Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, kỳ họp thứ 18 (tiếp theo)

  • 10:01, 14/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII được tổ chức vào ngày 8 và 9-12-2020 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Báo Quảng Bình xin đăng tải các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua. Riêng phần phụ lục đính kèm, bạn đọc có thể tải về tại đây.
 
NGHỊ QUYẾT
Về Kế hoạch đầu tư công năm 2021 tỉnh Quảng Bình
(Nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý)
(NQ số 163/NQ-HĐND ngày 9-12-2020)
 
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ XVII
 
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
 
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
 
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019; Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
 
Căn cứ Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;
 
Căn cứ Nghị quyết số 71/2020/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh về ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025;
 
Căn cứ Nghị quyết số 152/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021;
 
Xét Tờ trình số 2169/TTr-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công năm 2021 tỉnh Quảng Bình (nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý); Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
 
QUYẾT NGHỊ:
 
Điều 1.      Thông qua Kế hoạch đầu tư công năm 2021 tỉnh Quảng Bình (Nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý) như sau:
 
Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 nguồn ngân sách tỉnh quản lý là: 1.842.786 triệu đồng. Trong đó:
 
1. Nguồn vốn đầu tư công năm 2021 do tỉnh quản lý, phân bổ là: 907.706 triệu đồng (Bằng chữ: Chín trăm lẻ bảy tỷ, bảy trăm lẻ sáu triệu đồng). Trong đó:
 
- Vốn tập trung trong nước:                                             273.240 triệu đồng
 
- Vốn thu cấp quyền sử dụng đất:                                    591.466 triệu đồng
 
- Vốn xổ số kiến thiết:                                                      43.000 triệu đồng
 
2. Nguồn vốn đầu tư công năm 2021 do các huyện, thị xã, thành phố phân bổ là 935.080 triệu đồng (Bằng chữ: Chín trăm ba mươi lăm tỷ, không trăm tám mươi triệu đồng). Trong đó:
 
- Vốn tập trung trong nước:                                             182.160 triệu đồng
 
- Vốn thu cấp quyền sử dụng đất:                                    752.920 triệu đồng
 
3. Cơ cấu nguồn vốn, phương án phân bổ và danh mục các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2021 tỉnh Quảng Bình (nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý) tại các Phụ lục kèm theo.
 
Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật; giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
 
Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, UBND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh để xem xét, giải quyết và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
 
Điều 3. Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành..
 
Chủ tịch
(Đã ký)
Trần Hải Châu
 
NGHỊ QUYẾT
Phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
 (NQ số 164/NQ-HĐND ngày 9-12-2020)
 
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ 18
 
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
 
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
 
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
 
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định thi hành chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp;
 
Căn cứ Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định thi hành chi tiết một số điều Luật Lâm nghiệp;
 
Xét Tờ trình số 2079/TTr-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Tờ trình số 2200/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp Vĩnh Hưng của Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng;  Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
 
QUYẾT NGHỊ:
 
Điều 1. Phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để thực hiện 05 dự án, với tổng diện tích 658.039,7 m2, trong đó: rừng trồng sản xuất trong quy hoạch 3 loại rừng 109.543,8 m2, rừng trồng sản xuất ngoài quy hoạch 3 loại rừng 548.495,9 m2.
 
Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh triển khai Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật; giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
 
Điều 3. Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
 
Chủ tịch
(Đã ký)
Trần Hải Châu
NGHỊ QUYẾT
Về việc thông qua Đề án phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030
 (NQ số 165/NQ-HĐND ngày 9-12-2020)
 
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 18
 
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
 
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
 
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
 
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
 
Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030;
 
Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7 tháng 3 năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến  2025;
 
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030";
 
Xét Tờ trình số 2018/TTr-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về Đề án phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 -2025 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
 
QUYẾT NGHỊ:
 
Điều 1. Thông qua Đề án phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, gồm các nội dung chính sau:
 
Quan điểm phát triển
 
 Việc phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo quan điểm sau:
 
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035;
 
  - Chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số; coi chuyển đổi số là bắt buộc, mang tính mặc định; chuyển đổi số phải toàn trình, từ đầu đến cuối trong triển khai hoạt động của cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước có năng lực sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định.
 
- Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Cắt giảm thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức từ nền hành chính công “một cửa cố định” đến “một cửa bất kỳ”, mọi lúc, mọi nơi.
 
  - Dữ liệu số là tài nguyên quan trọng, được chia sẻ một cách tối đa trong các cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp một lần đối với một loại dữ liệu khi thực hiện các thủ tục hành chính.
 
- Phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh như là nền tảng, là cơ sở của chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.
 
  - Tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung; phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng mọi nơi.
 
Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển
 
2.1.     Mục tiêu
 
- Ứng dụng rộng rãi Công nghệ thông tin, Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 
- Hoàn thiện việc xây dựng Chính quyền điện tử, xây dựng và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số từ tỉnh đến cơ sở, kết nối liên thông với Trung ương.
 
- Hoàn thành việc triển khai các dịch vụ cơ bản của đô thị thông minh: dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát điều hành an toàn giao thông; dịch vụ an ninh trật tự của đô thị và nông thôn; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ giám sát an toàn thông tin. Từng bước đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ nâng cao của đô thị thông minh, như: Giáo dục, y tế, du lịch, tài nguyên môi trường,...
 
2.2.     Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025
 
-       Trên 80% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung của tỉnh, của các ngành, các lĩnh vực được xây dựng, đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ, kết nối, chia sẽ dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở, kết nối, liên thông với các hệ thống của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương.
 
-       Trên 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng.
 
-       Trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ các hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
 
-       Trên 70% hệ thống tài liệu, dữ liệu được số hóa, được quản lý và lưu trữ điện tử trên môi trường mạng.
 
-       Trên 80% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẽ dữ liệu số trên hệ thống báo cáo cáo của tỉnh.
 
-       Trên 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
 
-       Trên 70% cuộc họp của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 50% cuộc họp cấp xã sử dụng hệ thống phòng họp không giấy.
 
-       Trên 50% cuộc họp từ tỉnh đến huyện được họp trực tuyến; 40% các cuộc họp từ huyện đến xã được họp trực tuyến.
 
-       Internet băng rộng cáp quang, dịch vụ di động 4G được phổ cập rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh; dịch vụ di động 5G được triển khai ở một số khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh.
 
-       80 - 100% dịch vụ cơ bản của đô thị thông minh: phản ánh hiện trường; giám sát điều hành giao thông; an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ giám sát an toàn thông tin được triển khai.
 
-       Trên 30% các sở, ban, ngành, 25% đơn vị cấp huyện và 20% đơn vị cấp xã thực hiện thành công chuyển đổi số.
 
-       Trên 90% cán bộ, công chức, viên chức làm chuyên môn, nghiệp vụ được trang bị máy vi tính; hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỷ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng Chính quyền điện tử.
 
Định hướng phát triển đến năm 2030
 
- Tiếp tục phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; cơ bản hoàn thành việc triển khai xây dựng đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình.
 
- Phổ cập dịch vụ di động 5G; phổ cập cho người dân sử dụng điện thoại thông minh, máy vi tính để thực hiện thủ tục hành chính.
 
4. Nhiệm vụ và giải pháp
 
- Tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyên sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội các văn bản chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước, của tỉnh, đặc biệt: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị (khóa XI); Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 22 tháng 4 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy..., vai trò, hiệu quả của công nghệ thông tin, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, Chính quyền số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
- Tập trung, đẩy mạnh việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, internet ngày càng hiện đại, đồng bộ từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa đảm bảo cho hạ tầng phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.
 
- Tập trung rà soát các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Rà soát xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm đồng bộ, kết nối với các hệ thống của tỉnh.
 
- Rà soát, đánh giá thực trạng từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng nền tảng Chính quyền điện tử, đặc biệt tập trung vào Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh, mạng diện rộng của tỉnh, hệ thống giám sát điều hành đô thị thông minh, hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin, họp trực tuyến, họp không giấy, hạ tầng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương.
 
- Nghiên cứu, đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản, như: Dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ giám sát an toàn thông tin… Từng bước, triển khai các dịch vụ đô thị thông minh nâng cao, như: Giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh…
 
- Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, từng bước lập đề án, dự án triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
 
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính; cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, đảm bảo ứng dụng Chính quyền điện tử phải thường xuyên, liên tục; chú trọng việc trao đổi văn bản trên môi trường mạng, họp trực tuyến, họp không giấy, làm việc từ xa,…
 
- Thường xuyên cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình để phù hợp với Khung kiến trúc Chính quyền điện tử Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử của Quốc gia, của tỉnh Quảng Bình,
 
- Từng bước hoàn thiện, xây dựng các quy định chính sách áp dụng tại địa phương để cụ thể hóa các quy định, chính sách của Quốc gia về phát triển chính phủ số, chuyển đổi số.
 
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về công nghệ thông tin, Chính quyền điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử. Người đứng đầu có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên, thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng Chính quyền điện tử.
 
- Rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, Tổ triển khai Xây dựng Chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.
 
- Ưu tiên bố trí nguồn vốn, kinh phí, tổng hợp tất cả các nguồn lực từ tỉnh đến cơ sở nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, trùng lặp; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin. Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ về giải pháp, phần mềm của các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty.
 
