(QBĐT) - Trước và sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, cử tri Quảng Bình có 55 kiến nghị gửi tới các cơ quan Trung ương. Hiện nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã nhận được 31 văn bản giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan Trung ương đối với 52/55 kiến nghị cử tri do Đoàn tổng hợp gửi Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 3 ý kiến vẫn chưa được trả lời.
Sau đây là phần tổng hợp ý kiến trả lời của một số kiến nghị gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch-Đầu tư đối với các vấn đề liên quan tới lĩnh vực chủ quyền biển đảo và ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Kiên quyết, kiên trì bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong vấn đề Biển Đông
Trước kỳ họp thứ 9, cử tri gửi gắm kiến nghị tới Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia, bảo vệ ngư dân; vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ sự chính nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Nhân dân ta; sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực.
Ngày 19-8-2020, Bộ Ngoại giao đã có công văn số 2812/BNG-VP gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, trong đó nêu rõ: công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia trên biển luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính sách đối ngoại. Về công tác đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trước diễn biến phức tạp, khó lường trên biển Đông hiện nay, nước ta vẫn kiên quyết, kiên trì bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong vấn đề biển Đông, triển khai đồng bộ các biện pháp trên nhiều mặt chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, pháp lý và đấu tranh trên nhiều diễn đàn để bảo vệ vững chắc vùng biển của Việt Nam.
Điển hình, Việt Nam đã tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị với các nước có liên quan, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực, quốc tế nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề tồn đọng trên biển. Đồng thời, chúng ta đã thúc đẩy đàm phán phân định biển với các nước láng giềng nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực thi và bảo vệ quyền lợi biển hợp pháp; mở rộng hợp tác quốc tế về biển nhằm tạo điều kiện cho ngư dân ta có thể đánh bắt cá hợp pháp tại vùng biển của các nước phù hợp luật pháp quốc tế và sở tại; kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia ở biển Đông.
Bộ Ngoại giao cũng trả lời đối với ý kiến cử tri về việc cử tri và Nhân dân hết sức bất bình, phẫn nộ trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá trái luật pháp quốc tế thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sử dụng tàu lớn xua đuổi, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam; bắt giữ ngư dân Việt Nam trái phép; phá tài sản, ngư cụ, cướp sản phẩm đánh bắt của ngư dân Việt Nam…
Theo đó, đối với với các diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông trong thời gian qua, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam đã chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ, có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng các phương án ứng phó một cách toàn diện trên thực địa để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Về chính trị, ngoại giao, chúng ta tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong và ngoài nước, thể hiện thái độ có trách nhiệm, tích cực, luôn nỗ lực cùng các bên liên quan thúc đẩy hợp tác về an toàn biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường…, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không, cùng các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982…
Về dư luận, ta thông tin một cách khách quan về các diễn biến trên biểnvà mong muốn của Việt Nam về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực biển Đông, về chủ trương giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, phù hợp luật pháp quốc tế. Các thông tin của ta đã thu hút được sự quan tâm và ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, nhiều nước, tổ chức quốc tế đã lên tiếng về tình hình biển Đông, về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và bảo vệ trật tự trên biển.
Đối với trong nước, việc thông tin khách quan, kịp thời cũng giúp củng cố sự đồng thuận xã hội, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố sức mạnh của đất nước trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Một số cử tri đại diện các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch, dịch vụ vận tải và doanh nghiệp bị mất thị trường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... mong muốn các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản suất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 5298/BBKHĐT-TH, ngày 14-8-2020 trong đó nhấn mạnh: để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã triển khai hỗ trợ bằng nhiều biện pháp, như: yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách về bảo hiểm xã hội, công đoàn hỗ trợ người lao động.
Bên cạnh đó, các cơ quan Trung ương và địa phương đang tích cực triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTG, ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ trong việc tham mưu Chính phủ ban hành nhiều nghị định, nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… Cụ thể, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 84/NQ-CP, ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Nghị quyết 116/2020/QH14, ngày 19-6-2020 của Quốc hội về việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020…
Tuy vậy, Bộ cũng ghi nhận theo khảo sát và phản ánh từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp thì số doanh nghiệp được hỗ trợ từ chính sách là chưa nhiều. Chính vì thế, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương để đánh giá tình hình và hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Siết chặt quản lý các thiết bị y tế để tránh trục lợi do dịch bệnh
Cử tri bày tỏ sự bức xúc trước vụ việc một số cá nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội “bắt tay” doanh nghiệp trục lợi thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và mong muốn các cơ quan chức năng liên quan tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác mua sắm thiết bị y tế cũng như mua sắm đầu tư công của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.
Đối với ý kiến này, Bộ Y tế trả lời tại công văn số 4458, ngày 21-8-2020. Cụ thể, Bộ khẳng định để ứng phó với hiện tượng một số cá nhân và doanh nghiệp lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương để tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như vi phạm về giá, về chất lượng hàng hóa, cũng như các hành vi găm hàng, tăng giá. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện tốt đạo đức kinh doanh, phát hiện, tố cáo người vi phạm.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có văn bản số 3339/VPCT-V.I, ngày 27-4-2020 yêu cầu rà soát, thanh tra mua sắm các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; ban hành các văn bản thẩm định, thanh tra các gói thầu cung cấp, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng dịch Covid-19; công khai kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế từ đầu năm 2020 đối với các đơn vị trực thuộc Bộ y tế trên trang web congkhaiketquadauthau.moh.gov.vn.
Bộ cũng đã đẩy mạnh các biện pháp minh bạch thông tin, công khai giá trang thiết bị y tế, làm việc với Tổng Cục Hải quan để trao đổi về phương án công khai giá nhập khẩu trang thiết bị y tế. Ngoài ra, Bộ còn làm việc với các hãng sản xuất trang thiết bị y tế lớn, như: Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC), Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội trang thiết bị y tế Hoa Kỳ (Avamed) để trao đổi phương án quản lý, công khai, công bố giá trang thiết bị y tế tại Việt Nam…
Sau khi nhận thông tin vi phạm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Bộ đã có công văn gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện thuộc Bộ, các cơ sở y tế tư nhân để rà soát, yêu cầu báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR của đơn vị từ ngày 1-10-2019. Kết quả rà soát cho thấy, 68 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và 20 đơn vị thuộc hệ dự phòng (các viện và Trung tâm nghiên cứu không có đơn vị nào mua sắm hệ thống Real-time PCR), 18/63 tỉnh, thành phố có mua loại máy trên đang được Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính tiến hành xem xét, thẩm định lại giá cả…
Diệu Linh
(tổng hợp)