(QBĐT) - Ngày 12-3-2021, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về đổi mới một số khâu trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Nội dung đề án như sau:
Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện theo đúng các quy định của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện thí điểm thi tuyển 2 Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình; tổ chức khảo sát nhân sự trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đối với 30 chức danh cán bộ thuộc thiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại 22 cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Kết quả thí điểm thi tuyển và khảo sát nhân sự trong công tác cán bộ góp phần đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và “tăng cường xiết chặt kỷ luật, kỷ cương”, “tạo chuyển biến tích cực, tạo sức bật mới trong công tác cán bộ”.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn một số hạn chế; đánh giá cán bộ có trường hợp chưa sát; tuyển chọn cán bộ chưa có tính cạnh tranh cao, chưa tạo được động lực để những cán bộ, công chức rèn luyện, phấn đấu trong công tác và chưa có sự đột phá trong việc lựa chọn cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực công tác để bổ nhiệm, dẫn đến tình trạng mất cân đối về các độ tuổi trong đội ngũ cán bộ.
Quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử hiện nay qua các bước lấy ý kiến, thăm dò bằng phiếu tín nhiệm vẫn còn những hạn chế nhất định, có trường hợp đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã mạnh dạn thực hiện đổi mới một số khâu trong quy trình công tác cán bộ nhưng chưa nhiều; chưa có một đề án tổng thể để triển khai thực hiện có hệ thống, toàn diện trong toàn tỉnh.
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Thông báo kết luận số 202-TB/TW ngày 26-5-2015 của Bộ Chính trị; Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16-1-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng; Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 9-5-2017 của Bộ Nội vụ về Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; căn cứ Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 9122020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án đổi mới một số khâu trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, như sau:
![]() |
Phần I
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH
I- Mục đích
1- Thông qua đổi mới một số khâu trong công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để cấp có thẩm quyền phát hiện lựa chọn, bổ nhiệm, bầu cử người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, thực sự am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức, có uy tín, xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm, bầu cử. Tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của tỉnh.
2- Từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại các cơ quan, đơn vị. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, động lực để cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những cán bộ trẻ phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội phát triển.
3- Đánh giá khách quan, dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể và từng cá nhân trong công tác cán bộ. Giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận xét, đánh giá cán bộ kỹ lưỡng, toàn diện hơn, chính xác hơn trước khi thống nhất quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
4- Góp phần hoàn thiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền có thể xảy ra trong việc thực hiện quy trình công tác cán bộ; phát huy sức mạnh của nhiều kênh và nhiều chủ thể tham gia trong công tác cán bộ.
II- Yêu cầu
1- Đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Phát huy vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức chính trị-xã hội.
2- Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ.
3- Phát hiện, thu hút và lựa chọn được người có đức, có tài, có trình độ, năng lực, gắn với điều kiện, tiêu chuẩn từng chức danh lãnh đạo, quản lý.
4- Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
III- Phạm vi điều chỉnh và thời gian thực hiện
1- Phạm vi điều chỉnh
Đề án Đổi mới một số khâu trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, gồm các nội dung:
(1). Khảo sát nhân sự trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử;
(2). Bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thông qua báo cáo chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
(3). Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.
2- Thời gian thực hiện
Đề án Đổi mới một số khâu trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được tiến hành trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Phần II
NỘI DUNG ĐỔI MỚI MỘT SỐ KHÂU TRONG QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, GIỚI THIỆU CÁN BỘ ỨNG CỬ
I- KHẢO SÁT NHÂN SỰ TRƯỚC KHI THỰC HIỆN QUY TRÌNH BỔ NHIỆM, GIỚI THIỆU CÁN BỘ ỨNG CỬ
1- Đối tượng áp dụng
Thực hiện khảo sát nhân sự trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, địa phương có nguồn nhân sự trong quy hoạch tại chỗ nhưng chưa rõ về nhân sự nổi trội hoặc chưa thấy có sự thống nhất, tập trung (trừ các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công, bổ nhiệm lại).
