"Từ độ mang gươm đi mở cõi"-Bài 3: Về An Giang, nghe chuyện ông Chưởng
06:05, 31/05/2024
(QBĐT) - “A, cùng quê Quan lớn!”, cụ ông với tóc bạc trắng ánh mắt sáng lên khi nhìn vào chúng tôi-những người khách lạ ghé thăm Dinh quan Chưởng binh Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Bao năm qua, không chỉ ông mà người dân huyện Chợ Mới đều dành cho Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh một đức tin và sự tôn kính đặc biệt. Hơn 300 năm kể từ ngày đặt dấu chân khai phá xứ sở cù lao, hình ảnh Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh vẫn hiện diện giữa đời sống văn hóa tâm linh của nhiều thế hệ vùng đất này.
Khi nhiệm vụ Chúa Nguyễn giao phó đã hoàn thành, Chưởng binh Nguyễn Hữu Cảnh trở về tiếp tục trấn giữ dinh Bình Khang. Năm 1699, giặc Chân Lạp đánh cướp người Việt tại nhiều nơi hẻo lánh dọc theo sông Cửu Long khiến đời sống của người dân vô cùng khổ sở. Năm 1700, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn nhận chức Thống suất dẹp giặc Chân Lạp làm phản.
Tượng đài Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được đặt tại trung tâm huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (tượng được điêu khắc bằng đá Non Nước do nhân dân hiến tặng).
Khi trở lại vùng đất Nam bộ, ông đã để lại dấu ấn sâu sắc tại khu vực cù lao đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu của tỉnh An Giang. Mảnh đất giữa mênh mang sông nước này cũng là địa điểm ghi dấu ấn đậm nét của cuộc đời ông trong những năm tháng cuối đời.
Chỉ chừng nửa tháng lưu lại xứ cù lao Cây Sao của An Giang nhưng Nguyễn Hữu Cảnh đã thu phục lòng dân bằng chính sự đức độ, liêm khiết. Lúc đi hay khi trở về, ông cũng ghé lại thăm nhân dân, không kể đó là người Việt hay người Hoa, người Khmer.
Ông động viên dân chúng mở rộng canh tác nông nghiệp, khuyến khích giao lưu bằng thương thuyền. Cụ Lê Quốc Vệ (85 tuổi), ở thị trấn Chợ Mới bảo rằng, từ lúc còn nhỏ, ông luôn được các bậc cao niên kể về Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh bằng tất cả tấm lòng trân trọng, tôn thờ. Lúc đặt chân lên xứ cù lao, ông cho binh lính vét sâu, khơi rộng thêm nhánh sông Tiền rẽ sang sông Hậu, trổ vài mương phụ để dòng nước ngọt lưu thông đến tận những ấp mới.
“Những hành động khoan hòa thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của Đức ông lúc bấy giờ đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến. Có đất ruộng cày cấy, làm ăn sinh sống, người dân càng kính mến, ghi ơn Đức ông. Những lời ca tụng đó cứ thế được lưu truyền đến tận bây giờ”, cụ Vệ bồi hồi.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được nhân dân thờ tự tôn nghiêm tại các Dinh ông ở huyện chợ mới.
Trong cuốn Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII, tác giả Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền-hậu duệ của ông có viết: “Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), quan quân về đến cù lao Tiêu Mộc còn gọi là cồn Cây Sao. Lễ công hạ lệnh cho dừng quân làm tờ điệp báo khải hoàn, chờ lệnh chúa. Vài ngày sau, Lễ công nhuốm bệnh nhưng gặp tiết Đoan Ngọ tới (mùng 5 tháng 5), Lễ công cố gượng làm khỏe, dậy vui tiệc khao quân cùng các tướng sĩ. Chẳng may gặp cơn gió độc, Lễ công ho ra máu, ông vội vàng lấy tay áo che mắt ba quân, giữ cho tất cả được an tâm vui vẻ. Nhưng sau buổi đó, bệnh trở nặng, Lễ công truyền dong buồm về gấp”.
Theo sử sách ghi chép lại, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh trên đường trở về dinh Trấn Biên, đến Rạch Gầm (Tiền Giang) thì mất, nhằm ngày 9/5 Canh Thìn, hưởng thọ 51 tuổi. Thương nhớ ông, người dân cù lao Cây Sao nơi ông từng lưu lại trong những năm tháng cuối đời đã đặt tên cho vùng đất này là cù lao Ông Chưởng.
Tại Dinh Đức ông ở huyện Chợ Mới vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong quý giá của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và chỉ được mở ra cho nhân dân chiếm bái đúng ngày giỗ Đức ông.
Không chỉ là tôn kính
Khi đến với huyện Chợ Mới, chúng tôi được đón tiếp nhiệt tình bằng tất cả tấm chân tình, sự hào sảng vốn sẵn của người dân vùng Tây Nam bộ. Khi biết chúng tôi đến từ quê hương của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tình cảm ấy càng thêm quyến luyến.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Đoàn Thanh Lộc nói mà mắt rưng rưng: “Ở đây, Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh có một sức ảnh hưởng đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhiều thế hệ người dân trong suốt hơn 300 năm qua. Từ sự ngưỡng mộ, kính trọng, qua thời gian, họ thêm tôn thờ, ngưỡng vọng và có một niềm tin mãnh liệt vào Đức ông”.
