(QBĐT) - Phát biểu của đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trong phiên thảo luận tại Hội trường về đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch năm 2017 vào sáng 2-11-2016, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
>> Sự cố Formosa: Đại biểu Quốc hội bức xúc đề nghị xử lý trách nhiệm
![]() |
Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường. |
Kính thưa: - Chủ tọa phiên họp
- Quốc hội
Chúng ta nhận thấy năm 2016 khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, nỗ lực của các cấp, các ngành, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đất nước có những bước tiến đáng kể.
Tuy vậy, nhiều vấn đề đang đặt ra rất gay gắt; có gì đó không yên tâm, như: vấn đề giải quyết nợ xấu; chọn người tài hay người nhà; vệ sinh an toàn thực phẩm; giết người man rợ; những vấn nạn liên quan đến ma túy; ô nhiễm môi trường diễn ra khắp nơi.v.v... Không có cuộc tiếp xúc cử tri nào không nhắc đến những vấn đề này. Thật sự rất nhức nhối và đang cần một kỷ cương, kỷ luật, sức mạnh để sắp xếp lại, giải quyết cơ bản những vấn đề này.
Tôi xin nêu những vấn đề bức xúc, đang được cử tri và nhân dân Quảng Bình cũng như cả nước rất quan tâm.
Một là: Sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Vấn đề này tôi đã có dịp phát biểu tại diễn đàn Quốc hội nhưng bà con cử tri và nhân dân vẫn rất tâm tư:
+ Thứ nhất: Hành động xả thải của Formosa là hành vi hủy hoại môi trường gây ảnh hưởng toàn diện, phạm vi rộng và nghiêm trọng đến sự sống của biển miền Trung, đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và an ninh trật tự xã hội. Đây là hành vi vi phạm Bộ luật Hình sự nhưng trên thực tế đang xem xét ở mức vi phạm hành chính và bồi thường kinh tế. Lượng tiền 500 triệu USD mà Formosa bỏ ra để bồi thường được dựa trên thực tế thiệt hại hay dựa vào đàm phán, thỏa thuận? Nếu số tiền trên không đủ để đền bù cho dân thì ai sẽ bù đắp cho đủ, hay người dân và các địa phương tự khắc phục?
+ Thứ hai: Đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải trái phép của Formosa; hoặc chúng ta chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước đối với Formosa, trong đó có 58 lỗi kỹ thuật biểu hiện của sự gian dối. Những vấn đề về Formosa nhất định phải làm rõ, minh bạch, nghiêm túc. Hiện nay chúng ta không xem xét và xử lý một cách rốt ráo thì ai sẽ trả lời, phán xét?
+ Thứ ba: Cử tri và nhân dân muốn biết, nếu nhà máy xả thải lỏng thì kiểm soát như thế nào? Nếu chất thải dạng rắn (dạng khô) thì xử lý như thế nào? Chôn lấp ở đâu? Tất cả phải rõ ràng, có cơ sở khoa học với tấm lòng chân thành và trách nhiệm cao của các cơ quan Nhà nước. Mặt khác, việc Formosa cam kết không tái phạm cũng cần phải làm rõ là tái phạm như thế nào, ở mức độ nào? Vi phạm trong chôn lấp chất thải vừa rồi có được gọi là tái phạm không?
Cử tri mong muốn nếu chưa làm rõ vấn đề, chưa khắc phục được vi phạm thì kiên quyết chưa cho Formosa hoạt động.
Tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân là rất đáng quan tâm. Chúng ta không thể làm ngơ và không thấu hiểu sự lo lắng cũng như đồng cảm với hoàn cảnh khốn khổ của hàng vạn đồng bào, nhất là người dân ven biển và những doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này.
