Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình 70 năm đồng hành cùng Quốc hội Việt Nam

  • 01:01, 04/01/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cách đây 70 năm, ngày 6-1-1946, đã ghi vào lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi. Ngày ấy, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng thấy sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, bằng ý chí sắt đá quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hòa chung lịch sử hào hùng của Quốc hội Việt Nam trong suốt 70 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có một hành trình dài với nhiều dấu ấn quan trọng cùng đất nước.

>> Người đại biểu của nhân dân

>> "Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng nước ta..."

Ảnh 2 : Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc với cử tri trên địa bàn thị xã Ba Đồn.  Ảnh: p.v
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc với cử tri trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Ảnh: P.V

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ tiến bộ nhất, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 89%. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc-Trung-Nam, đại diện cho các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

 
Thắng lợi rực rỡ của Cuộc tổng tuyển cử đã khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân ta, từ địa vị nô lệ, đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra Nhà nước của mình. Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
 
Có thể nói thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này và với sự ra đời của bản Hiến pháp tiến bộ 1946 đã mở ra triển vọng của thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có một Quốc hội, một Chính Phủ thống nhất, một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp pháp, dân chủ -  Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - được nhân dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc và thực hiện quan hệ đối ngoại.
 
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I họp vào ngày 2-3-1946, tại Nhà hát lớn, Thành phố Hà Nội, với sự tham dự của 300 đại biểu. Tại kỳ họp này Quốc hội đã công nhận danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; công nhận danh sách Kháng chiến Ủy viên Hội, Chủ tịch là đồng chí Võ Nguyên Giáp; công nhận danh sách Quốc gia Cố vấn đoàn, ông Cố vấn Tối cao Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Ðại) làm Ðoàn trưởng; bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban; bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.
 
Quốc hội khóa I đã kéo dài gần 15 năm, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội đã thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hai bản Hiến pháp năm 1946 và Hiếp pháp 1959, thông qua 16 luật và 50 nghị quyết; đàm phán, ký kết và đấu tranh thi hành Hiệp định Gionevơ, khôi phục kinh tế miền Bắc..., Quốc hội đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, giải phóng và đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cho công cuộc giải phóng miền Nam.
 
Đánh giá công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu của nhân dân”.
 
Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1960-1975), Quốc hội các khóa II, III, IV, V được tổ chức theo Hiến pháp năm 1959, hoạt động trong một thời kỳ lịch sử hào hùng đã triển khai thực hiện đường lối, nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và Hiến pháp năm 1959, quyết định nhiều chính sách quan trọng, góp phần vào cuộc đấu tranh “đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, non sông thu về một mối.
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất trọng đại là chúng ta đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước - Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976-1981).
 
Quốc hội khóa VI được bầu ngày 25-4-1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Sự ra đời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước.
 
Quốc hội khóa VI đã có đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính quyền ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất của đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn lịch sử này, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp năm 1980.
 
Quốc hội khóa VII (1981-1987) và khóa VIII (1987-1992) được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, đã đẩy mạnh công tác lập pháp, tăng cường công tác giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới; xác định nguyên tắc, phương hướng xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tích nổi bật nhất là Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới phù hợp với thực tế của đất nước và xu thế tiến bộ của thời đại trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của Việt Nam.
 
Quốc hội khóa IX (1992-1997), khóa X (1997-2002), khóa XI (2002-2007) và khóa XII (2007-2011) được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 và được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001, phát huy những thành quả đạt được của Quốc hội các khóa trước, đã có những đổi mới đáng kể, tiến hành tương đối đồng bộ, khẩn trương và có hiệu quả trên quy mô rộng lớn các hoạt động nhằm thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ do Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội quy định: lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tiếp tục đưa công cuộc đổi mới đất nước lên tầm cao mới.
 
Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) được bầu ngày 22-5-2011. Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Tại kỳ họp thứ sáu,  Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013 với 486 đại biểu, chiếm 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
 
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên trong gần 70 năm hoạt động của mình, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Về hoạt động đối ngoại, việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh nghị viện thế giới tại Hà Nội trong tháng 3-2015, đây là một sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa lịch sử ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội nước ta, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Cùng hành trình 70 năm với Quốc hội Việt Nam, kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội và của Đảng bộ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình với nhiều thế hệ đại biểu các khóa tiếp nối nhau luôn phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tích cực tham gia và tham gia có chất lượng, hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội.
 