- Lựa chọn, triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh tại địa bàn thành phố Đồng Hới, từ đó đánh giá triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
 
- Nghiên cứu, phát huy những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
 
5. Kinh phí, danh mục dự án, lộ trình thực hiện
 
5.1 Nguồn kinh phí: Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
 
5.2 Danh mục dự án: Có Phụ lục danh mục các dự án kèm theo.
 
5.3 Lộ trình thực hiện
 
-       Từ năm 2021 - 2025: Hoàn thiện việc xây dựng Chính quyền điện tử Quảng Bình, đặc biệt là hạ tầng nền tảng quan trọng; hệ thống thông tin, CSDL, phần mềm dùng chung của tỉnh, của chuyên ngành đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, chia sẽ thông tin từ tỉnh đến cơ sở, kết nối, liên thông với Trung ương. Triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản. Từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
 
Từ năm 2026 - 2030: Hoàn thiện việc xây dựng triển khai các dịch vụ đô thị thông minh nâng cao trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, du lịch, giám sát và cảnh báo môi trường... Đẩy mạnh việc ứng dụng Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh trên tất các lĩnh vực kinh tế - xã hội; xây dựng thành công Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
 
Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Đề án; giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
 
Điều 3. Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVII, kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 09 tháng 12  năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 
Chủ tịch
(Đã ký)
Trần Hải Châu
 
NGHỊ QUYẾT
Quyết định tổng biên chế công chức hành chính trong các cơ quan, tổ chức hành chính và phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 của tỉnh Quảng Bình
 (NQ số 166/NQ-HĐND ngày 9-12-2020)
 
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 18
 
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
 
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
 
Căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức;
 
Căn cứ Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập;
 
Căn cứ Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;
 
Căn cứ Quyết định số 769/QĐ-BNV ngày 12 tháng 10 năm 2020 của Bộ Nội vụ về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước của tỉnh Quảng Bình năm 2021; Công văn số 4606/BNV-TCBC ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ Nội vụ về số lượng người làm việc và hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Quảng Bình năm 2021;
 
Quaxem xét Tờ trình số 2183/TTr-UBND ngày 27tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua nghị quyết quyết định giao tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và phê duyệt tổng số lượng người làm việc năm 2021 của tỉnh Quảng Bình; Báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
 
QUYẾT NGHỊ:
 
Điều 1. Quyết định tổng biên chế công chức hành chính và phê duyệt tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2021 của tỉnh Quảng Bình, cụ thể như sau:
 
1. Tổng biên chế công chức năm 2021 là: 1.736 biên chế, trong đó:
 
- Biên chế giao chính thức:        1.730 biên chế;
 
- Biên chế dự phòng:                06 biên chế;
 
2. Tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập là: 20.801người.      
 
3. Tổng số lượng người làm việc trong các tổ chức Hội cấp tỉnh, cấp huyện có tính chất đặc thù năm 2021 là: 112 người, trong đó:
 
- Cấp tỉnh:                                   80 người;
 
- Cấp huyện:                               32 người.
 
4. Điều chuyển 81 người làm việc và 47 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ) do UBND tỉnh hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp khối Đảng, Mặt trận, Đoàn thể về Tỉnh ủy quản lý theo quy định.
 
Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật; giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, UBND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
 
Điều 3. Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020.
 
Chủ tịch
(Đã ký)
Trần Hải Châu
 
NGHỊ QUYẾT
Về việc hợp nhất thôn của các xã thuộc huyện Minh Hóa và thị xã Ba Đồn
  (NQ số 167/NQ-HĐND ngày 9-12-2020)
 
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ 18
 
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
 
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
 
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
 
Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
 
Căn cứ Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
 
Qua xem xét Tờ trình số 2080/TTr-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hợp nhất thôn của các xã thuộc huyện Minh Hóa và thị xã Ba Đồn; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
 
QUYẾT NGHỊ:
 
Điều 1. Hợp nhất thôn của các xã thuộc huyện Minh Hóa và TX. Ba Đồn như sau:1515
 
1. Huyện Minh Hóa:
 
Xã Hồng Hóa: Hợp nhất thôn Văn Hóa 1 và thôn Văn Hóa 2 thành thôn Văn Hóa.
 
2. Thị xã Ba Đồn:
 
Xã Quảng Minh: Hợp nhất thôn Thái Hòa và thôn Minh Trường thành thôn Trường Thái.
 
Điều 2. Giao UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
 
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020.
 
Chủ tịch
(Đã ký)
Trần Hải Châu

 

tin liên quan

Bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy
Bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy

(QBĐT) - Ngày 13-1, HĐND huyện Lệ Thủy khóa XX tổ chức kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) để bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND huyện.

Sắp xếp, kiện toàn các bộ máy cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị
Sắp xếp, kiện toàn các bộ máy cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị

(QBĐT) - Chiều 13-1, Sở Nội vụ tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tham dự có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương. 

Hướng dẫn tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương
Hướng dẫn tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương
Thông tư áp dụng với các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận,...