Đảng bộ sau sáp nhập, biến "khó" thành "dễ" - Bài 3: "Chìa khóa" vững mạnh sau sáp nhập

  • 08:08, 24/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vững mạnh sau sáp nhập luôn là “bài toán” khó đối với đảng bộ và người dân các địa phương. Phải làm sao để ổn định tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, khắc phục nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc, xây dựng lộ trình, kế hoạch phù hợp cho địa phương mới…? “Chìa khóa” để giải quyết những thách thức đó chính nằm ở đội ngũ cấp ủy, đảng viên trong đảng bộ, những người phải hiểu rõ, hiểu sâu, hiểu sát thực tiễn và phải sát cánh, kề vai, chung sức đồng lòng vượt qua thử thách.
 
 
 
Trước hết, thực tế cho thấy, việc tạo được niềm tin, đồng lòng, chung sức của người dân đóng vai trò quan trọng và quyết định. Câu chuyện ở xã Sơn Lộc (Bố Trạch) là điển hình như thế. Ngay khi có chủ trương sáp nhập xã Sơn Lộc và xã Vạn Trạch (Bố Trạch), địa phương đã lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, ở lần lấy ý kiến đầu tiên, chỉ có hơn 9% người dân xã Sơn Lộc đồng ý sáp nhập. Tiếp sau đó là sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động bà con, thế nhưng, ở lần lấy ý kiến tiếp theo, tỷ lệ người dân đồng thuận cũng chỉ đạt hơn 30%. Kế hoạch sáp nhập hai xã Sơn Lộc và Vạn Trạch không thành công ngay từ những bước đi đầu.
 
Lý giải cho điều này, ông Phan Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc chia sẻ, xã hiện chỉ có hơn 800 hộ và gần 2.700 nhân khẩu, cho nên, việc sáp nhập là hướng đi đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do là xã bán sơn địa, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, nên người dân lo ngại sau sáp nhập việc triển khai các thủ tục hành chính sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Thêm nữa, đa phần bà con là người từ nơi khác đến sinh sống và làm việc trên địa bàn, do đó, không muốn tiếp tục có sự xáo trộn về địa lý hành chính. Mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, thậm chí nhiều lần đến tận từng nhà giải thích, làm rõ, nhưng người dân vẫn không muốn sáp nhập. Thời gian tới, khi kế hoạch sáp nhập của Chính phủ được triển khai, xã Sơn Lộc sẽ phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tránh tình trạng thiếu đồng thuận như vừa qua.
 
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn (TT) Hoàn Lão Dương Thái Thoan thì chia sẻ, trước khi sáp nhập, ông là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoàn Trạch (Bố Trạch), nên nắm rõ tâm tư nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong xã. Trên thực tế, đây là những người đóng vai trò quyết định trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân. Chính vì vậy, họ phải được thông suốt, vững tâm cả về ý chí, tinh thần thì công tác vận động mới thực sự hiệu quả. Bởi sau sáp nhập, người từ trưởng xuống phó, từ chuyên trách xuống bán chuyên trách hay chuyển đổi vị trí công tác…
 
Do đó, ngay khi có chủ trương sáp nhập, rất cần cấp trên xác định rõ vị trí công tác để anh em có sự chuẩn bị tinh thần từ trước; đồng thời, các chế độ chính sách cần được quan tâm giải quyết kịp thời, gỡ rối từ cấp Trung ương đến địa phương. Có như vậy, trên dưới thông suốt, quá trình tuyên truyền, vận động mới thực sự mang lại hiệu quả cao nhất.
Các cuộc thi về xây dựng Đảng ở cơ sở chính là dịp để cán bộ, đảng viên ở các Đảng bộ sau sáp nhập trau dồi kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm.
Các cuộc thi về xây dựng Đảng ở cơ sở chính là dịp để cán bộ, đảng viên ở các Đảng bộ sau sáp nhập trau dồi kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm.
Còn ở TT. Quy Đạt (Minh Hóa), lại là những khó khăn khác sau sáp nhập xã Quy Hóa vào TT. Quy Đạt. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Duy Hòa cho biết, trước khi sáp nhập đơn vị hành chính, Đảng bộ có 22 chi bộ; trong đó có 13 chi bộ thôn, tiểu khu, tổ dân phố (TDP), 6 chi bộ trường học, 2 chi bộ trạm y tế, 1 chi bộ Công an. Sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các thôn, tiểu khu, hiện nay Đảng bộ còn 9 TDP, 4 chi bộ trường học, 1 chi bộ trạm y tế và 1 chi bộ Công an.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, sau sáp nhập sắp xếp chi bộ thôn, tiểu khu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau khi sáp nhập địa bàn rộng, số lượng hội viên tăng, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể giảm về đầu mối dẫn tới khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Thực hiện việc sắp xếp chi bộ thôn, tiểu khu phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi của một bộ phận người hoạt động không chuyên trách dẫn tới ảnh hưởng đến hiệu quả công tác trong thời gian đầu sau khi sắp xếp. Việc xử lý tài sản dư thừa ở các chi bộ, TDP cũng gặp khó khăn. Việc thay đổi tên thôn, tiểu khu sau sắp xếp cũng kéo theo phải thay đổi, điều chỉnh các loại giấy tờ, thủ tục của người dân, từ đó, phát sinh sự xáo trộn, khó khăn trong công tác, chỉ đạo điều hành của các bí thư chi bộ, tổ trưởng TDP.
 
