Báo Đảng địa phương với việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

  • 07:10, 10/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong thời kỳ kỷ nguyên số, sự phát triển mạnh mẽ của internet ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, đến hoạt động báo chí, để thực hiện nhiệm vụ trên, các báo Đảng địa phương phải nỗ lực đảm nhiệm vai trò là lực lượng tiên phong, là cầu nối quan trọng, tích cực chuyển tải, giới thiệu, quảng bá hơi thở, sức sống, giá trị văn hóa địa phương, đồng thời phát huy, "kích hoạt" nét đặc trưng văn hóa bản địa thông qua các hoạt động văn hóa, bảo tồn giá trị văn hóa.
 
Vai trò của báo Đảng địa phương
 
Báo Đảng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, là tiếng nói của người dân, là phương tiện để tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật...
 
Bằng các bài viết, phóng sự, chuyên đề, báo Đảng địa phương là kênh thông tin tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về truyền thống văn hóa, lịch sử, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, ý thức bảo vệ, gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi cũng như những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. 
 
So với báo Trung ương, báo Đảng địa phương có lợi thế phản ánh sát sao đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán vùng miền, kịp thời đăng tải những sự kiện, vấn đề liên quan đến đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân cũng như việc phản ánh, cổ vũ, tuyên dương những tấm gương điển hình trong cuộc sống và sản xuất; đặc biệt, góp phần ngăn chặn những tệ nạn xã hội, đấu tranh chống những tiêu cực đang bị khuất lấp, những suy thoái đang bào mòn các hệ giá trị.
 
Trong những năm gần đây, ngay trên các số hàng ngày, đặc biệt là chuyên san cuối tuần, nhiều bài viết trên các báo Đảng địa phương không chỉ bảo đảm tính thẩm mỹ về mặt hình thức mà còn hấp dẫn, thuyết phục bởi chất lượng nội dung vừa đa dạng vừa phong phú, như: Báo Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk... Điều này thể hiện rõ tính chuyên nghiệp cũng như uy tín của nhiều báo Đảng địa phương, đáp ứng được nhu cầu của công chúng, thực hiện tốt vai trò định hướng, hướng dẫn dư luận đối với sự phát triển đời sống văn hóa bản địa.
 
Phát triển báo Đảng địa phương trong tình hình mới
 
Để xây dựng và hiện thực hóa việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, báo Đảng địa phương phải có kế hoạch dài hơi, bảo đảm thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục. Việc nắm bắt, khai thác chất liệu từ mọi mặt đời sống vừa góp phần hiện thực hóa đời sống đến đông đảo công chúng vừa hướng công chúng vào những điều tốt đẹp, sống tích cực, sống lành mạnh, sống có ích.
 
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, lãnh đạo và đội ngũ biên tập, phóng viên cần không ngừng trau dồi, học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Sự phân công công việc giữa các phòng, ban phải hợp lý, tinh gọn, tạo tính chủ động trong công việc. Các phòng, ban phải linh hoạt xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể, liên tục đổi mới chủ đề, chuyên mục, phương thức tổ chức trang..., cũng như việc đánh giá, rút kinh nghiệm đối với mỗi số báo sau khi phát hành.
 
Tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, quyết định giá trị chân thiện mỹ của báo Đảng địa phương. Các chuyên trang, chuyên mục về giá trị văn hóa truyền thống phải chiếm tỷ lệ hơn so với các trang thông tin giải trí, sự kiện, tin tức. Việc trình bày cần được thực hiện sát sao, liên tục, định kỳ trong chuyên mục riêng của mỗi số báo, tránh chia nhỏ lẻ, đăng tải cách quãng. Đồng thời, cần hạn chế tối đa việc sử dụng từ ngữ nước ngoài để tăng hiệu ứng tương tác.
Lễ hội Múa bông-Chèo cạn trong Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới. Ảnh: Đức Thành
Lễ hội Múa bông-Chèo cạn trong Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới. Ảnh: Đức Thành

Trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin, đòi hỏi báo Đảng địa phương vừa thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một tờ báo Đảng, vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo. Cuộc sống ngày một đổi thay, nếu chỉ mặc độc một kiểu áo, một chất liệu ắt nhàm chán, đơn điệu, báo Đảng địa phương phải ý thức làm mới chính mình, phải đặt mình trong tâm thế cạnh tranh với các tỉnh bạn để phát triển và đi lên. Có như vậy, báo Đảng địa phương mới bắt nhịp với xu thế phát triển của báo chí trong khu vực và thế giới, những tác phẩm được đăng tải mới thu hút, hấp dẫn công chúng.

Báo Đảng địa phương cần thấy trách nhiệm, vai trò to lớn của mình đối với căn bệnh thờ ơ, vô cảm, thiếu tình yêu văn hóa truyền thống ở thế hệ trẻ. Bởi lẽ, những giá trị văn hóa truyền thống được phổ biến và phản ánh trên báo Đảng địa phương luôn có ý nghĩa giáo dục về mặt tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống và khơi dậy ở thế hệ trẻ tình yêu văn hóa. Công chúng trẻ soi mình vào trong lối sống, sinh hoạt của địa phương, của văn hóa dân tộc để lớn lên, từ đó, biết phản ứng trước lối sống xuống cấp, phù phiếm, ảnh hưởng đến chuẩn mực văn hóa, đạo đức của xã hội cũng như có ý thức kế thừa, vun đắp tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Dấu ấn Báo Quảng Bình
 
Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày văn hóa lịch sử lâu đời. Báo Quảng Bình là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình, đã và đang thực hiện vai trò tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Bình.
 
Theo dõi Báo Quảng Bình, có thể thấy việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu, bởi đây là một trong những tiêu chí quan trọng tạo nên bản sắc riêng, không thể trộn lẫn của bất kỳ một tờ báo Đảng địa phương nào. Những giá trị vật thể, phi vật thể, không gian văn hóa cộng đồng, các làng nghề truyền thống, danh nhân văn hóa, du lịch văn hóa, ẩm thực văn hóa,... thường được chú trọng, đăng tải thường xuyên.
 
Thông qua những bài viết giàu yếu tố văn hóa truyền thống, Báo Quảng Bình gián tiếp tuyên truyền với công chúng về ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa; khơi gợi, nhân thêm lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; xây dựng lối sống đẹp; đấu tranh chống lại những quan điểm, hành vi lệch lạc, ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách của con người, đến việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
 
Báo Quảng Bình song hành tuyên truyền về việc xây dựng nét đẹp gia đình/ làng/môi trường văn hóa lành mạnh với việc kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc; tuyên truyền, phê phán, đấu tranh chống lại tệ nạn, hủ tục lạc hậu của xã hội, những suy thoái về đạo đức, lối sống, góp phần giáo dục, định hướng về lòng yêu Tổ quốc, lý tưởng sống cao đẹp, nhân ái cũng như ca ngợi vẻ đẹp trong lao động.
 
Ở các chuyên trang về văn hóa-văn nghệ, Báo Quảng Bình còn mở rộng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các bài chân dung nghệ sĩ, bút ký, truyện ngắn, tản văn, thơ, góp phần đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công chúng. Các tác phẩm này, trong vài ba năm gần đây, được biên tập khá kỹ về nội dung, chất lượng nghệ thuật của tờ báo theo đó cũng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu và hiểu biết ngày càng cao của công chúng.
 
Giá trị văn hóa truyền thống là nền tảng tinh thần vững chắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu tìm hiểu, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống càng trở nên cấp thiết. Nếu không đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức đối với mỗi người dân thì các giá trị văn hóa truyền thống sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, mai một và thậm chí bị biến tướng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của báo Đảng địa phương mà còn cần sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và cá nhân.
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, kỳ họp thứ 11
Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, kỳ họp thứ 11

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng để tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh. Báo Quảng Bình điện tử xin đăng tải các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này. 

Quảng Ninh: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
Quảng Ninh: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

(QBĐT) - Sáng nay, 10/10, Huyện ủy Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2020-2025. 

Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân
Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4/10/2023 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.