(QBĐT) - Không chỉ là người đưa tin, phản ánh đời sống xã hội bằng con chữ và hình ảnh, nhiều nhà báo còn chọn cách sống đẹp thông qua hoạt động thiện nguyện. Họ lựa chọn đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn, những phận đời kém may mắn, để qua đó lan tỏa tình yêu thương, kết nối cộng đồng, viết tiếp những câu chuyện đẹp giữa đời thường.
Hành trình sẻ chia
Nhắc đến những nhà báo gắn bó với công tác thiện nguyện ở Quảng Bình, Ngô Thanh Long, Phó Trưởng phòng Chuyên đề, Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) Quảng Bình là một gương mặt quen thuộc. Hơn 12 năm qua, anh lặng lẽ đi qua những vùng quê nghèo, nơi rốn lũ, tâm bão hay vùng cao, để mang theo những món quà vật chất chứa đầy tình người ấm áp. Hành trình ấy bắt đầu từ năm 2013, khi cơn bão Haiyan đổ bộ Quảng Bình. Tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn sau bão, anh cùng đồng nghiệp đã kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ đồng bào quê hương. Từ một lời kêu gọi nhỏ, tấm lòng thiện nguyện của anh cứ thế lớn dần qua từng chuyến đi.
Năm 2016, anh Long cùng bạn bè sáng lập nhóm thiện nguyện “Hành trình kết nối yêu thương Hà Nội-Quảng Bình”, hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên thiên tai với số tiền quyên góp hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Riêng trận lũ năm 2016, nhóm đã kêu gọi được gần 1 tỷ đồng để kịp thời giúp đỡ bà con vùng lũ. Không dừng lại ở đó, anh còn là cố vấn truyền thông của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) Quảng Bình từ năm 2014, góp phần định hướng truyền thông, thúc đẩy các hoạt động nhân đạo, đặc biệt là vận động HMTN ở các địa bàn khó khăn.
Những món quà trao gửi yêu thương của người làm báo được trao tận tay các em học sinh khó khăn.
11 năm đảm nhận vai trò Chủ nhiệm CLB Nồi cháo tình thương huyện Minh Hóa, bằng trái tim nhân ái và tinh thần trách nhiệm, nhà báo Dương Thị Thùy Linh (Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa) luôn nỗ lực làm “tròn vai”: Duy trì đều đặn mỗi tháng 4 đợt nấu cháo hỗ trợ các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa; tổ chức các chương trình tình nguyện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa; kết nối hỗ trợ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân người dân tộc thiểu số gặp khó khăn... “Trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ giúp đời, giúp người vì cuộc sống của bản thân vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng rồi, với đặc thù công việc của một phóng viên, đi nhiều nơi, gặp nhiều cảnh đời bất hạnh, tôi liền nghĩ đến việc kêu gọi hỗ trợ trên trang facebook cá nhân. Và cứ thế, khi được các nhà hảo tâm tin tưởng, trao gửi trọng trách làm “cầu nối” đến với những phận đời khốn khó, tôi càng có thêm niềm tin để làm việc thiện”, chị Linh bảo.
Nhiều người vẫn hình dung nhà báo chỉ là người ghi chép sự kiện, truyền tải thông tin. Nhưng thực tế, ở những vùng đất khốn khó sau bão lũ, trong tâm dịch cam go hay giữa mùa hạn cháy nắng, họ hiện diện, mang theo trái tim ấm nóng tình người và hy vọng. Niềm vui của họ là ánh mắt rạng ngời của những đứa trẻ vùng cao khi được tặng chiếc áo ấm; là cái gật đầu đầy biết ơn của bệnh nhân nghèo khi nhận bát cháo giữa ngày đói lòng... Họ lặng lẽ gom góp yêu thương, sẻ chia trong thầm lặng, không vì danh tiếng, mà bởi một trái tim luôn hướng về cộng đồng.
Cho đi là đáng quý
Giữa cuộc chạy đua với thông tin, với áp lực thời gian và những chuyến đi không hẹn trước, không ít nhà báo vẫn âm thầm thực hiện nghĩa cử đầy nhân văn: Hiến máu cứu người. “Thoát vai” người viết về lòng tốt, họ trở thành hiện thân của lòng tốt ấy, bằng hành động giản dị mà ý nghĩa.
