong cho biết, ngôi trường mang tên Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đứng chân trên thành phố ghi đậm dấu ấn, công lao của ông nên thầy và trò nhà trường luôn ý thức, trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề. Đó là niềm tự hào nhưng cũng nhắc nhớ thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về truyền thống của cha ông đi trước. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, thăm các đền thờ để các em được tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Lễ Thành hầu.
Trân trọng tài đức của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, từ quê hương Quảng Bình đến vùng đất Quảng Nam, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang hay TP. Hồ Chí Minh, từ người Việt, người Hoa ở Chợ Lớn (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) hay người Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh cũng dành một nơi trang trọng trong các đình thờ, chùa cổ… để thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Các dinh thờ, miếu mạo… thờ Đức ông rải đều khắp các vùng quê. Trong số đó, có nhiều công trình được xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và đang được quan tâm đầu tư, nâng cấp để phát huy giá trị.
Ngôi mộ gió tại gò Y Lăng (Biên Hòa, Đồng Nai), nơi người dân Trấn Biên vẫn thường xuyên lui tới hương khói, tưởng nhớ công ơn Đức ông.
Như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, có lẽ hiếm có danh nhân lịch sử nào lại được người dân tổ chức cúng giỗ kéo dài trong nhiều ngày đến vậy. Nếu người dân huyện Chợ Mới tổ chức lễ kỳ yên và giỗ Đức ông từ ngày 7-10/5; tại cù lao Phố chọn ngày 16/5 thì tại quê nhà Quảng Bình, lễ giỗ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức vào ngày 19/5 âm lịch. Những ngày này, người dân khắp nơi tìm về các dinh thờ để được dâng hương tưởng nhớ công lao ông. Hương khói không bao giờ nguội tắt nơi chốn linh thiêng như tấm lòng người mở cõi vẫn luôn thao thiết vì nước, vì dân.
(QBĐT) - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Quốc Hạnh cho biết: Đến nay, huyện Bố Trạch đã nhân rộng được 22 mô hình dân vận khéo "Mỗi xã giúp mỗi bản" (22 xã, thị trấn giúp 22 bản) và triển khai thực hiện, bàn giao các công trình, phần việc đăng ký với tổng trị giá trên 6,1 tỷ đồng.
Tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (từ ngày 3-8/6/2024) sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó điểm nhấn nổi bật là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân.
(QBĐT) - Tối 2/6, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác Trung ương và tỉnh Quảng Bình đã đến viếng, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh.