Đại biểu Quốc hội: Giảm bớt thủ tục để đẩy nhanh các dự án đầu tư công

  • 04:10, 30/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết việc giải ngân chậm sẽ làm cho các công trình, dự án bị ứ đọng nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vay của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

(Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có chia sẻ xung quanh việc giải ngân các dự án đầu tư công.

- Chính phủ vừa đưa ra một nghị quyết riêng để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông đánh giá thế nào về vấn đề này trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Thực trạng giải ngân đầu tư công không phải năm 2019 mà rất nhiều năm trước đều chậm. Từ đầu năm đến nay, theo đánh giá của Chính phủ mới giải ngân được 49%, thậm chí có một số dự án mới giải ngân được 19% đến 20%. Đây là điều cản trở đến việc phát triển kinh tế xã hội và nhiều công trình, dự án không thực hiện đúng thời hạn.

>> Họp Quốc hội: Phân tích bức tranh kinh tế-xã hội tổng quan năm 2019

Nguyên nhân được Chính phủ đưa ra là do nguồn vốn phân chậm và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, bản thân tôi nghiên cứu nhiều năm và nhiều lần có ý kiến về vấn đề này đó là các công trình, dự án khi muốn triển khai thực thi, đặc biệt là các dự án vốn nước ngoài có nhiều thủ tục, dự án nhanh có thể từ 1-2 năm, tuy nhiên có những dự án đến tận 3 năm.

Bên cạnh đó, trong tất cả các dự án khi thực thi lại có những bất ngờ xảy ra mà trong quy hoạch không nêu, muốn điều chỉnh phải bổ sung nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian và thường là từ 6 tháng đến 1 năm hoặc có thể kéo dài hơn.

Một nguyên nhân nữa là hiện nay nhiều văn bản pháp luật, nhiều nghị định chưa đồng nhất với nhau cho nên dẫn đến tình trạng "chỗ này" đồng ý, "chỗ kia" lại vướng mắc. Chính vì thế mà các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm lại không dám quyết.

Trước kia, tất cả các cơ quan chức tại các tỉnh dám làm dám chịu trách nhiệm nhưng gần đây đã giảm đi vì lo ngại nếu các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện có thể sẽ bị truy tố.

Đặc biệt, một số văn bản và nghị định lấy ý kiến quá nhiều ngành. Ví dụ, một công trình khi triển khai ở tỉnh thì từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh lại phải lấy ý kiến tất cả các ngành, sau đó mới tìm ra cơ quan chủ quản. Khi xác định được, Bộ chủ quản sẽ trình lên Chính phủ, Chính phủ lại phải lấy ý kiến của tất cả các bộ, ngành rồi mới ra quyết định.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân vẫn còn gây khó dễ cho các doanh nghiệp và các dự án. Một dự án đã triển khai rồi nhưng đến một cá nhân nào đấy nhiều khi yêu cầu phải sửa đổi mà không chỉ sửa một lần mà rất nhiều lần.

- Vậy theo ông, việc giải ngân đầu tư công chậm có tác động thế nào đến nền kinh tế?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Việc giải ngân chậm tác động nhiều đến nền kinh tế. Cụ thể sẽ làm cho các công trình, dự án thực hiện chậm dẫn đến nguồn vốn bị ứ đọng, đặc biệt là các doanh nghiệp vay của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu giải ngân đúng hạn thì công trình, dự án được đưa vào sớm và nguồn thu ngân sách nhà nước cũng tăng.

Điển hình là dự án đường sắt cao tốc hiện nay đang rất chậm vừa làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, lợi ích của của doanh nghiệp và đặc biệt ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Chính phủ cũng như với các bộ, ngành.

Ngoài các dự án về cơ sở hạ tầng thì một số dự án ở các bệnh viện, trường học cũng đang rất chậm...

 - Vậy theo ông giải pháp nào có thể gắn chặt hơn hoặc phải quy trách nhiệm nhiều hơn đến các bộ, ngành?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Theo tôi, phải giảm bớt các thủ tục trong quy trình thực hiện các dự án. Thống nhất điều chỉnh tất cả các luật, nghị định để có sự điều hành thống nhất, tránh gây cản trở trong công việc.

Điều quan trọng là trong quá trình thực hiện yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng và từng cá nhân từng bộ phận, từng phòng ban không gây khó dễ, phải tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp tiến hành dự án.

- Xin cảm ơn ông!

Theo P.V (Vietnam+)

tin liên quan

Họp Quốc hội: Phân tích bức tranh kinh tế-xã hội tổng quan năm 2019
Họp Quốc hội: Phân tích bức tranh kinh tế-xã hội tổng quan năm 2019

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận tới nền kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn có một năm thành công.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tích cực đóng góp ý kiến
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tích cực đóng góp ý kiến

(QBĐT) - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã chính thức bước vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV từ ngày 21-10-2019.

Người luôn trăn trở với công tác Mặt trận ở cơ sở
Người luôn trăn trở với công tác Mặt trận ở cơ sở

(QBĐT) - Có dịp đi cùng chị Trần Thị Hải Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) xuống cơ sở, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về công việc của người làm công tác Mặt trận.