Vừa qua Chính phủ đã khẩn trương tính toán đền bù cho 7 nhóm đối tượng, nhân dân trân trọng cảm ơn; tuy nhiên, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đến một số nội dung sau:
- Mở rộng diện được bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra, trong đó cần xem xét đến các doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng. Sự cố môi trường biển làm tan nát cả ngành du lịch tỉnh và các doanh nghiệp du lịch bị điêu đứng; thiệt lại là rất lớn, cần có giải pháp để cứu giúp các doanh nghiệp du lịch đang có nguy cơ bị phá sản. Cần xem xét bồi thường cho nhóm đối tượng là các xã, phường ngoài 7 nhóm đối tượng Nhà nước quy định mà được địa phương xác định là chịu thiệt hại để bà con bớt khổ và khỏi thiệt thòi. Cần cân nhắc mức đền bù cho thỏa đáng hơn và tính đến thời gian bồi thường 6 tháng đã hợp lý chưa?
Nếu chỉ nghĩ rằng đền bù cho người dân và một vài chính sách hỗ trợ nữa là giải quyết xong hậu quả thì đó là một suy nghĩ hay nhận thức chưa thấu đáo. Cả một nền kinh tế của tỉnh bị tụt hậu, suy giảm, không thể khắc phục một sớm một chiều. Cần nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề này để cuộc sống dần ổn định.
Tôi rất không đồng tình và phản đối một số người lợi dụng vi phạm của Formosa để làm phức tạp thêm tình hình, gây rối, làm mất an ninh trật tự xã hội, thiếu tinh thần xây dựng, gây lãng phí công sức, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Đông đảo cử tri và nhân dân cho rằng, ai lợi dụng vấn đề này vào mục đích riêng là chưa thực lòng, chưa thực tâm vì dân, vì sự phát triển quê hương, đất nước.
Hai là: Trong tháng 10 vừa qua tỉnh Quảng Bình và một số tỉnh bạn bị thiên tai gây thiệt hại lớn. Lãnh đạo tỉnh, các địa phương và bà con cô bác Quảng Bình xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành Trung ương đã kịp thời quan tâm đến các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng. Bà con cảm động và thấy được sưởi ấm từ sự quan tâm ấy.
Trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ rất tận tình và hiệu quả, kịp thời của các tỉnh, đồng bào, chiến sĩ, các doanh nhân, những người hảo tâm trong cả nước đã dành cho nhân dân Quảng Bình trong đợt lũ lụt vừa qua, giúp bà con Quảng Bình vượt qua cơn hoạn nạn.
Xin cảm ơn các cơ quan báo chí truyền thông đã nhanh chóng đưa tin để đồng bào cả nước được biết, kịp thời chia sẻ với Quảng Bình.
Tuy nhiên, trận lũ vừa qua quá lớn; đã nhấn chìm Quảng Bình trong nước sâu và chảy xiết làm các công trình quan trọng bị hư hại, các hoạt động bị ngưng trệ, cả Quảng Bình bị chia cắt và gần như tê liệt. Tại thời điểm này bà con Quảng Bình vẫn đang chống chọi với lũ lụt. Tài sản Nhà nước và nhân dân tổn thất rất lớn. Thống kê ban đầu, thiệt hại trong đợt lũ 14-10 vừa qua là 2.787 tỷ đồng. Con số này xấp xỉ số thu ngân sách cả năm 2016 của tỉnh. Không biết sẽ làm thế nào và đến khi nào mới bù đắp được thiệt hại này.
Từ khó khăn trên, cử tri, nhân dân Quảng Bình kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một nguyện vọng: Đề nghị dành cho Quảng Bình gói hỗ trợ khẩn cấp, giúp tỉnh gượng dậy sau lũ lụt. Cụ thể về xử lý môi trường, cứu đói, nước sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác; về giống cây, con giúp bà con sản xuất để qua mùa giáp hạt; về hạ tầng kinh tế - xã hội, như trường học, trạm y tế; các cơ sở quan trọng như giao thông, thủy lợi, hồ đập.v.v...
Đây là những vấn đề rất thiết thực giúp cho tỉnh Quảng Bình sớm hồi phục và ổn định để phát triển.
Kính mong những tâm tình của bà con Quảng Bình được Chính phủ và các đồng chí lắng nghe, thấu hiểu và quan tâm giải quyết.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội
Tôi xin hết ý kiến!
----------------------------------------------------------------
(*) Đầu đề do Tòa soạn rút từ trong bài phát biểu.