Những người làm báo là nhân tố tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và là “cầu nối” kêu gọi, vận động nhiều người chung tay thực hiện.
Với phóng viên Đinh Xuân Vương (Báo và Đài PT-TH Quảng Bình), hiến máu không phải là hành động mang tính phong trào, mà là trách nhiệm của một người sống giữa cộng đồng. Anh không nhớ đã bao nhiêu lần mình HMTN, chỉ nhớ mỗi năm đều đặn vài ba lần, có khi là những đợt tổ chức định kỳ, có khi là buổi chiều gấp gáp nhận một cuộc điện thoại báo tin có người cần máu gấp. “Hiến máu không phải để được ghi nhớ, chỉ cần biết rằng ở đâu đó, có người đang sống khỏe mạnh hơn nhờ những giọt máu của mình là vui rồi”, anh tâm niệm.
Với mục đích kết nối cộng đồng, những người làm báo trên địa bàn tỉnh luôn cố gắng bằng ngòi bút của mình lan tỏa nghĩa cử hiến máu cứu người. Và chính họ đã không ngần ngại cho đi những giọt máu quý giá của bản thân để góp phần hồi sinh sự sống cho nhiều người. Đến bây giờ, nhà báo Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Thư ký-Biên tập, Báo và Đài PT-TH Quảng Bình vẫn không quên được buổi chiều “định mệnh” khi những giọt máu chảy trong cơ thể anh đã góp phần giúp một cháu bé qua cơn nguy kịch. Anh kể, hôm đó, đang chờ tin muộn tại tòa soạn thì nhận được thông tin có một cháu bé bị sốt xuất huyết giảm tiểu cầu cần được truyền máu gấp, anh đã nhanh chóng sắp xếp công việc để đến bệnh viện truyền máu cho cháu bé.
“Công tác thiện nguyện của đội ngũ người làm báo không chỉ thể hiện tinh thần nhân ái, trách nhiệm xã hội mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Báo chí phản ánh cuộc sống, đồng thời góp phần thay đổi cuộc sống bằng sự dấn thân, sẻ chia và kết nối yêu thương. Chúng tôi luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các phóng viên, biên tập viên không ngừng phát huy tinh thần thiện nguyện, sống đẹp, sống có ích, qua đó làm sâu sắc hơn vai trò của người làm báo trong đời sống xã hội hiện đại”, Phó Tổng biên tập Báo và Đài PT-TH Quảng Bình Cao Trường Sơn trao đổi thêm.
Anh Tuấn bảo: “Đồng nghiệp tôi rất nhiều người tâm huyết với các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu cần hỗ trợ, nếu trong khả năng có thể, chúng tôi đều có mặt...”. Đồng nghiệp của anh là nhà báo Nguyễn Thành Sơn với hơn 20 lần tham gia HMTN, là nhà báo Đặng Hiền dù bộn bề công việc nhưng vẫn không bỏ sót những chuyến thiện nguyện lên với bà con vùng cao... Và còn rất nhiều nhà báo đang lặng thầm cho đi những giọt máu hồng, lặng thầm gom góp yêu thương, sẻ chia để cứu người, giúp đời. Hành trình thiện nguyện của họ như những đốm lửa nhỏ lặng lẽ sưởi ấm và lan tỏa bao điều tốt đẹp, góp phần làm nên nét cao quý của người làm báo trong hành trình "gieo mầm" hy vọng cho cuộc đời.
(QBĐT) - Gần 9 năm về trước, những đợt mưa lũ kéo dài khiến tuyến đường độc đạo nối từ Quốc lộ 12A vào bản Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt hàng chục đoạn, cô lập 6 bản và gần 400 hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu đói. Để giúp bà con, Báo Quảng Bình ngày đó (nay là Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình) đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, chính quyền địa phương... băng rừng, vượt suối để cứu trợ người dân kịp thời…
(QBĐT) - Nhân ngày "giỗ nghề", thay vì viết kỷ niệm về tác nghiệp, viết bài kiểu "chúng tôi viết về chúng tôi", tôi chỉ xin viết về chuyện đọc báo. Bởi, có đọc báo mới quan tâm đến báo chí, quan tâm đến người làm báo và nhất là với cán bộ, đọc báo hay theo dõi báo chí cũng là để… làm việc.