Trong tâm thức người dân cù lao Ông Chưởng, Nguyễn Hữu Cảnh là vị Thượng đẳng thần quan trọng bậc nhất trong số các vị Thành hoàng được thờ phụng tại đây. Người Chợ Mới trân trọng gọi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là Đức ông, là Quan lớn. Ông hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ như một chỗ dựa tâm linh, giúp cho người dân xứ cù lao này vững tin đi qua bao bận sóng gió, bao lần chật vật của cuộc mưu sinh. Người Chợ Mới bao đời vẫn lưu truyền câu ca: “Ai đi tới Xép Chăn Cà/ Nhớ mua vàng mã nhang trà cúng Ông/Cúng Ông dâng một lòng thành thật/Ghe thương hồ bán đắt mua may”.
Với người dân Chợ Mới, được chăm lo hương khói cho Đức ông là một niềm vinh dự và tự hào lớn lao.
Huyện Chợ Mới có 3 dinh lớn thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nằm ở thị trấn Chợ Mới, xã Long Kiến và xã Kiến An. Đây là chốn lui tới thường xuyên của người dân trong vùng và từ khắp các tỉnh, thành lân cận. Không chỉ ngày cúng giỗ Đức ông mà ngày thường, các dinh thờ cũng luôn có người đến viếng. Hơn 60 năm làm việc tại dinh thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở thị trấn Chợ Mới, cụ Lê Quốc Vệ bảo rằng, người Chợ Mới có đức tin đặc biệt với Đức ông.
“Họ đến với Đức ông bằng tấm lòng thành kính bởi quý trọng tài năng, đức độ của ông. Qua thời gian, những câu chuyện mang yếu tố tâm linh được lưu truyền cũng khiến người dân Chợ Mới tin rằng Đức ông có sự linh thiêng đặc biệt. Nên bất kỳ dịp quan trọng nào của mỗi gia đình, người dân cũng đến dinh để xin Đức ông ban phước lành”.
Trong những ngôi dinh thờ ở huyện Chợ Mới, hương khói không bao giờ nguội tắt. Luôn có người túc trực chăm lo chu đáo cho ban thờ Đức ông mà nói như cụ Vệ là “để Đức ông luôn thấy ấm áp như chính tấm lòng của người dân Nam bộ dành cho ông”.
Dinh thờ Đức ông ở trung tâm huyện Chợ Mới.
Ở dinh thờ tại thị trấn Chợ Mới, luôn có một ông từ coi quản thường xuyên việc hương khói và trực tiếp nấu 3 mâm cơm dâng cúng lên 3 ban thờ tại dinh. Ngày 2 bữa cúng (buổi sáng 10 giờ và buổi chiều 3 giờ), đồng nghĩa với 6 mâm cơm, cứ thế đều đặn diễn ra trong suốt hàng trăm năm nay và đều được làm bằng tất cả tấm lòng thành kính mà không có bất kỳ một khoản thù lao nào. Với người dân Chợ Mới, được chăm lo hương khói cho Đức ông là một niềm vinh dự và tự hào lớn lao.
"Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”
“Bao phen quạ nói với diều/Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”, người dân Chợ Mới vẫn lưu truyền câu cao dao ấy cho đến hôm nay. Trải qua những đổi thay của lịch sử nhưng xứ cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu này vẫn là vùng đất mỡ màu, dồi dào sản vật.
Ông Đoàn Thanh Lộc khẳng định, huyện Chợ Mới là địa phương có điều kiện phát triển kinh tế rất tốt, đặc biệt là ở vùng cù lao Ông Chưởng. “5 xã ở vùng cù lao có mức thu nhập bình quân là 69,2 triệu đồng/người/năm. Trong đó, nhiều địa phương phát triển các ngành nghề truyền thống, trồng các loại cây lâu năm, một số mặt hàng xuất khẩu. Người dân có mức sống tốt nhờ có nhiều điều kiện phát triển kinh tế. Đặc biệt, ở các xã cù lao Ông Chưởng có nghề làm gạch và dây keo là nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm nay”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới chia sẻ.
Màu xanh no ấm đã khoác lên xứ cù lao hàng trăm năm tuổi.
Đi dọc vùng cù lao Ông Chưởng, một không khí hăng say lao động tỏa lan trên những gương mặt rạng rỡ. Ở những cơ sở sản xuất dây keo, người dân miệt mài kéo dây, căng sợi. Tiếng máy hòa vào tiếng nói cười.
Chị Đỗ Thị Trang, người dân xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới bảo rằng, nhờ nghề làm dây keo mà mỗi tháng thu nhập bình quân của chị từ 7-10 triệu đồng. Đó là khoản thu nhập giúp gia đình chị sống ổn và không còn phải lo lắng sau những bận chật vật. Màu xanh no ấm đã khoác lên xứ cù lao hàng trăm năm tuổi. Người dân đã không còn đói khổ như ước mong của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh từ những ngày đầu đặt chân lên xứ lau sậy-cù lao Cây Sao ngày ấy.
Huyện Chợ Mới nằm về phía đông của tỉnh An Giang. Với diện tích gần 356km2, Chợ Mới hiện có hơn 453.000 dân. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
(QBĐT) - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Võ Văn Tiến cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thành lập mới 6 công đoàn cơ sở với 180 đoàn viên (ĐV) và phát triển mới 136 ĐV tại các đơn vị đã có tổ chức công đoàn.
(QBĐT) - Trong suốt cuộc đời vô cùng đáng nhớ của mình, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã có những năm tháng cuối đời gắn bó nặng sâu với vùng đất Đồng Nai.
(QBĐT) - Ôn lại chặng đường đã qua với nhiều gian khó nhưng cũng đầy vinh quang, hành trang ngày mới là truyền thống quê hương và niềm tin, khát vọng cùng quyết tâm vươn tới, đồng lòng xây dựng Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tên gọi mà bậc tiền nhân đã lựa chọn và gửi trao cho con cháu đời sau!