Mỗi nhiệm kỳ đều trở thành dấu ấn của từng đại biểu. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng đều thể hiện ý thức trách nhiệm, gương mẫu và luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của Người Đại biểu dân cử, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cử tri để tổng hợp, phản ánh đến Quốc hội.
 
Đoàn cũng nêu cao trách nhiệm, đóng góp trí tuệ trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc, của Quốc hội, của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình trong công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chung sức xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển.
 
Thời kỳ 1946-1960 các đại biểu Quốc hội trúng cử tại Quảng Bình đã tích cực xây dựng thể chế Dân chủ Cộng hòa, xây dựng lập pháp, củng cố Chính quyền cách mạng. Trong đó có Bản dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được công bố tháng 11-1945, đồng thời tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên các diễn đàn Quốc hội và quyết định tổ chức, bộ máy nhà nước thống nhất, làm tròn được nhiệm vụ của mình một cách vẻ vang.
 
Trong bối cảnh đất nước đứng trước đầy rẫy những khó khăn, thử thách, các đại biểu Quốc hội trúng cử tại Quảng Bình luôn nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, giương cao ngọn cờ dân tộc và thống nhất quốc gia, phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, các lực lượng yêu nước và cách mạng trong tỉnh, cùng cả nước có những đóng góp quan trọng hình thành nên sách lược khôn khéo, mềm dẻo, có nguyên tắc, từng bước làm thất bại các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch để bảo vệ quyền độc lập tự do.
 
Góp phần cùng Quốc hội, Chính phủ củng cố chế độ dân chủ cộng hoà, thực hiện những cải cách dân chủ, từng bước đem lại ruộng đất cho nông dân, tiến lên cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.
 
Thời kỳ 1960-1975, Đoàn tích cực tham gia động viên quần chúng nhân dân ra sức phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đẩy mạnh các phong trào thi đua giành thắng lợi to lớn trong lao động xây dựng quê hương, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thực hiện nghĩa vụ của hậu phương lớn. Khẩu hiệu hành động chung của nhân dân Quảng Bình lúc này là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”, “mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ý chí con người Quảng Bình đã trở thành sức mạnh hành động: “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu, tiếc công”... Toàn dân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Tại các kỳ họp của Quốc hội Đoàn đã có những bài phát biểu phản ánh tình hình, về trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc và khí phách anh hùng của người dân Quảng Bình với quyết tâm đánh giặc dâng cao. Đồng thời, lên tiếng tố cáo tội ác và tính chất nham hiểm của đế quốc Mỹ, đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh, hủy bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam để cho nhân dân Việt Nam tự quyết định lấy công việc nội bộ của mình.
 
Đoàn đại biểu Quốc tích cực tham gia đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai giỏi”, nêu cao truyền thống kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, đẩy mạnh các phong trào thi đua giành thắng lợi to lớn trong lao động xây dựng quê hương, tham gia chiến đấu và thực hiện nghĩa vụ đối với tiền tuyến lớn miền Nam, đóng góp xứng đáng phần mình vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Thời kỳ 1976-1989, Quảng Bình sáp nhập với Quảng trị và Thừa Thiên, là giai đoạn mà đất nước nói chung, Bình - Trị - Thiên nói riêng phải vượt qua muôn vàn khó khăn của buổi đầu nhập tỉnh và hậu quả của chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chưa kịp chuyển đổi để phù hợp với thời kỳ phát triển mới, trong lúc đó tác động bất lợi của khủng hoảng chính trị và kinh tế của khu vực Đông Âu và toàn thế giới đang diễn ra. Cả dân tộc phải thực hiện những nhiệm vụ hết sức nặng nề về quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại.
 
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát huy trách nhiệm của mình, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối, chính sách chung trong phát triển kinh tế - xã hội, tham gia đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất trong cả nước, trong đó có Hiến pháp 1980, mở đầu cho bước phát triển mới trong tiến trình đi lên của đất nước.
 
