![]() |
![]() |
![]() |
Với mong muốn giữ gìn nét đẹp của phong tục ngày Tết, những năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tổ chức các chương trình ngoại khóa tái hiện không khí Tết xưa ấm áp và thiêng liêng để học sinh được trải nghiệm, hòa mình vào không gian, không khí Tết cổ truyền.
Hòa chung không khí rộn ràng của mùa Xuân Ất Tỵ 2025, Trường tiểu học Hải Đình (TP. Đồng Hới) đã tổ chức chương trình "Vui hội xuân 2025" với sự tham gia của gần 700 giáo viên, học sinh. Theo cô giáo Lương Thị Hoa Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Đình chia sẻ: "Chương trình "Vui hội xuân 2025" với các hoạt động ý nghĩa đã tái hiện một phần không gian văn hóa Tết cổ truyền. Học sinh vừa được tìm hiểu những nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền dân tộc, vừa được sống trong bầu không khí chan hòa niềm vui, tình đoàn kết với bạn bè đồng trang lứa và thầy, cô giáo. Từ đó, giáo dục học sinh biết trân trọng những giá trị tốt đẹp của ông cha".
Được tham gia các trò chơi, gian hàng chợ quê ngày Tết sống động, em Mai Hoàng Quân, học sinh lớp 4/3, Trường tiểu học Hải Đình không giấu được niềm vui: “Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, em và các bạn trong lớp đều rất háo hức, chờ đợi để được đến trường tham gia các hoạt động vui xuân đầy thú vị như thế này!”.
![]() |
Không riêng Trường tiểu học Hải Đình, nhiều trường học ở các địa phương đã thông qua các hoạt động trải nghiệm Tết truyền thống được tổ chức trước Tết Nguyên đán, như: Gói bánh chưng, viết chữ thư pháp, chơi các trò chơi dân gian... rất gần gũi, ý nghĩa, giúp các học sinh có hình dung đầy đủ hơn, hiểu hơn về văn hóa Tết cổ truyền nói riêng và ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc nói chung.
![]() |
Vào dịp đầu năm mới, một số địa điểm không gian văn hóa, vui chơi công cộng, quán cafe..., cũng đã tái hiện không gian Tết xưa bằng nhiều hình thức phong phú, mang đến cho người xem nhiều khám phá thú vị cũng như gợi nhớ về một cái Tết có đầy đủ những nét đẹp truyền thống xưa trong cuộc hành trình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lê Thị Hoài Hương chia sẻ, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là năm thứ hai đơn vị tổ chức trưng bày, triển lãm không gian Tết xưa. Việc tái hiện không gian Tết xưa, bảo tàng mong muốn tạo nên phong vị Tết cổ truyền, là cách để giúp thế hệ trước được hoài niệm về ký ức tuổi thơ, còn thế hệ trẻ thì thêm trân trọng và gìn giữ những nét đẹp bình dị của Tết Việt xưa và trở thành địa điểm lưu lại những khoảnh khắc đón Tết đáng nhớ bên gia đình, bạn bè.
![]() |
Theo đó, không gian triển lãm chính của ngôi nhà truyền thống của gia đình Việt trước và sau năm 1975, được bài trí những vật dụng “chỉ còn trong hoài niệm” của rất nhiều người. Điểm nhấn là phòng khách cùng không gian phòng thờ truyền thống với bộ bàn ghế salon, câu đối, bức tranh dân gian, hoa đào, hoa mai, bánh chưng..., cùng những đồ vật phục vụ đời sống, như: Xe đạp, đài casset, ti vi…, với cách bài trí đơn sơ, mộc mạc, giản dị nhưng ấm áp, gợi nhớ về một thời kỳ bình dị của Tết xưa.
"Vài năm trở lại đây, đơn vị cũng đã phục dựng tiểu cảnh không gian ấm cúng, linh thiêng, đậm chất hoài niệm của Tết xưa tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Quảng trường biển Bảo Ninh phục vụ nhu cầu du xuân của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Dù chỉ là địa điểm "check-in" lưu giữ khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, bạn bè nhưng hòa mình trong không gian Tết xưa đều là cách người trẻ thể hiện tình yêu, niềm trân trọng, nâng niu những phong tục, tập quán đẹp đẽ, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc mỗi dịp Tết đến, xuân về", anh Trần Duy Khánh, Giám đốc Ban Quản lý Dịch vụ công ích TP. Đồng Hới cho hay.
![]() |
Có lẽ, một không gian nhỏ nhắn sẽ không thể diễn tả hết vẻ đẹp Tết xưa đã tồn tại trong tiềm thức của nhiều người, nhưng đó sẽ là nơi giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về Tết xưa của ông cha ta và “níu chân” người trẻ trở về với Tết cổ truyền. Bằng muôn vàn cách thức khác nhau, việc tái hiện không gian Tết Việt xưa không chỉ thay lời khẳng định, dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, những nét đẹp đón Tết cổ truyền sẽ vẫn được người dân gìn giữ, thực hành trong đời sống.
![]() |
Trong dịp Tết Nguyên đán có nhiều trò chơi dân gian và bài chòi là hội vui chơi mang đậm nét truyền thống văn hóa, cố kết cộng đồng làng xã. Tại nhiều địa phương, như: Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP. Đồng Hới..., bài chòi được duy trì và tổ chức tương đối liên tục, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp Tết Nguyên đán.
