(QBĐT) - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, cấp ủy các cấp huyện Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên và vai trò làm chủ của nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, huyện Quảng Ninh có 10/14 xã đạt chuẩn NTM; tổng số tiêu chí của 14 xã là 237 tiêu chí, trung bình đạt 16,9 tiêu chí/xã, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 39,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,04%. Các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được cải thiện; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét; dân chủ cơ sở được nâng cao.
Bên cạnh đó, huyện Quảng Ninh đã triển khai xây dựng điểm khu dân cư nông thôn mới tại thôn Lộc Long (xã Xuân Ninh) và 5 vườn mẫu tại các xã. Đến nay, các khu dân cư NTM và vườn mẫu đã đăng ký đều có quyết định công nhận đạt chuẩn.
Những kết quả trên chính là sự ghi nhận cho nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng lòng của người dân huyện Quảng Ninh trong quá trình xây dựng NTM.
Đồng chí Hoàng Xuân Tân, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết: "Xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chương trình phát triển kinh tế-xã hội tổng thể, toàn diện và lâu dài, do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện Quảng Ninh chủ trương cần sự tập trung cao độ và sự kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị; đề cao vai trò của tổ chức đảng và tinh thần tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Trên tinh thần bám sát Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, đề án xây dựng NTM, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết ở cấp mình".
Thực tế triển khai cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên thì nơi đó có sự chuyển biến rõ nét. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện chương trình, huyện Quảng Ninh ưu tiên công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Huyện Quảng Ninh cũng đã tìm nhiều hướng đột phá, trong đó, có việc huy động sức dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi xây dựng NTM. Nhờ vậy, trong 10 năm triển khai, huyện Quảng Ninh đã huy động trong nhân dân 70.578 triệu đồng, bao gồm cả tiền mặt, ngày công lao động và hiến đất, tài sản…
![]() |
Tân Ninh là xã duy nhất được huyện Quảng Ninh chọn cán đích NTM trong năm 2019. Trên tinh thần tiếp thu Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng NTM, Đảng ủy xã Tân Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn xã đều đồng thuận, quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của địa phương về xây dựng NTM.
Song song với việc đánh giá hiện trạng để làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM, Đảng ủy xã Tân Ninh nhận thức rõ, muốn xây dựng thành công NTM phải thực hiện tốt dân chủ cơ sở, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để từ đó khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân, vai trò chủ thể của nhân dân trong tham gia thực hiện chương trình. Nhờ đó, quá trình xây dựng các công trình thiết yếu cần nguồn vốn đầu tư và thời gian thực hiện, như: công trình trường mầm non, nhà văn hóa, sân vận động của xã, nhà văn hóa thôn Hòa Bình, Nguyệt Áng và bê tông hóa đường giao thông các xóm, thôn…, đều nhận được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân; hầu hết các tiêu chí đều hoàn thành sớm so với mặt bằng chung của tỉnh.
Với đặc thù của một huyện thuần nông có 108.394ha đất sản xuất nông nghiệp, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của huyện Quảng Ninh là xây dựng NTM không chỉ tập trung cơ sở vật chất khang trang, bộ mặt nông thôn được đổi mới mà quan trọng hơn phải nâng cao đời sống của người dân. Với tinh thần đó, huyện Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên cơ sở các sản phẩm thế mạnh của địa phương, huyện Quảng Ninh đã lựa chọn danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm (OCOP) để có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ. Cùng với việc phát triển các chuỗi giá trị, huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng ưu tiên chính sách hỗ trợ giống cây trồng cho 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn; thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu giảm nghèo, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn...
Theo kế hoạch, trong năm 2020, huyện Quảng Ninh phấn đấu có thêm xã Hải Ninh và An Ninh đạt 19/19 tiêu chí; đến cuối năm 2020, toàn huyện có tổng số tiêu chí đạt chuẩn là 250 tiêu chí; xây dựng thêm 2-3 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 10 vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn.
“Do đó, huyện chủ trương nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án với nguồn vốn thuộc chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng thiết yếu; tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững”, đồng chí Hoàng Xuân Tân, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết thêm.
Thanh Hải