(QBĐT) - Những năm qua, trên địa bàn huyện Lệ Thủy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai hiệu quả cả về nội dung và hình thức. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị của địa phương.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội huyện Lệ Thủy đã tập trung tuyên truyền, động viên, cổ vũ sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao Ban Dân vận Huyện ủy làm cơ quan thường trực giúp cấp ủy chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào; phân công trách nhiệm cho cấp ủy viên phụ trách theo từng địa bàn, giao chỉ tiêu xây dựng mô hình "Dân vận khéo" cho các đơn vị...
Mục tiêu của phong trào là hướng mạnh về cơ sở, bám cơ sở. Cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác vận động, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua.
Trong 5 năm, toàn huyện đã đăng ký xây dựng 535 mô hình (tăng 340 mô hình so với năm 2015), gồm các lĩnh vực: kinh tế (154 mô hình), văn hóa-xã hội (202 mô hình), quốc phòng-an ninh (94 mô hình), xây dựng hệ thống chính trị (85 mô hình). Trong đó, huyện đã công nhận 39 mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện, 9 mô hình được công nhận và biểu dương khen thưởng cấp tỉnh.
Các mô hình "Dân vận khéo" đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trên lĩnh vực kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập trên đơn vị diện tích.
Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình "Dân vận khéo" trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả, như: mô hình vườn hộ kiểu mẫu của ông Phạm Duy Bốn ở xã Hoa Thủy, mô hình kinh tế tổng hợp của ông Đỗ Quang Bổng ở xã Liên Thủy, mô hình chuyển đổi đất gò đồi sang trồng cây ăn quả của xã Tân Thủy...
Đặc biệt, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Trong 5 năm qua, người dân Lệ Thủy đã đóng góp trên 77 tỷ đồng, gần 59.000 ngày công, hiến trên 598.000m2 đất các loại…để xây dựng nông thôn mới.
![]() |
Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Đảng bộ xã Tân Thủy đã chỉ đạo bà con xây dựng mô hình “Vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi, mở rộng mô hình phát triển kinh tế vùng gò đồi”. Từ khi triển khai mô hình, nhiều hộ dân đã tự giác cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: cam Vũ Quang, chuối Thái Lan, bưởi da xanh, mít Thái, ổi và nhiều loại cây khác.
Ông Lê Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thủy cho biết: “Việc chuyển đổi đất gò đồi trồng rừng sang trồng các loại cây ăn quả đã giúp cho đời sống của nhiều hộ dân được nâng lên. Hiện xã đang chỉ đạo bà con chăm sóc các loại cây trồng nhằm tạo ra nguồn hàng hóa cũng như xây dựng các sản phẩm đặc thù của địa phương; liên kết với các đơn vị cung ứng tiêu thụ sản phẩm”. Toàn xã đã trồng được gần 4,5ha cam Vũ Quang; 6,2ha dứa; 2ha chuối Thái Lan, hàng chục ha trồng chanh không hạt, táo, thanh long ruột đỏ…, giúp cho nhiều hộ dân có nguồn thu nhập khá.
Phong trào "Dân vận khéo" trên lĩnh vực văn hóa-xã hội ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Chị Phạm Thị Giàu, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, tôi đã tập trung học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn để làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện thực hiện các chế độ, chính sách kịp thời cho cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình xây dựng “Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, bản thân tôi luôn xác định việc hướng dẫn, tiếp nhận, đề xuất giải quyết chế độ cho người có công là nhiệm vụ ưu tiên. Qua đó, tôi đã nỗ lực tiếp đón, giải thích, hướng dẫn cặn kẽ, lễ phép, lịch sử đối với nhân dân”.
Từ năm 2016 đến nay, chị Giàu đã tham mưu cho UBND huyện nhiều tờ trình quan trọng, qua đó, giải quyết chế độ chính sách cho trên 3.300 người là lực lượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và nhiều đối tượng chính sách khác.
Phong trào “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cũng đã được triển khai hiệu quả, nổi bật có các mô hình: "Công tác dân vận trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở", “Xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các xã, thị trấn” của Ủy ban MTTQVN huyện; "Xây dựng cổng trường bảo đảm an toàn giao thông" của Đoàn Thanh niên; “Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện, vì nhân dân phục vụ” tại Phòng Lao động-Thương binh-xã hội, UBND các xã: Hồng Thủy, Xuân Thủy, Trường Thủy…
Theo ông Nguyễn Thanh Đức, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Lệ Thủy, những kết quả đạt được trong phong trào “Dân vận khéo” là nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp quan tâm, phối hợp và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Việc triển khai phong trào “Dân vận khéo” đã gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và được nhân dân đồng tình hưởng ứng… Xuân Vương