Căn cứ điều kiện thực tế, Thường trực Tỉnh ủy sẽ quyết định khảo sát nhân sự đối với từng trường hợp cụ thể.
2- Quy trình thực hiện khảo sát nhân sự
2.1- Thành lập Tổ Khảo sát nhân sự
Sau khi có đề nghị của tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị về xin chủ trương, số lượng, cơ cấu nhân sự đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Thường trực Tỉnh ủy căn cứ tình hình đội ngũ cán bộ để quyết định thành lập Tổ khảo sát trước khi cho chủ trương thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với từng chức danh cụ thể.
Thành phần Tổ khảo sát nhân sự gồm: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, làm Tổ trưởng; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu về: công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ; giám sát và phản biện trong công tác cán bộ; bí thư cấp ủy cấp huyện, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy (đối với trường hợp nhân sự dự kiến bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử đang công tác, sinh hoạt đảng tại các đảng bộ cấp huyện, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy); Giám đốc Sở Nội vụ (đối với trường hợp nhân sự dự kiến bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong khối chính quyền); thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi có cán bộ dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
Nhiệm vụ của Tổ khảo sát nhân sự: Phối hợp với ban thường vụ cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị để rà soát tình hình đội ngũ cán bộ, tìm hiểu, nắm bắt thông tin, lấy phiếu tín nhiệm, nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, điều kiện, tiêu chuẩn, khả năng đảm nhận vị trí công tác mới... của nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
2.2- Quy trình khảo sát nhân sự
Quy trình khảo sát nhân sự tiến hành theo 6 bước (Phụ lục 1).
II-BỔ NHIỆM, GIỚI THIỆU CÁN BỘ ỨNG CỬ THÔNG QUA BÁO CÁO CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRƯỚC BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
1- Đối tượng áp dụng
Tất cả nhân sự có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử sau khi hoàn thành quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị bổ nhiệm, ứng cử lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phải thực hiện báo cáo chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy để làm cơ sở cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử (không bao gồm nhân sự đại hội, nhân sự bầu cử đầu nhiệm kỳ).
2- Trách nhiệm của tổ chức và nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử
2.1- Ban Tổ chức Tỉnh ủy
- Căn cứ tờ trình của các cơ quan, đơn vị, địa phương về đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với nhân sự cụ thể, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và các điều kiện, tiêu chuẩn, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
- Sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm thông báo cho nhân sự biết kế hoạch báo cáo chương trình hành động của cá nhân trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó, nêu rõ về yêu cầu nội dung, thời gian báo cáo chương trình hành động.
2.2- Trách nhiệm của nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày được thông báo, nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải chuẩn bị chương trình hành động (20 bản) và gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy để gửi cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời hạn 3 ngày trước khi tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe nhân sự báo cáo chương trình hành động.
Chương trình hành động phải nêu được những nội dung sau:
- Đánh giá chức năng, nhiệm vụ của vị trí chức danh dự kiến được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử (thực trạng, phân tích những thuận lợi, khó khăn, những mặt mạnh, những tồn tại, hạn chế; nêu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế).
- Đề ra mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể để góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên trong nhiệm kỳ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử (5 năm).
- Đề xuất kế hoạch, các biện pháp, giải pháp chung và của cá nhân để góp phần thực hiện các mục tiêu đã đề ra, nâng cao hiệu quả hoạt động của vị trí công tác trong thời gian giữ chức vụ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
2.3- Quy trình đánh giá Chương trình hành động
Quy trình đánh giá Chương trình hành động tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện theo 4 bước (Phụ lục 2).
III- THÍ ĐIỂM THI TUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
1- Đối tượng áp dụng
Thực hiện thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với các cơ quan, đơn vị có nhiều nguồn nhân sự, nguồn cán bộ trẻ để bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Căn cứ điều kiện thực thuộc tế, Thường trực Tỉnh ủy sẽ quyết định thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với từng chức danh cụ thể.
