(QBĐT) -Trở về từ chiến trường B và Cam-pu-chia ác liệt, cựu chiến binh (CCB) Hà Văn Thanh (sinh năm 1953, ở thôn Bắc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch) phải mất gần một năm trời chiến đấu với bệnh tật để giành lấy sự sống. Khi tạm thời bình phục, dù thân thể mang nhiều vết thương, mất sức lao động đến 61%, ông Thanh không chọn cách nghỉ ngơi mà tiếp tục tham gia vào “mặt trận” mới để đồng hành cùng bà con trên quê hương chiến thắng đói nghèo.
Ký ức người lính
Chúng tôi về thôn Bắc, xã Vạn Trạch trong ngày nắng tháng tư, tìm gặp người CCB, bệnh binh có thâm niên trên 30 năm “chuyên nghiệp” làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đó cũng là lời của Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch Nguyễn Hải Lương khi nhắc đến CCB Hà Văn Thanh với sự gần gũi, trân trọng và quý mến.
Trong ngôi nhà nhỏ khiêm nhường có mảnh vườn rộng với đủ loại cây trái, người cựu binh lạc quan, vui vẻ chuyện trò. Ông có dịp trở về với những ký ức người lính năm xưa. CCB Hà Văn Thanh kể: “Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó xã Vạn Trạch, học hết cấp 2 trường làng, tháng 8-1971, tôi được vào bộ đội, biên chế vào Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5, ở chiến trường B Quảng Nam-Đà Nẵng”.
![]() |
Mùa xuân 1975, sau khi tham gia trận đánh giải phóng thành phố Đà Nẵng, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Sư đoàn 2 được điều động tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và sang chiến trường Cam-pu-chia làm nghĩa vụ quốc tế. Lúc bấy giờ, người lính trẻ Hà Văn Thanh cũng có mặt trong đội hình của Sư đoàn 2 anh hùng. Năm 1979, trong một trận đánh, ông bị thương nặng, được chuyển về Viện 175 thành phố Hồ Chí Minh để điều trị, sau đó chuyển ra Viện 5 Ninh Bình, rồi về Đoàn 200 để an dưỡng.
Cuối năm 1979, rời quân ngũ khi trên cơ thể còn 6 mảnh đạn, trong hành trang người lính mà ông Thanh mang về chỉ vẻn vẹn giấy chứng nhận thương tật, mất sức lao động 61% và chế độ bệnh binh… “Cứ tưởng không còn có thể làm gì được nữa, nhưng khi trở về với gia đình, quê hương, cảnh làng mạc thôn xóm tiêu điều, nghèo khổ, tôi không thể cứ ngồi yên”, ông Thanh nhớ lại.
Hành trình 30 năm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn
Vào câu chuyện về thôn xóm, về quá trình 30 năm “vác tù và hàng tổng”, ông Thanh vắn tắt rành mạch: “Sau khi trải qua các nhiệm vụ: thư ký đội sản xuất, kế toán hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, đội trưởng... đến năm 1990, tôi đảm nhận chức vụ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bắc. Lúc ấy, thôn có 12 đảng viên, phần lớn bộ đội chuyển về, nhiều đồng chí nay đã mất. Trải qua chừng ấy thời gian, Chi bộ thôn Bắc kết nạp được 15 đảng viên mới, đào tạo bồi dưỡng được 3 đảng viên lên công tác tại xã. Chi bộ bây giờ có 35 đảng viên. Toàn thôn hiện có 175 hộ, 630 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, một số ngành nghề nông thôn và xuất khẩu lao động”.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hà Văn Thanh khẳng định, dù khó khăn, trở ngại đến mấy, nhưng khi đội ngũ cán bộ thôn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: "...Việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được" thì tất cả mọi phong trào đều đi đến thành công.
