(QBĐT) - Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) trở thành Di sản thiên nhiên thế giới là một dấu mốc không chỉ có ý nghĩa khẳng định, tôn vinh những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, tô đậm Quảng Bình trên bản đồ Việt Nam, mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trải qua hai thập kỷ gìn giữ và phát huy các giá trị nổi bật, VQG PN-KB đã có một chặng đường phát triển mang nhiều dấu ấn trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu và hợp tác quốc tế…
Dấu ấn hợp tác quốc tế
VQG PN-KB rộng hơn 123.000ha, nằm tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa. Với đặc trưng các kiến tạo đá vôi dày đặc, PN-KB được ví là “vương quốc hang động” với hơn 400 hang động lớn nhỏ, trong đó hang Sơn Đoòng được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động lớn nhất thế giới. Nơi đây còn sở hữu hệ thống sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm, nhiều loài trong số đó nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN). Thành quả trong lĩnh vực hợp tác quốc tế mà 20 năm qua Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB đã xây dựng được đó là hình ảnh của VQG, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến.
Nổi bật là việc thực hiện thành công 24 chương trình, dự án quốc tế với các tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực, như: Bảo tồn di sản, bảo tồn thiên nhiên, giáo dục môi trường, phát triển cộng đồng và du lịch sinh thái…với các tổ chức quốc tế: UNESCO, FFI, Vườn thú Cologne, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, KfW, GIZ, IUCN, USAID, WWF, AAF, Trường đại học California-Đại học Irvine (Hoa Kỳ), Counterpart International…
Hoạt động hợp tác liên biên giới giữa VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và VQG Hin Nậm Nô, trong đó có ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai đơn vị. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
VQG PN-KB còn là địa điểm cho các nhà khoa học phát hiện hơn 43 loài sinh vật trên cạn mới trên trái đất cho khoa học; giải mã được các nội dung còn bí ẩn trong khu vực VQG; đặc biệt phát hiện quần thể Bách xanh quý hiếm có giá trị bảo tồn toàn cầu.
Ngoài ra, Ban Quản lý (BQL) VQG PN-KB đã tham gia 17 kỳ họp thường niên của Ủy ban Di sản thế giới; 21 diễn đàn quốc tế, hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về bảo tồn di sản; phối hợp tạo điều kiện cho hàng chục đoàn làm phim, nhiếp ảnh, báo chí nước ngoài đến hoạt động, quảng bá tại VQG PN-KB. Đặc biệt, là hãng truyền hình ABC News (Mỹ) thực hiện chương trình Good morning American phát sóng trực tiếp từ hang Én và Sơn Đoòng; bộ phim "Kong: Skull island" lấy một số bối cảnh của hình ảnh VQG PN-KB (2016); Đoàn đại sứ 6 nước tham quan hang Sơn Đoòng vào tháng 5/2016…
Mặt khác BQL VQG PN-KB đã phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xúc tiến dự án du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học trình Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ; hợp tác thỏa thuận kết nghĩa Hang động với Hiệp hội du lịch Augusta Margaret River, Tây Úc; thực hiện dự án hỗ trợ khẩn cấp thiệt hại do lũ lụt tại Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB do Ủy ban Di sản thế giới tài trợ; hỗ trợ các hoạt động cứu hộ, bảo tồn và tái thả động vật tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật do Tổ chức động vật châu Á tài trợ…
Liên kết liên biên giới
Mặc dù đã có khởi đầu bằng hợp tác liên biên giới từ năm 1998 (Dự án RAS 93-102) nhưng dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực hợp tác quốc tế hai thập kỷ qua là đạt được những kết quả tích cực trong việc chủ động thúc đẩy và tăng cường hợp tác bảo tồn liên biên giới giữa Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB (Việt Nam) với VQG Hin Nậm Nô (CHDCND Lào).
Trên cơ sở tuyên bố chung về hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới khu vực PN-KB và Hin Nậm Nô được UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh Khăm Muồn thông qua ngày 20/6/1998.