2- Đối tượng tham gia thi tuyển
2.1- Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển
(1) Cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, có trong quy hoạch chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.
Đối tượng quy định tại khoản (1) này được quyền không đăng ký tham gia dự tuyển trong các trường hợp sau:
- Đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức hoặc bị ốm đau đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận.
- Đang trong thời gian được cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
- Cán bộ, công chức, viên chức nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản.
Ngoài các trường hợp được quyền không đăng ký tham gia dự tuyển nêu trên, đối tượng tại khoản (1) này nếu không đăng ký dự tuyển thì hằng năm khi rà soát lại danh sách quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền đưa ra khỏi danh sách quy hoạch và không bổ nhiệm.
(2) Cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và có trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, có chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm của chức danh có nhu cầu bổ nhiệm được quyền đăng ký tham gia dự tuyển.
2.2- Đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển
Cán bộ, công chức, viên chức có trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn được Thường trực Tỉnh ủy đề cử và có văn bản gửi đến cơ quan quản lý cán bộ và cá nhân được đề cử.
3- Quyền, nghĩa vụ của người tham gia dự tuyển
(1) Quyền của người tham gia dự tuyển:
- Được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi tuyển thông báo về danh sách những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển, thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển, nội dung thi tuyển.
- Được quyền tiếp cận các tài liệu và thông tin liên quan đến vị trí dự tuyển (trừ những tài liệu mật) để có tư liệu cho việc tham gia thi viết và thi trình bày Đề án.
- Được bổ nhiệm theo quy định ngay sau khi đạt kết quả tuyển chọn được cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn thông qua.
(2) Nghĩa vụ của người tham gia dự tuyển:
- Kê khai hồ sơ trung thực và đúng quy định.
- Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Hội đồng thi tuyển trong quá trình tham gia dự tuyển.
4- Tiêu chuẩn, điều kiện của người tham gia dự tuyển
- Người tham gia dự tuyển phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện tại quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
- Ngoài ra, người tham gia dự tuyển cần đáp ứng đủ các điều kiện:
+ Có đủ tiêu chuẩn chính trị bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định (do cơ quan có thẩm quyền kết luận sau khi nộp hồ sơ);
+ Được cơ quan đang công tác nhận xét, đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian 3 năm gần nhất tính đến năm nộp hồ sơ dự tuyển;
+ Có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực công tác của chức danh thi tuyển;
+ Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật; không trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên; không thuộc đối tượng bị xử lý kỷ luật do tham nhũng hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
+ Đáp ứng các điều kiện khác do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quy định.
Căn cứ vào các văn bản quy định hiện hành, cấp có thẩm quyền sẽ thông báo về điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể trong thông báo và kế hoạch thi tuyển cho từng chức danh cần thi tuyển.
5-Nguyên tắc và quy trình thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý
5.1- Nguyên tắc
- Mỗi chức danh thi tuyển phải có từ 2 (hai) người trở lên tham gia dự tuyển. Trường hợp chỉ có 1 (một) người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì lãnh đạo và cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia dự tuyển.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt danh sách người đủ điều kiện dự tuyển đảm bảo từ 2 (hai) người trở lên dự tuyển vào 1 chức danh nhưng đến thời điểm tổ chức thi tuyển chỉ có 1 (một) người tham gia (các thí sinh khác có đơn hoặc tự ý không tham gia dự tuyển) thì Hội đồng thi tuyển vẫn tổ chức thi tuyển theo kế hoạch.
5.2- Quy trình thi tuyển
Quy trình thi tuyển thực hiện theo 8 bước (Phụ lục 3).
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh thực hiện Đề án này; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thí điểm đổi mới một số khâu trong quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
2- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ cân đối nguồn ngân sách, bố trí kinh phí và hướng dẫn lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
3- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các đảng đoàn, ban cán sự đảng; các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện các chủ trương tại Đề án này ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
4-Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi, hướng dẫn triển khai thực hiện; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy việc triển khai thực hiện Đề án.
5- Các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của Tỉnh ủy, theo chức năng nhiệm vụ của mình tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án.
Trên đây là Đề án Đổi mới một số khâu trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong quá thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
PHỤ LỤC 1
QUY TRÌNH KHẢO SÁT NHÂN SỰ
(kèm theo Đề án số 02-ĐA/TU ngày 12-3-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
Bước 1: Xây dựng phương án khảo sát, đánh giá cán bộ, trình tự thực hiện, phương pháp khảo sát và đánh giá đối với những cán bộ dự kiến được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
Bước 2: Tổ khảo sát nhân sự yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương có nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chuẩn bị báo cáo tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch cán bộ đối với các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại cơ quan, đơn vị. Tiến hành rà soát nguồn nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định trong quy hoạch chức danh dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
Bước 3: Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá cán bộ dự kiến bổ nhiệm thông qua hồ sơ, tài liệu có liên quan. Yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá nhận xét đối với cán bộ dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử về mặt mạnh, tính nổi trội và hạn chế của cán bộ trong quy hoạch dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và đề xuất dự kiến nhân sự giới thiệu.
Bước 4: Tổ khảo sát nhân sự tham gia ý kiến, phân tích cụ thể đối với từng nhân sự trong quy hoạch và nhân sự của cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất giới thiệu.
Bước 5: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo, hội nghị cán bộ chủ chốt cơ quan, đơn vị, địa phương để lấy phiếu tín nhiệm, khảo sát thăm dò tín nhiệm đối với nguồn nhân sự (các đồng chí có trong quy hoạch đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định) dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
Bước 6: Sau khi tổng hợp kết quả phiếu tín nhiệm của các hội nghị. Tổ khảo sát nhân sự tiến hành thảo luận, thống nhất và lấy phiếu kín xin ý kiến của từng thành viên trong Tổ khảo sát nhân sự.
Sau khi hoàn thành 6 bước quy trình khảo sát, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (cơ quan thường trực của Tổ khảo sát nhân sự) tổng hợp kết quả khảo sát nhân sự, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để cho chủ trương về thực hiện hay không thực hiện quy trình nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Nếu kết quả khảo sát kết luận có nhân sự tại chỗ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, tín nhiệm thì tiến hành quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định; nếu không có nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì thực hiện quy trình điểu động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ cơ quan khác đến.
PHỤ LỤC 2
QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TẠI HỘI NGHỊ BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
(kèm theo Đề án số 02-ĐA/TU ngày 12-3-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
Bước 1: Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thẩm định nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
Bước 2: Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử báo cáo Chương trình hành động; đánh giá khả năng trình bày, diễn đạt, thuyết minh Chương trình hành động; thời gian báo cáo Chương trình hành động tối đa không quá 20 phút (trình bày bằng công cụ PowerPoint).
Bước 3: Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu tối đa 3 câu hỏi (về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các văn bản có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác của vị trí, chức danh dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử) để nhân sự trả lời, giải trình liên quan đến nội dung Chương trình hành động.
Nhân sự có thời gian 5 phút để chuẩn bị trả lời các câu hỏi (nếu cần), thời gian trả lời cho mỗi câu hỏi không quá 5 phút. Tổng thời gian đặt câu hỏi và trả lời không quá 30 phút đối với mỗi đồng chí.
Bước 4: Sau khi nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử hoàn thành báo cáo chương trình hành động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận, đánh giá chương trình hành động theo thang điểm 100.
Cơ cấu điểm như sau: Xây dựng Chương trình hành động (bố cục hợp lý, đầy đủ nội dung, hình thức phù hợp): 20 điểm; nội dung Chương trình hành động phù hợp với thực tiễn, mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện mang tính khả thi cao: 30 điểm; trả lời câu hỏi chất vấn đúng nội dung: 30 điểm; phong cách trình bày, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong báo cáo Chương trình hành động và trả lời câu hỏi: 20 điểm.