Tại tổ dân phố 1, phường Hải Thành (TP. Đồng Hới), mỗi dịp Tết đến, xuân về lại sôi động hội chơi bài chòi. Hội bài chòi ở đây được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 4 Tết Nguyên đán và thu hút được đông đảo người dân, du khách thập phương tham gia. Hoạt động được Đoàn phường phối hợp với Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân phường phối hợp tổ chức.
![]() |
Bí thư Đoàn phường Hải Thành Cao Tuấn Anh hồ hởi: "Khi những căn chòi được dựng lên giữa sân tại tuyến phố đi bộ đường Đồng Hải vào những ngày giáp Tết, từ trẻ em đến người già đều háo hức mong chờ đến ngày khai hội chơi bài chòi. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, địa phương sẽ dựng 11 chòi, gồm 10 chòi cho người chơi và 1 chòi ở trung tâm cho những người tổ chức, điều khiển hội chơi. Hoạt động nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của ngày xuân. Vì vậy, các tổ chức đoàn thể địa phương luôn cố gắng tổ chức thật chu đáo để người dân vui xuân, đón Tết thật vui vẻ, lành mạnh".
![]() |
Làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) vào giờ giao thừa có tục đi lấy lửa đêm 30 Tết từ đình làng về và giữ để không bị tắt trong suốt 3 ngày Tết. Đây là nét đẹp văn hóa độc đáo được người dân mong chờ nhất trong dịp Tết cổ truyền.
Ông Ngô Xuân Dục (SN 1954), một cao niên của xã Cảnh Dương vui vẻ kể: "Tục lấy lửa không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ thưở xưa cứ vào đêm 30 Tết, mọi người tập trung về sân đình. Khi ba hồi trống vang lên, tục lấy lửa chính thức bắt đầu. Những bô lão trong làng sẽ làm lễ cúng thần linh để cầu may mắn, mưa thuận gió hòa và một năm vươn khơi thắng lợi. Sau đó, ngọn lửa được rước từ đình tổ ra thắp ở sân đình, nơi đống củi lớn đã được dựng sẵn. Người có uy tín nhất trong làng được cử để thực hiện nghi lễ thắp lửa. Đây là ngọn lửa thiêng, tượng trưng cho sự no ấm của cả làng trong năm mới”.
![]() |
Từ ngọn lửa chung ở đền thờ tổ, những ngọn lửa riêng được lấy về, tỏa ra khắp mọi nẻo đường, ngõ ngách, đến từng nhà. Ngọn lửa từ đình tổ của làng được đưa về sưởi ấm cho từng gia đình. "Đến nay, người Cảnh Dương vẫn còn lưu giữ tục lấy lửa với quan niệm ngọn lửa mang lại sự may mắn cho mọi nhà. Vì thế, đúng thời khắc giao thừa, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, các gia đình lại nhộn nhịp cử người đến đình làng xin ngọn lửa mới với hy vọng một năm may mắn, bình an. Tục lấy lửa đã tạo không khí tưng bừng, gắn kết và làm phong phú thêm các nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt", ông Ngô Xuân Dục nhấn mạnh.
![]() |
Dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa tượng trưng, là điểm tựa tinh thần, nơi gửi gắm mong ước một năm mới thịnh vượng của người dân và cũng là sự hoài niệm về một phong tục của Tết cổ truyền Việt Nam xưa. Với những ngư dân ở các làng biển, như xã: Hải Phú, Đức Trạch, Thanh Trạch... (Bố Trạch), cây nêu ngày Tết không chỉ là biểu tượng thiêng liêng để đón nhận may mắn mà còn thể hiện tinh thần hướng biển.
Ông Nguyễn Văn A (SN 1958), Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Trung Hòa, xã Hải Phú, Phó trưởng Ban Tâm linh đình Lý Hòa cho biết, cây nêu là biểu tượng để cầu cho trời yên biển lặng và thể hiện tinh thần hướng biển. Bởi vậy, ngọn nêu của người Lý Hòa hay của ngư dân làng biển ở huyện Bố Trạch khi nào cũng phải hướng về phía biển Đông.
![]() |
“Dựng nêu phải tổ chức lễ và theo trình tự trước sau, gọi là lễ thượng nêu. Vào ngày cuối năm của tháng chạp (âm lịch), tầm 11 giờ 30 phút, các trưởng họ đại diện cho 28 dòng trong làng cùng người dân tập trung ở đình làng để bắt đầu làm lễ. Đúng 12 giờ trưa, tại đình làng Lý Hòa dựng hai cây nêu to, đẹp nhất, một bên đông và một bên tây. Cây tre được chọn dựng cây nêu là cây khỏe mạnh, đã chặt hết các cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Sau đó, lần lượt làm lễ thượng nêu ở các miếu đền, quanh làng rồi đến nhà thờ tổ của các dòng họ. Cuối cùng, người dân ở các nhà làm lễ thượng nêu ở gia đình mình... Trên ngọn cây nêu, người ta treo những vật phẩm khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi nhưng đều mang một ý nghĩa nhất định, nếu không phải bảo vệ bình an thì cũng cầu may mắn, sung túc...”, ông Nguyễn Văn A chia sẻ đầy cảm xúc...
![]() |
Nội dung và ảnh: NGỌC LƯU
Trình bày và video: HẢI PHƯỢNG