“Vấn đề tồn tại, khó khăn nhất hiện nay của thị trấn chính là giải quyết cán bộ, công chức dôi dư. Mặc dù huyện đã có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết hết số dôi dư nên đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý làm việc của cán bộ, công chức dôi dư chưa bố trí được vị trí việc làm phù hợp. Cần nghiên cứu để ban hành chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho người thuộc diện dôi dư chuyển sang công việc khác hoặc nghỉ hưởng chế độ dôi dư. Cần nghiên cứu để sửa đổi, giảm tuổi nghỉ hưu cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, bởi thực tiễn làm việc ở cơ sở trực tiếp với dân có nhiều áp lực, vất vả và nguyện vọng nhiều cán bộ, công chức cũng muốn được nghỉ hưu sớm. Bên cạnh chính sách cho cán bộ, cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho đơn vị sáp nhập, bảo đảm có sự khác biệt về đầu tư, tạo động lực cho các đơn vị sáp nhập ở giai đoạn sau”, ông Đinh Duy Hòa cho biết thêm.
 
Trước thực tế trong quá trình sáp nhập của các địa phương, thời gian tới, để các đảng bộ sau sáp nhập vững mạnh, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đồng thuận trong người dân, nhiều khâu cần phải được triển khai từ sớm từ trước, nhất là về công tác cán bộ, công chức… Trong quá trình trước và sau sáp nhập, cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, gắn vai trò trách nhiệm cấp ủy các cấp; bám sát cơ sở, nắm bắt thực tiễn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về địa điểm sinh hoạt, trang thiết bị hoạt động. Đối với đảng ủy cấp trên, cần duy trì chế độ phân công, phân nhiệm của cấp ủy viên và cán bộ dự sinh hoạt tại đảng bộ, chi bộ sau sáp nhập, qua đó, góp phần lãnh đạo thực hiện tốt mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Đáng chú ý, đối với các đảng bộ sau sáp nhập, nếu có sáp nhập chi bộ, cần tổ chức sinh hoạt chi bộ mẫu và tập huấn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể hơn, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng chi bộ; gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, cần xem việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại chi bộ hàng năm.
 
Bên cạnh đó, việc tiếp tục phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao vai trò của cấp ủy trong quá trình trước và sau sáp nhập đóng vai trò quan trọng. Điều quan trọng hơn hết, phải bảo đảm khi thực hiện sắp xếp phải được tiến hành khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, phải được chuẩn bị kỹ và sớm; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sáp nhập.
 
Theo Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ, để bảo đảm đồng thuận, Chính phủ nhấn mạnh phải tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan đề án sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Nếu kết quả lấy ý kiến cử tri chưa đạt trên 50% đồng thuận, UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động cử tri và căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức lấy ý kiến cử tri lần thứ 2. Trường hợp lấy ý kiến cử tri lần thứ 2 vẫn chưa đạt trên 50% tổng số cử tri đồng thuận, UBND cấp tỉnh cần báo cáo Chính phủ đề xuất sắp xếp các huyện, xã này trong giai đoạn 2026-2030.
Mai Nhân

tin liên quan

Minh Hóa: Tổ chức Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2023
Minh Hóa: Tổ chức Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2023

(QBĐT) - Trong các ngày 22, 23/8, Huyện ủy Minh Hóa tổ chức Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2023. 

Chống biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng - nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên
Chống biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng - nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên

Cơ hội chính trị bao hàm nhiều đối tượng khác nhau ở trong và ngoài Đảng nhưng đều mang điểm chung là có nhận thức và hành động đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Đảng bộ sau sáp nhập, biến "khó" thành "dễ" - Bài 2: Sáng tạo giải pháp, cùng đảng bộ vượt khó
Đảng bộ sau sáp nhập, biến "khó" thành "dễ" - Bài 2: Sáng tạo giải pháp, cùng đảng bộ vượt khó

(QBĐT) - Để vượt qua những khó khăn, thách thức sau sáp nhập, nhiều đảng bộ trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo, các giải pháp kịp thời, hiệu quả, sát thực tiễn.