Chương trình hành động được đánh giá “đạt yêu cầu” nếu điểm trung bình cộng của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ 50 điểm trở lên; dưới 50 là “không đạt yêu cầu”. Trường hợp có đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho tổng số điểm chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 20% trở lên so với điểm trung bình cộng của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì điểm của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy này không được tính và kết quả điểm đánh giá Chương trình hành động là điểm trung bình cộng của các đồng chí còn lại.
Trường hợp Chương trình hành động được đánh giá “không đạt yêu cầu”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ kết luận để nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chuẩn bị hay không chuẩn bị lại Chương trình hành động để báo cáo trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bước 5: Sau khi Chương trình hành động được đánh giá “đạt yêu cầu”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bỏ phiếu kín để quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử hay không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
PHỤ LỤC 3
QUY TRÌNH THI TUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
(kèm theo Đề án số 02-ĐA/TU ngày 12-3-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
Bước 1: Ban hành Kế hoạch thi tuyển
Căn cứ thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương; căn cứ đề xuất của cơ quan có nhu cầu bổ nhiệm hoặc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; xác định rõ số lượng chức danh, vị trí cần tuyển, điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng, hồ sơ, thủ tục, kinh phí, nội dung thi tuyển, thời gian, địa điểm nộp hồ sơ và thời gian thi tuyển.
Bước 2: Thông báo công khai kế hoạch thi tuyển và thu nhận hồ sơ dự tuyển
- Kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý được thông báo công khai trên Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình, Trang Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình và Trang Thông tin điện tử của sở, ngành, đơn vị hoặc địa phương có nhu cầu tuyển chọn.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo công khai kế hoạch thi tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành thu nhận hồ sơ của người dự tuyển.
- Hồ sơ đăng ký dự tuyển thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Đề án này.
Bước 3: Thông báo danh sách đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn thu nhận hồ sơ của người đăng ký dự tuyển, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiểm tra, thẩm định, xét duyệt hồ sơ của người dự tuyển và trình Thường trực Tỉnh ủy quyết định danh sách những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự tuyển, đảm bảo nguyên tắc có số dư (có ít nhất 2 người tham gia dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn).
- Danh sách những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển được thông báo công khai trên Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình, Trang Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình và Trang Thông tin điện tử của sở, ngành, đơn vị có chức danh tuyển chọn; niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Tỉnh ủy và sở, ban, ngành, đơn vị có chức danh tuyển chọn.
Bước 4: Thành lập Hội đồng thi tuyển
(1). Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Hội đồng thi tuyển bao gồm các thành viên sau:
- Chủ tịch Hội đồng thi tuyển là đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy.
- Thư ký Hội đồng thi tuyển là Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
- Các thành viên còn lại của Hội đồng thi tuyển: Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (hoặc 70% số thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia Hội đồng thi tuyển); đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ (đối với cơ quan thuộc khối Chính quyền); Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh thi tuyển.
Khi thi tuyển ở các chức danh có chuyên ngành hẹp, tính chuyên môn cao, có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên ngành, lĩnh vực của chức danh thi tuyển tham gia hội đồng thi tuyển (tùy từng chức danh tuyển chọn nếu thấy cần thiết phải có chuyên gia, nhà khoa học tham gia Hội đồng thi tuyển).
Không cử làm thành viên Hội đồng thi tuyển đối với những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột, cha, mẹ, anh, chị, em của bên vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng của người tham gia dự tuyển và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ cấu tham gia trong Hội đồng thi tuyển nhưng thuộc trường hợp không được cử tham gia Hội đồng thi tuyển theo quy định này thì cử cấp phó của người đứng đầu tham gia.
Hội đồng thi tuyển chỉ làm việc khi có ít nhất 2/3 số lượng thành viên Hội đồng có mặt.