Thời kỳ 1989 - 2015, Quảng Bình trở về với địa giới hành chính cũ, cùng với cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, của từng cá nhân trước cử tri và nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, xứng đáng là người đại diện cho nhân dân, quyết định những vấn đề có liên quan đến tổ chức, bộ máy; tham gia lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng đến vận mệnh của đất nước thời kỳ đổi mới.
 
Từ khóa IX đến khóa XIII, Đoàn đã không ngừng đổi mới các hình thức phối hợp, tiếp xúc cử tri, tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn, giảm bớt đơn thư tồn động kéo dài, hạn chế oan sai. Đoàn cũng đã kiến nghị sửa đổi nhiều chủ trương, chính sách pháp luật phù hợp lòng dân và cơ chế mới.
 
Ngoài ra Đoàn cũng tham gia các diễn đàn của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, có nhiều ý kiến phát biểu, chất vấn, chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến các diễn đàn của Quốc hội; Đoàn còn mở rộng giao lưu, quan hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành cũng như các tỉnh trên toàn quốc đối với tỉnh nhà trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Kế thừa các khóa trước, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiếp tục ghi đậm dấu ấn bằng nhiều hoạt động từ việc phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, tình cảm của cử tri và nhân dân trong tỉnh; tham gia nhiều hoạt động, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và chất lượng tại diễn đàn Quốc hội đến việc tranh thủ sự quan tâm và các nguồn lực từ Trung ương phục vụ cho quá trình phát triển của địa phương.
 
Trong 13 nhiệm kỳ của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (kể cả thời kỳ sáp nhập ba tỉnh Bình- trị - Thiên) có 118 đại biểu là những người con ưu tú đại diện cử tri trong tỉnh tham gia các khóa của Quốc hội, có nhiều đại biểu tham gia hoạt động trong nhiều khóa và giữ những vị trí quan trọng như: Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, Cổ Kim Thành... Nhiều đại biểu Trung ương là Bộ trưởng, cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành; đại biểu đại diện cho Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức tôn giáo, lãnh đạo các nhân sĩ, trí thức, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, đồng bào dân tộc, đại diện công nhân, nông dân lao động sản xuất giỏi trong các lĩnh vực...
 
Hòa trong dòng chảy hào hùng của lịch sử Quốc hội Việt Nam, trải qua 70 năm với 13 nhiệm kỳ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã và đang góp phần vào sự thành công của Quốc hội và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương; khẳng định vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội với cử tri, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và cử tri trong tỉnh.
 
70 năm Quốc hội Việt Nam là dịp tri ân đóng góp của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ; đồng thời, động viên tinh thần, trách nhiệm, phát huy vai trò người đại biểu dân cử trong những giai đoạn tiếp theo.
 
Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đang bước vào một thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ, vận hội mới, nhưng khó khăn, thử thách vẫn còn nhiều. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra, quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất cao, rất quyết liệt của cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh. Sự đồng hành của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này.
 
Chúng ta tin tưởng rằng, các thế hệ tiếp theo và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong những nhiệm kỳ tới sẽ duy trì và phát huy tốt truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước để hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình trước nhân dân và cử tri trong tỉnh, góp phần tích cực và hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
 
Hoàng Đăng Quang
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
 
 

tin liên quan

Một số bài học thực tiễn rút ra sau 30 năm đổi mới đất nước
Một số bài học thực tiễn rút ra sau 30 năm đổi mới đất nước

Trân trọng giới thiệu bài viết "Một số bài học qua 30 năm đổi mới" của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương:

Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc bay thử ở Trường Sa
Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc bay thử ở Trường Sa

Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết ngày 2-1-2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ký ức không phai của các đại biểu dân cử về Quốc hội khóa I
Ký ức không phai của các đại biểu dân cử về Quốc hội khóa I

Quốc hội Việt Nam đến nay đã trải qua 70 năm kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Thời gian đã xa, nhưng những ký ức về những tháng năm lịch sử đó vẫn không phai mờ trong tâm trí những người gắn bó với những thời điểm lịch sử hào hùng đó.