(QBĐT) - Với mục tiêu “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN) giai đoạn I: 2021-2025 đang được triển khai tích cực, bước đầu mang lại những kỳ vọng và niềm vui mới cho đồng bào.
Triển khai dự án 8, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam lựa chọn làm điểm 3 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”; Hội LHPN tỉnh làm điểm 2 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, 1 câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và 1 “Địa chỉ tin cậy” với nhà tạm lánh cộng đồng.
Cuối tháng 4/2023, các mô hình điểm tại xã Trường Sơn được ra mắt. Chương trình được chuẩn bị chu đáo, mang không khí của ngày hội với các tiết mục văn nghệ vui tươi và sự tham gia đầy đủ của các cấp hội phụ nữ, lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đông đảo bà con.
Các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trường Sơn.
"Tổ truyền thông cộng đồng" có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Đặc biệt là xóa bỏ dần các định kiến về giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu, có hại. Các thành viên của tổ có nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt đời sống, tâm tư nguyện vọng của đồng bào nói chung, phụ nữ và trẻ em gái nói riêng.
CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được triển khai tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trường Sơn. Đây là sân chơi, diễn đàn giúp các em được nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi, cùng nhau giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi… Các thành viên CLB là những hạt nhân tiên phong, từ đó, lan tỏa đến các thành viên của trường và địa phương.
Đối với mô hình “Địa chỉ tin cậy” bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) tại cộng đồng, thì như tên gọi, đây là nơi hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị BLGĐ có chỗ tạm lánh, tạm trú, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu các hậu quả của BLGĐ gây ra. “Địa chỉ tin cậy” cũng là nơi kết nối người bị bạo hành với các dịch vụ an sinh xã hội khác tại địa phương.
Ban Quản lý mô hình “Địa chỉ tin cậy” gồm những thành viên có vai trò, uy tín cao trong cộng đồng, như: Lãnh đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, già làng, trưởng bản, các nhà hảo tâm… Trước mắt, “Địa chỉ tin cậy” được đặt tại trạm y tế xã, nơi có điều kiện cơ bản thuận lợi và phù hợp với tình hình địa phương.
Nội dung thiết kế của các mô hình, CLB gần gũi, thiết thực với đời sống đồng bào. Tại lễ ra mắt các mô hình, bà con đã được chia sẻ nhiều kiến thức về các hình thức, nguyên nhân, hậu quả BLGĐ, việc xử lý các tình huống BLGĐ... Nhiều người dân đã tích cực giao lưu, trả lời câu hỏi, nhận diện các hành vi BLGĐ, từ đó, xác định các hành vi ứng xử đúng đắn nhằm hạn chế, ngăn ngừa BLGĐ và các hậu quả.
Về mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, các em đã chủ động lựa chọn những nội dung phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm học sinh vùng ĐBDTTS và MN để tổ chức sinh hoạt. Đó là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực học đường…, giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi trong cách nghĩ, cách học, cách làm, dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống.
Hội LHPN huyện Minh Hóa tặng tủ đồ dùng cho mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại xã Dân Hóa.
Sau khi triển khai các mô hình điểm tại xã Trường Sơn, những địa phương thuộc địa bàn dự án là Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch và Lệ Thủy đã đồng loạt thành lập các mô hình. Huyện Minh Hóa là một trong những điểm sáng về tiến độ và chất lượng hoạt động của các mô hình.
Chị Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ: Nội dung dự án 8 rất thiết thực với đồng bào. Để phát huy tối đa hiệu quả của các mô hình, ngay từ quá trình chuẩn bị thành lập, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo 5 xã hưởng lợi từ dự án chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, nội dung, hình thức hoạt động. Tại lễ ra mắt, cán bộ phụ trách các mô hình đã tập huấn cho bà con. Những việc thật, người thật trong cộng đồng được trao đổi, phân tích đã giúp bà con nắm bắt rất nhanh về BLGĐ, cách thức phòng tránh, các địa chỉ cần liên hệ trong những tình huống khẩn cấp.
Việc trang cấp phương tiện truyền thông cho các mô hình, vật dụng dùng cho “Địa chỉ tin cậy” được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, phân công phụ trách rõ ràng. Các mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được lựa chọn địa điểm, hình thức tổ chức nhằm bảo đảm hiệu quả và thu hút sự tham gia tích cực của bà con.
“Sân khấu hóa là hình thức tuyên truyền sôi nổi, thiết thực mà chúng tôi hiện đang tổ chức cho cả 3 mô hình tại 5 xã. Hoạt động này đồng thời mang lại không khí vui tươi cho đời sống đồng bào. “Mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi sẽ cố gắng để dự án phát huy hiệu quả tốt nhất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS và MN trên địa bàn!”, chị Đinh Thị Ngọc Lê khẳng định.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Bích Thủy cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp hội phụ nữ, mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, nhưng dự án 8 đã được triển khai rộng khắp tại 5 địa phương trong tỉnh. Cùng với các mô hình điểm đang vận hành hiệu quả tại xã Trường Sơn, Minh Hóa là một trong những điểm sáng trong quá trình thực hiện dự án với những cách làm hay, sáng tạo, nội dung thiết thực. Cán bộ tham gia dự án có tâm huyết và trách nhiệm cao, gần gũi với đồng bào. Đây là những điều kiện cơ bản tạo tiền đề thành công cho dự án 8, trước mắt là những mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023!
Là 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 do Hội LHPN chủ trì, dự án 8 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
(QBĐT) - Ngày 16/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1169/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".