Phong Nha - Thị trấn trẻ bên dòng Son

  • 07:01, 30/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sự kiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết thành lập thị trấn Phong Nha trên cơ sở nguyên trạng của xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) kể từ ngày 1-2-2020 đã khẳng định tên gọi của một vùng đất với nhiều địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng, hội đủ các yếu tố “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” đang ngày càng phát triển, vững bước đi lên.
 
Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ nhấn mạnh: “Thị trấn Phong Nha được thành lập đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội,  phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, phát triển đô thị của địa phương; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo động lực cho việc phát triển kinh tế-xã hội của huyện Bố Trạch nói riêng và khu vực phía Tây tỉnh Quảng Bình nói chung. Việc thành lập thị trấn cũng vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng và lòng mong mỏi của nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Sự ra đời của một bộ máy chính quyền đô thị quy mô thị trấn sẽ giải quyết tốt những yêu cầu của phát triển về quản lý đô thị, như: quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, giấy phép kinh doanh; đặc biệt là quản lý quy hoạch, sử dụng tài nguyên đất, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như: giao thông, điện, nước, công trình văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ và quản lý khách tham quan, du lịch…”. 
 Một góc Phong Nha hôm nay.
Một góc Phong Nha hôm nay.
Thị trấn Phong Nha nằm phía Tây Bắc của huyện Bố Trạch, là trung tâm tiểu vùng của các xã vùng gò đồi, miền núi của huyện. Thị trấn có diện tích tự nhiên 99,84 km2, với 3.097 hộ, 12.475 người dân, sinh sống ở 9 thôn và 1 bản đồng bào Vân Kiều.
 
Thị trấn Phong Nha có bề dày lịch sử với gần 470 năm hình thành và phát triển. Dân cư thị trấn sống tập trung dọc hai bên bờ sông Son. Người dân thị trấn tuy là cư dân đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng trải qua mấy trăm năm sinh sống quần tụ, đã đồng nhất từ phong tục tập quán đến ngôn ngữ, hình thành nhiều nét văn hóa đặc trưng. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, người dân nơi đây cần cù lam lũ với nghề nông (trồng lúa), kết hợp nghề rừng. Đầu thế kỷ XX, cùng với chính sách khai thác thuộc địa, thực dân Pháp tiến hành du nhập đạo Thiên chúa vào nước ta. Thị trấn Phong Nha hiện có 39% dân số là giáo dân, sinh hoạt tại giáo xứ, giáo họ và giáo điểm trên địa bàn.
 
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mỗi làng ở Phong Nha đều có đình, chùa…, tuy nhiên, sau này bị chiến tranh tàn phá.
Với các dịch vụ độc đáo, Phong Nha thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến thăm.
Với các dịch vụ độc đáo, Phong Nha thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến thăm.
Phong Nha ngày nay không ngừng phát triển. Đặc biệt, nơi đây có Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Địa bàn Phong Nha cũng là đầu mối giao thông quan trọng của tuyến đường 20 lịch sử, cửa khẩu Cà Roòng-Noọng Ma, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây, Quốc lộ 15A. Đây là những điều kiện thuận lợi để thị trấn Phong Nha mở rộng quan hệ kinh tế và giao lưu với các vùng trong huyện, trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.
 
Là trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, do vậy, việc phát triển đô thị Phong Nha là phù hợp với quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Từ đó, tạo thành một hệ thống liên hoàn các thị trấn trong vùng, thuận lợi cho công tác quản lý đô thị của chính quyền thị trấn và huyện Bố Trạch; đồng thời, thu hút mạnh các nguồn đầu tư về vốn, nguồn nhân lực cho sự phát triển một vùng du lịch hấp dẫn, là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện và tỉnh hiện tại và trong tương lai.
 
Thị trấn Phong Nha cũng được xác định là địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh. Do đó, việc tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh bảo đảm thế liên hoàn trên các tuyến là hết sức cần thiết.
 
Thực tế cho thấy, những năm qua, kinh tế-xã hội trên địa bàn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh… Người dân phát triển ngành nghề truyền thống, như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.
Dịch vụ vận tải hành khách vào tham quan động Phong Nha bằng thuyền mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dịch vụ vận tải hành khách vào tham quan động Phong Nha bằng thuyền mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình có mô hình nuôi cá lồng gắn với dịch vụ du lịch ngày càng phát triển. Hiện toàn thị trấn có 362 hộ nuôi cá trắm cỏ với 690 lồng, 8 hộ nuôi cá chình với 16 lồng và 58 hộ nuôi cá hồ với 74 ao, hồ, đập. Đặc biệt, người dân còn tham gia các hoạt động dịch vụ mua bán và vận tải hành khách vào tham quan động Phong Nha bằng thuyền đạt hiệu quả cao; bình quân đạt 110-115 chuyến/thuyền/năm, năm sau tăng hơn so với năm trước, thu về cho người dân từ 39,6-41,5 triệu đồng/năm/thuyền. Các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn phát triển. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn có 111 cơ sở nhà nghỉ với 1.053 phòng, 2.151 giường và 46 homestay phục vụ nhu cầu cho du khách khi đến với Phong Nha. Năm 2019, Phong Nha đón 586 nghìn lượt khách du lịch (trong đó có gần 60 nghìn lượt khách quốc tế), tăng 12 % so với cùng kỳ...
 
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Phong Nha đạt 46 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,15%. Kinh tế phát triển, văn hóa-xã hội cũng được chú trọng. Hiện, Phong Nha có 3 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 2.300 hộ gia đình văn hóa; có 3 trường học đạt chuẩn quốc gia.
 
Dẫu phía trước vẫn còn đó những khó khăn, thách thức, nhưng với tiềm năng, thế mạnh và bề dày truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phong Nha sẽ tiếp tục dựng xây thị trấn thành trung tâm du lịch ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh và mến khách, trở thành điểm đến của mọi du khách khắp năm châu.
 
                                                                                          Hương Trà

tin liên quan

90 năm Đảng ươm mùa Xuân cho dân tộc
90 năm Đảng ươm mùa Xuân cho dân tộc

(QBĐT) - Mùa Xuân Canh Tý 2020, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vô cùng tự hào, phấn khởi kỷ niệm tròn 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930-3-2-2020). Từ mùa xuân 1930, "ý Đảng, lòng dân" trở thành vũ khí "bách chiến bách thắng", sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lý tưởng sáng ngời "không có gì quý hơn độc lập tự do", đem lại mùa xuân bất tận cho dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đạo đức cách mạng của người đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đạo đức cách mạng của người đảng viên
Trong rất nhiều bài nói, bài viết, Bác đã chỉ ra những tiêu chuẩn của người đảng viên và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên coi rèn luyện đạo đức cách mạng là nhu cầu nội tại, thường xuyên và liên tục.
 
''Giấc mơ Việt Nam hùng cường và thịnh vượng sẽ thành hiện thực''
''Giấc mơ Việt Nam hùng cường và thịnh vượng sẽ thành hiện thực''
Trong chia sẻ với phóng viên TTXVN trước thềm Xuân Canh Tý, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu cảm nhận rằng "vận nước của chúng ta đang lên"