Các tổ chức quốc tế nghiên cứu hang động ở VQG Phong Nha-Kẻ Bàng. (Nguồn: Tư liệu Phong Nha-Kẻ Bàng).
Kể từ đó đến nay, chính quyền hai tỉnh và lãnh đạo VQG PN-KB và VQG Hin Nậm Nô đã tổ chức nhiều chuyến thăm và làm việc với mục đích trao đổi, thông tin về tình hình hoạt động trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị tiềm năng Di sản thiên nhiên thế giới của khu vực Karst nằm trên địa bàn VQG PN-KB của tỉnh Quảng Bình và VQG Hin Nậm Nô của tỉnh Khăm Muồn; qua đó đi đến thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện trách nhiệm, cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản thế giới.
Kể từ khi VQG PN-KB được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, hoạt động hợp tác liên biên giới giữa VQG PN-KB và VQG Hin Nậm Nô ngày càng được đẩy mạnh nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học và cảnh quan liên biên giới giữa 2 khu vực.
Các hoạt động hợp tác liên biên giới không chỉ dừng lại ở các chuyến thăm và làm việc mà hai bên đã cụ thể hóa bằng các hoạt động trao đổi thông tin hỗ trợ cho việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, săn bắt, buôn bán động thực vật trái phép qua biên giới hai nước; đặc biệt là khu vực giáp ranh và liên kề giữa PN-KB và Hin Nậm Nô. Bên cạnh đó, hai bên thường xuyên cử cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm để học tập lẫn nhau, trao đổi, tham gia, hỗ trợ các chương trình điều tra nghiên cứu đa dạng sinh học và lập kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng…
Đặc biệt vào năm 2023, Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã thống nhất chủ trương để các cấp bộ, ngành, địa phương 2 nước Việt-Lào cùng hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ lẫn nhau trong xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới giữa VQG PN-KB và VQG Hin Nậm Nô, xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên của hai nước và được hai bên nhất trí theo Hiệp định hợp tác song phương Việt-Lào giai đoạn 2021-2025.
Để hướng tới mục tiêu đó, những năm qua, BQL VQG PN-KB đã phối hợp với Văn phòng IUCN tại Việt Nam tổ chức tham vấn ý kiến các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình hoàn thành khung quản lý liên biên giới PN-KB và Hin Nậm Nô nhằm bảo đảm các yêu cầu bắt buộc trong tiến trình xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới đối với VQG Hin Nậm Nô; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu về thực tiễn đối với mô hình hợp tác liên biên giới mà hai VQG mong muốn đạt được.
Có thể nói, việc duy trì hợp tác với VQG Hin Nậm Nô đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các nội dung cam kết được ký trong các biên bản hội đàm cấp cao giữa Đảng bộ và chính quyền hai tỉnh Khăm Muồn và Quảng Bình; đồng thời thắt chặt và nâng cao mối quan hệ hợp tác bảo tồn liên biên giới lâu dài, bền vững giữa VQG Hin Nậm Nô và Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB trong việc trao đổi, chia sẻ kiến thức, thông tin và những kinh nghiệm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của hai khu vực…
Kết quả của sự hợp tác và phối hợp nghiên cứu với các tổ chức quốc tế đã góp phần đưa VQG PN-KB trở thành địa danh được biết đến trên khắp thế giới không chỉ vì cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều hang động đẹp, nổi tiếng mà còn biết đến bởi sự đa dạng và độc đáo với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu…
Đinh Huy Trí
(Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng)
(QBĐT) - Sau 23 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến tại diễn đàn Quốc hội.
QBĐT) - Sáng nay, 30/6, tại UBND xã Quảng Xuân, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an); Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội; Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tiếp xúc với cử tri huyện Quảng Trạch sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tham dự có đại diện một số sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện Quảng Trạch và đông đảo bà con cử tri.
(QBĐT) - Ngày 29/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 252/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.