(3) Hội đồng thi tuyển có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Thành lập bộ phận giúp việc, gồm: Ban ra đề thi (để xây dựng ngân hàng đề thi viết và thang điểm của từng đề thi viết cho chức danh dự tuyển); Ban coi thi và Ban phách.
- Tổ chức chấm điểm bài thi viết (người chấm được lựa chọn trong thành phần Hội đồng thi tuyển và do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định về số lượng, thành viên cụ thể) và chấm điểm trình bày Đề án của người dự tuyển (toàn bộ thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm điểm trình bày Đề án); thông báo kết quả thi đến người dự tuyển.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi.
- Hội đồng thi tuyển quyết định kết quả thi tuyển của người dự thi.
Bước 5: Tổ chức thi tuyển
(1) Tổ chức thi viết
- Nội dung thi viết, gồm: Kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định.
- Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn đề thi viết trong ngân hàng đề thi do Ban đề thi chuẩn bị, bảo đảm bí mật đề thi theo chế độ tài liệu tối mật trong suốt quá trình xây dựng ngân hàng đề cho đến khi kết thúc môn thi viết.
- Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chỉ đạo Ban coi thi tổ chức thi viết theo quy định. Thời gian làm bài thi viết là 180 phút. Bài thi viết được chấm theo thang điểm 100 và tính hệ số 1.
- Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thi viết, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn ít nhất 3 thành viên Hội đồng thi tuyển để thực hiện việc chấm bài thi viết. Bài thi viết phải được rọc phách theo quy định trước khi chuyển đến các thành viên chấm thi.
Các thành viên chấm bài thi viết độc lập và gửi kết quả chấm thi cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi thông báo cho người dự tuyển.
- Kết quả điểm bài thi viết là điểm trung bình cộng của các thành viên chấm thi. Người dự tuyển phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi trình bày Đề án. Trường hợp người dự tuyển có kết quả bài thi viết đạt 50 điểm trở lên, nhưng có 2 thành viên chấm điểm bài thi viết dưới 50 điểm thì Thư ký Hội đồng thi tuyển phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi tuyển xem xét, quyết định việc chấm lại đối với bài thi đó.
- Chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày chấm thi viết xong, Hội đồng thi tuyển phải thông báo kết quả chấm bài thi viết đến người dự tuyển. Người dự tuyển được quyền nộp đơn đề nghị phúc khảo trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả chấm thi.
- Chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn ít nhất 3 thành viên khác (không phải những người đã chấm bài thi trước khi phúc khảo) của Hội đồng thi tuyển để thực hiện việc chấm phúc khảo và thông báo kết quả đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo.
Các thành viên Hội đồng thi tuyển chấm phúc khảo bài thi viết độc lập và gửi kết quả chấm phúc khảo cho Thư ký Hội đồng để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi thông báo đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo.
Chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày chấm phúc khảo xong, Hội đồng thi tuyển thông báo kết quả đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo.
- Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả bài thi viết (đã phúc khảo), Hội đồng thi tuyển phải thông báo đến người dự tuyển có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên để tham gia phần thi trình bày Đề án.
(2) Tổ chức phần thi trình bày Đề án
- Người dự tuyển phải xây dựng Đề án thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời gian giữ chức danh lãnh đạo, quản lý khi trúng tuyển, gồm những nội dung sau:
+ Đánh giá thực trạng về tổ chức và hoạt động (trong 3 năm liên tục liền kề với năm tổ chức thi tuyển); phân tích những thuận lợi, khó khăn, những mặt mạnh, những tồn tại, hạn chế của đơn vị tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nêu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.
+ Đề ra mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể phát triển cơ quan, đơn vị trong thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi trúng tuyển theo quy định (5 năm).
+ Đề xuất kế hoạch, các biện pháp, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại đơn vị nếu trúng tuyển.
+ Đưa ra một số tình huống cụ thể trong giải quyết công việc với cương vị là lãnh đạo, quản lý đơn vị nếu trúng tuyển và phương án giải quyết tình huống đó.
