(QBĐT) - Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật và tư pháp cho các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, dự án “Thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của người dân về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (THDCƠCS) tại 3 vùng nông thôn, ven biển và miền núi huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình” (gọi tắt là dự án) đã được Trung tâm Phát triển cộng đồng (PTCĐ) Quảng Bình triển khai với sự tài trợ của Quỹ JIFF.
Thôn Vinh Quang là một trong 10 thôn của xã Sơn Thủy (Lệ Thủy), có 189 hộ với 722 nhân khẩu. Đây cũng là một trong 5 thôn của xã Sơn Thủy tham gia dự án. Những năm qua, việc tổ chức thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện hương ước, quy ước ở các khu dân cư trong xã Sơn Thủy từ năm 2013 đến nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong xu thế phát triển xã hội. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế tại địa phương là điều rất cần thiết.
Theo đó, người dân thôn Vinh Quang đã bàn bạc thống nhất xây dựng hương ước. Hương ước của thôn Vinh Quang được xây dựng căn cứ vào Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư ban hành. Việc triển khai hương ước được thực hiện qua các bước cụ thể, như: Đề xuất nội dung hương ước, quy ước; soạn thảo nội dung hương ước, quy ước; tổ chức hội nghị toàn thể khu dân cư lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước; thông qua hương ước, quy ước; công nhận và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước.
Đại diện thôn Vinh Quang chia sẻ, quá trình triển khai hương ước trên địa bàn thôn gặp nhiều thuận lợi, như: Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm PTCĐ Quảng Bình thông qua dự án về tập huấn nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng truyền thông cho nhóm nòng cốt; hỗ trợ kinh phí làm bảng tin công khai, hộp thư góp ý tại các nhà văn hóa thôn và tại UBND xã; hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị toàn thể cộng đồng thôn, kinh phí in ấn hương ước gửi cho toàn thể nhân dân trong thôn.
![]() |
UBND xã, công chức Văn hóa-Xã hội, công chức Tư pháp-Hộ tịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn thôn lập kế hoạch, dự thảo nội dung hương ước phù hợp với quy định của pháp luật. Phụ nữ ở các thôn được quan tâm, tham gia hội nghị và tiếp cận thông tin pháp luật nhiều hơn.
Giám đốc Trung tâm PTCĐ Quảng Bình Phan Thị Hoài cho biết, với mục tiêu thúc đẩy tiến trình triển khai Luật THDCƠCS một cách hiệu quả tại các xã vùng nông thôn, ven biển và vùng dân tộc thiểu số ở huyện Lệ Thủy, dự án đã mang lại những kết quả tích cực, như: Có ít nhất 1.200 người dân (nữ giới chiếm ít nhất 45%) được nâng cao nhận thức về Luật THDCƠCS; có 6 fanpage và 30 hòm thư góp ý giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin, chính sách liên quan đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội; có ít nhất 1 kiến nghị được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền về những vướng mắc của người dân trong quá trình áp dụng Luật THDCƠCS...
Các hoạt động chính của dự án đều mang đến dấu ấn nhất định. Trong đó, riêng về hoạt động biên soạn tài liệu truyền thông, đã lắp đặt 30 bảng tin công khai cho 30 thôn/bản thuộc 6 xã dự án; sổ tay tóm tắt Luật THDCƠCS được in ấn và bàn giao cho 6 xã dự án; có ít nhất 30% người dân ở 30 thôn tham gia dự án được hiểu rõ về Luật THDCƠCS thông qua bộ poster tóm tắt những nội dung chính về luật được trang bị ở các điểm nhà văn hóa thôn...
Thời gian tới, trung tâm mong muốn các chính quyền địa phương hỗ trợ các cuộc tập huấn kỹ năng truyền thông và giám sát cộng đồng cho trưởng ban công tác Mặt trận cấp thôn ở các thôn, xã chưa tham gia dự án; hỗ trợ một số công cụ, phương thức để thực hành dân chủ tại địa phương (bảng tin công khai, poster tóm tắt nội dung Luật THDCƠCS, hòm thư góp ý); tăng số lượng các cuộc truyền thông tại cộng đồng, lồng ghép trong các chủ đề sinh hoạt của các tổ chức quần chúng tại cơ sở; đồng thời mở rộng mô hình xây dựng hương ước thôn.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Châu Thị Định chia sẻ, dự án là một trong 18 sáng kiến tư pháp được tài trợ từ Quỹ JIFF và triển khai tại địa bàn 6 xã thuộc huyện Lệ Thủy từ tháng 6/2023-5/2024. Vừa qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp với Trung tâm PTCĐ Quảng Bình tổ chức diễn đàn “Vai trò của phụ nữ trong thực thi Luật THDCƠCS”. Qua diễn đàn, những kết quả đạt được, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai dự án đã được trao đổi, chia sẻ, đặc biệt là về các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật về DCƠCS của người dân trong cộng đồng nói chung, phụ nữ nói riêng, giúp chị em phát huy quyền làm chủ của chính mình.
Mai Nhân