Ông cho hay, trên cương vị Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn suốt cả quá trình dài ở thôn Bắc, bắt đầu một việc nhỏ hay to, đồng thời với việc tìm hiểu, khảo sát thực tế, phối hợp với các tổ chức đoàn thể cử ban giám sát ở thôn xong, ông đều đem ra dân bàn bạc và thống nhất, mọi việc trở nên suôn sẻ, không hề có một lời ra, tiếng vào.
Thôn Bắc cứ như thế tiến dần lên, từ một thôn nghèo, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, người dân thu nhập thấp, nhưng nay, bộ mặt nông thôn mới khang trang. Nhân dân thôn Bắc đồng lòng đóng góp kinh phí xây dựng, hoàn thiện cứng hóa 100% đường làng, ngõ xóm. 100% tuyến đường có điện chiếu sáng cũng nhờ vào sức dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao, sân chơi cho trẻ đều được xây dựng, bảo đảm sinh hoạt cho bà con trong thôn…
Giữa cái nắng tháng tư, ông Thanh dẫn chúng tôi dạo quanh thăm xóm làng rất đỗi khang trang và đồng lúa trĩu hạt đang giai đoạn sắp thu hoạch báo hiệu một vụ mùa bội thu. Ông tự hào: “Đời sống người dân nơi đây đã tương đối đồng đều, an ninh, trật tự được giữ vững, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm thắt chặt. Việc hiếu, hỷ được bà con quan tâm lo lắng chu đáo. Điều mừng là thu nhập của người dân trong thôn tăng hàng năm, đến nay, trung bình khoảng 54 triệu đồng/người/năm, thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. 21 năm liên tục (kể từ năm 1991) thôn Bắc được công nhận thôn văn hóa”.
![]() |
Trên 30 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, bao chuyện vui, buồn ông Thanh đều nhớ mồn một. Để dẫn dắt các phong trào thi đua trong thôn, bản thân ông Thanh đều gương mẫu đi đầu. Ông bảo rằng ông cũng là nông dân chính hiệu. Về sản xuất, phát triển kinh tế, gia đình ông cũng có 8 sào lúa nước, đào ao thả cá và quanh vườn nhà trồng nhiều loại hoa màu, cây trái, như: tiêu, mít, ổi, ngô...
"Ra đồng thăm lúa là thói quen hàng ngày không thể thiếu của tôi. Nhờ đó, mà khi phát hiện vấn đề về sâu bệnh, chuột bọ hại lúa, hay khi ruộng hạn, lúc thừa nước, có chỗ này trũng, nơi kia vỡ mương... thì cùng bà con có hướng xử lý kịp thời. Mỗi mùa gặt hái thành công, hay lỡ không may thất bát, chúng tôi luôn vui buồn cùng nhau.", ông Thanh chia sẻ.
Thôn Bắc đổi mới hôm nay là kết quả của sự đồng lòng, đồng sức của tập thể lãnh đạo thôn, ý thức đoàn kết vươn lên của người dân, trong đó có sự đóng góp công sức không nhỏ từ người Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn tận tâm tận lực, không nề hà bất cứ công việc khó khăn nào. Tuy nhiên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hà Văn Thanh vẫn luôn thầm cảm ơn bà con đã đồng hành, sẻ chia từ những ngày đầu gian khó để cùng vun đắp, xây dựng và giữ gìn làng văn hóa thôn Bắc ngày càng thêm đẹp, ấm áp nghĩa tình. “Không có bà con đồng sức, đồng lòng và tin yêu thì tôi cùng khó để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thanh khẳng định.
“Khi còn sức khỏe, còn trồng được lúa, chăm sóc được hoa màu cây trái, thì tôi còn đồng hành cùng bà con nơi đây. Bởi bà con đã đặt niềm tin thì dù tôi xin nghỉ cũng khó thành”, ông Thanh chia sẻ thêm. Ở tuổi gần thất thập, ngoài nhiệm vụ do Đảng, chính quyền, nhân dân giao phó, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bắc Hà Văn Thanh còn có một gia đình êm ấm hạnh phúc bên người vợ hiền cùng các con trưởng thành, yên bề gia thất.
Hương Trà