- Thành phần tham gia nghe, đánh giá phần thi trình bày Đề án của người dự tuyển gồm:
+ Toàn bộ thành viên Hội đồng thi tuyển.
+ Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt, đại diện các tổ chức đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan sử dụng chức danh tuyển chọn được đăng ký tham dự và chất vấn người dự tuyển.
Chủ tịch Hội đồng thi tuyển điều hành buổi thi trình bày Đề án của người dự tuyển và quyết định việc người dự tuyển phải trả lời các câu hỏi chất vấn của người tham dự, đảm bảo đúng yêu cầu của chức danh tuyển chọn và thời gian trả lời theo quy định.
- Trình tự thi:
+ Bộ phận giúp việc Hội đồng thi tuyển thông báo danh sách Hội đồng thi tuyển, kết quả thẩm định, kết quả thi viết đối với từng đối tượng dự thi.
+ Đối tượng dự thi bốc thăm thứ tự trình bày đề án, trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham gia.
+ Người dự thi trình bày đề án bằng công cụ trình chiếu power point.
+ Sau khi người dự thi trình bày đề án, các thành viên Hội đồng thi tuyển đặt câu hỏi phản biện để người dự thi trả lời. Đối với mỗi người dự thi, mỗi thành viên Hội đồng phải đặt ít nhất từ 1 câu hỏi. Câu hỏi của các thành viên Hội đồng thi tuyển phải liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thi tuyển, góp phần làm rõ nội dung đã trình bày trong Đề án hoặc những câu hỏi chuyên sâu, đánh giá sự hiểu biết, kinh nghiệm, tư duy, giải quyết tình huống của người dự thi. Không nêu những câu hỏi mang tính gợi ý, giải đáp giúp người dự thi hoặc thể hiện quan điểm cá nhân về người dự thi.
+ Chủ tịch Hội đồng thi tuyển điều hành và quyết định việc người dự tuyển phải trả lời câu hỏi chất vấn của những người tham dự, bảo đảm đúng yêu cầu của chức danh tuyển chọn và thời gian trả lời chất vấn của người dự tuyển.
- Thời gian trình bày Đề án của người dự tuyển tối đa 45 phút; thời gian trả lời tất cả các câu hỏi chất vấn của thành viên Hội đồng thi tuyển từ 60 phút đến 90 phút (thời gian trả lời mỗi câu hỏi chất vấn không quá 5 phút).
- Điểm trình bày Đề án được chấm theo thang điểm 100, cơ cấu điểm như sau: Xây dựng Đề án (bố cục hợp lý, đầy đủ nội dung, hình thức phù hợp): 20 điểm; nội dung Đề án đủ cơ sở lý luận, phù hợp với thực tiễn, mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện mang tính khả thi cao: 40 điểm; trả lời câu hỏi chất vấn đúng nội dung, giải quyết tình huống nhanh, phù hợp: 30 điểm; phong cách trình bày, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong trong thời gian trình bày Đề án và trả lời câu hỏi: 10 điểm. Các thành viên chấm điểm phần thi trình bày Đề án của người dự tuyển theo từng phần và gửi kết quả chấm thi (tổng số điểm của cả 4 phần) cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi thông báo cho người dự tuyển.
- Kết quả điểm phần thi trình bày Đề án của người dự tuyển là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm thi. Trường hợp có thành viên Hội đồng thi tuyển cho tổng số điểm chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 20% trở lên so với điểm trung bình cộng của các thành viên chấm thi thì điểm của thành viên này không được chấp nhận và kết quả điểm thi trình bày Đề án là điểm trung bình cộng của các thành viên còn lại.
- Hội đồng thi tuyển phải công bố công khai kết quả phần thi trình bày Đề án của những người dự tuyển ngay sau khi kết thúc thi trình bày Đề án. Không thực hiện phúc khảo đối với kết quả điểm thi trình bày Đề án.
- Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phần thi trình bày Đề án, Hội đồng thi tuyển phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm về kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển.
Bước 6: Xác định người trúng tuyển
- Trên cơ sở kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển được Hội đồng thi tuyển công bố, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn lấy người có số điểm thi trình bày Đề án cao nhất trong số những người đạt 50 điểm trở lên. Trường hợp có nhiều người cùng có kết quả điểm thi trình bày Đề án cao nhất bằng nhau thì lựa chọn người có số điểm bài thi viết cao hơn; trường hợp vẫn bằng điểm nhau thì do Ban Thường vụ Tỉnh ủy bỏ phiếu quyết định lựa chọn.
- Chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thi trình bày Đề án xong, nếu không phát hiện có sai phạm trong quá trình tổ chức tuyển chọn thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định hoặc thông báo bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.
Bước 7: Lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy căn cứ kết quả thi tuyển, hồ sơ cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ, tiến hành đánh giá, lựa chọn xem xét bổ nhiệm có thời hạn vào vị trí chức danh có nhu cầu bổ nhiệm đối với đối tượng dự thi có kết quả thi trình bày đề án cao nhất đạt 50 điểm trở lên.
Căn cứ kết quả thi tuyển, tiêu chuẩn, điều kiện của người dự thi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xem xét quyết định bổ nhiệm cán bộ.
Người có điểm thi cao thứ hai (cũng phải đạt tối thiểu 50 điểm trở lên) được bảo lưu kết quả thi trong vòng 1 năm (12 tháng), kể từ ngày công bố kết quả thi để làm cơ sở cho việc bổ nhiệm chức danh đã đăng ký dự thi khi có nhu cầu hoặc chức danh tương đương có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương đồng.
Bước 8: Giải quyết khiếu nại, tố cáo và lưu trữ hồ sơ
- Trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xem xét, giải quyết trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo (theo dấu bưu điện hoặc dấu “văn bản đến” của văn phòng). Không xem xét giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại nặc danh.
- Tài liệu của kỳ thi gồm: Hồ sơ của người dự thi; Đề án của người dự thi; các văn bản, biên bản quy định về thang điểm, bảng điểm, phiếu chấm điểm; Phiếu chấm điểm của các thành viên Hội đồng thi và Bảng tổng hợp điểm.
- Trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi, Tổ giúp việc có trách nhiệm bàn giao “Tài liệu của kỳ thi” về bộ phận phụ trách công tác cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy để lưu trữ, quản lý. “Tài liệu của kỳ thi” được lưu trữ 2 năm kể từ ngày công bố kết quả thi.
PHỤ LỤC 4
HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN
(kèm theo Đề án số 02-ĐA/TU ngày 12-3-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
Hồ sơ đăng ký dự tuyển bao gồm:
(1) Đơn đăng ký tham gia dự tuyển.
(2) Sơ yếu lý lịch (theo mẫu 2C/TCTW-98) được cơ quan nơi người tham gia dự tuyển đang công tác xác nhận tại thời điểm đăng ký dự tuyển.
(3) Bản sao lý lịch gốc đảng viên.
(4) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh tuyển chọn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của Đảng hoặc của pháp luật.
(5) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật tại thời điểm đăng ký dự tuyển.
(6) Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển.
(7) Bản nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi người tham gia dự tuyển đang công tác. Trường hợp người tham gia dự tuyển (đăng ký tham gia dự tuyển hoặc được đề cử tham gia dự tuyển) từ nơi khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nơi người tham gia dự tuyển đang công tác đồng ý cho người đó tham gia dự tuyển.
(8) Bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú thường xuyên về trách nhiệm công dân của người tham gia dự tuyển và gia đình.
Mỗi thí sinh dự tuyển nộp 2 bộ hồ sơ tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu thi tuyển. Thời gian nhận hồ sơ trong 10 ngày làm việc, kể từ khi công bố kế hoạch thi tuyển trên phương tiện thông tin đại chúng.