Nỗ lực thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

  • 10:07, 27/07/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Qua 5 năm (2013-2017) thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (NCCVCM), các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách về người có công với cách mạng, bảo đảm thực hiện hiệu quả, kịp thời và đúng quy định. Đặc biệt, Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với sự chung tay hưởng ứng tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Trong những năm qua, Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM đã được bổ sung, sửa đổi nhiều chế độ ưu đãi đối với người có công nhằm phù hợp với thời kỳ lịch sử cách mạng mới. 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn xác định công tác thương binh - liệt sỹ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương tri ân tại các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc (Bố Trạch).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương tri ân tại các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc (Bố Trạch).

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã công nhận và giải quyết cho trên 150.000 hồ sơ NCCVCM hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công, chiếm khoảng 17% dân số (riêng từ năm 2013-2017 đã xác nhận trên 5.500 người có công).

Trong đó, hơn 13.500 liệt sỹ; trên 100.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương; khoảng 1.000 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa; trên 6.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; khoảng 20.000 thương binh, bệnh binh; 2.000 người có công giúp đỡ cách mạng và gần 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày...

Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có trên 1.200 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, hiện 29 mẹ còn sống. Cùng với công tác giải quyết mới các trường hợp thụ hưởng ưu đãi người có công, tỉnh chủ động phối hợp với các ngành liên quan rà soát hồ sơ đề nghị xác nhận là người có công còn tồn đọng.

Qua công tác kiểm tra, rà soát, Ban chỉ đạo xác định có 61/270 hồ sơ đủ điều kiện trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) với 57 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách như thương binh và 4 hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sỹ.

Cùng với việc chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng theo quy định, tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện chính sách phụ cấp, ưu đãi về bảo hiểm y tế, tuyển sinh, giáo dục - đào tạo, miễn giảm thuế, về đất ở, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ cây, con giống trong chuyển đổi vật nuôi, cây trồng... cho người có công một cách hiệu quả.

Cụ thể, từ năm 2013-2017, mỗi năm gần 40.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công được hưởng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế khám chữa bệnh; có bình quân trên 3.000 lượt người/năm hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi trong giáo dục - đào tạo; gần 17.000 người có công và thân nhân NCCVCM thuộc diện hưởng chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe; 600 lượt người/năm được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng.

Đồng thời, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tỉnh, huyện, thị xã, thành phố phân công các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, các xã, phường thăm hỏi, tặng quà cho thương, bệnh binh, gia đình chính sách, mẹ anh hùng, người có công giúp đỡ cách mạng với tổng trị giá hàng tỷ đồng...

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã Quyết định phê duyệt Đề án và triển khai hỗ trợ cho NCCVCM về nhà ở trên địa bàn tỉnh với tổng trên 14.000 hộ chính sách người có công.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cũng đã huy động các đơn vị, doanh nghiệp hảo tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa các hạng mục và tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ và đài tưởng niệm liệt sỹ.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 85 nghĩa trang liệt sỹ, 66 nhà bia ghi tên liệt sỹ và 5 đài tưởng niệm liệt sỹ với tổng số trên 18.000 mộ liệt sỹ được chính quyền và nhân dân địa phương thường xuyên chăm sóc, tôn tạo khang trang, sạch đẹp và việc đón tiếp thân nhân, gia đình liệt sỹ ở trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng được tổ chức chu đáo, tận tình.

Nhằm hiện thực hóa Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM, trong 5 năm qua (2013-2017), tỉnh đã phát động toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, các doanh nghiệp và vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực ủng hộ và đóng góp cho Quỹ “Đền ơn ơn đáp nghĩa” với tổng số tiền đạt xấp xỉ 13 tỷ đồng (trung bình 2,5-2,6 tỷ đồng/năm), nhằm hỗ trợ các đối tượng sửa chữa nhà ở, sinh hoạt, học tập, thăm viếng, điều dưỡng.

Ngoài ra, các địa phương còn phối hợp và huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để triển khai các chương trình ý nghĩa, thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc thân nhân gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, NCCVCM.

Tiêu biểu, như: trao tặng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ VNAH, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa... Qua những việc làm đầy tình cảm và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và nhân dân, công tác chăm sóc người có công ở tỉnh ta ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, góp phần đáng kể vào việc giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của các đối tượng chính sách; đồng thời động viên, khích lệ thương binh, gia đình liệt sỹ.

Qua khảo sát, đến nay toàn tỉnh có trên 85% xã, phường thực hiện tốt chính sách đối với người có công và trên 95% hộ gia đình NCCVCM có mức sống ngang bằng với hộ có mức sống trung bình trở lên tại các khu dân cư.

Phải khẳng định, có được những kết quả này, trước hết các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đã quán triệt, triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH, các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hàng trăm văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.

Song song với các chủ trương chính sách của Nhà nước, trong 5 năm qua để kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện trên lĩnh vực người có công.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với NCCVCM trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền của đơn vị.

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công đã được đổi mới với nhiều hình thức phong phú, như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, tổ chức tập huấn, các buổi gặp mặt, tọa đàm nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tổ chức các buổi họp tổ dân phố…

Người có công với cách mạng được toàn xã hội quan tâm chăm lo và tôn vinh.
Người có công với cách mạng được toàn xã hội quan tâm chăm lo và tôn vinh.

Đặc biệt, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức thực hiện đối thoại trực tiếp với người dân về chế độ chính sách đối với người có công tại các xã, phường về chế độ chính sách cho người có công và thân nhân người có công; đồng thời, tổ chức nói chuyện, phổ biến trực tiếp về điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tập trung tại Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh, bình quân 2.500 lượt người/năm.

Bằng các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách phong phú nêu trên, những nội dung cơ bản của Pháp lệnh đã được phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế được lượng đơn thư thắc mắc về chế độ chính sách.

Trong 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM, tỉnh ta đã đạt được kết quả nổi bật, đó là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các hội đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong tỉnh; người có công với cách mạng được toàn xã hội quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần, được trân trọng và tôn vinh.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đến mọi tổ chức, cá nhân nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân đối với công tác này; bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách công khai, minh bạch, kịp thời, công bằng; giải quyết nhanh gọn, đúng thủ tục các kiến nghị, thắc mắc của đối tượng chính sách từ cơ sở… góp phần ổn định chính trị, xã hội và thúc đẩy sự nghiệp đổi mới với tiến trình hội nhập và phát triển.

Nguyễn Trường Sơn
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
 

tin liên quan

Đề nghị thi hành kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành
Đề nghị thi hành kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành

Ngày 27-7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về Kỳ họp 28.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng kiêm chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Nguyễn Mạnh Hùng kiêm chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel giữ chức quyền Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Gian nan công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân
Gian nan công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân

(QBĐT) - Phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.