"Giữ lấy những gì mà ta yêu quý "

  • 11:06, 15/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Không có tòa soạn nào rộng lớn như đại dương. Không có bài báo nào in dấu mặn mòi như những trang ghi chép giữa biển khơi. Và không có chuyến công tác nào để lại nhiều rung cảm như những ngày tác nghiệp ở nhà giàn DK1-nơi phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc, nơi người làm báo được thử thách, được lắng lòng và hơn hết, được thêm một lần tự hào về lựa chọn của chính mình.

Lênh đênh theo nhịp sóng

Một ngày đầu năm 2025, tàu Trường Sa 21 rời đất liền trong ánh bình minh rực rỡ, mang theo đoàn công tác đặc biệt gồm các phóng viên, nhà báo, cán bộ từ nhiều cơ quan, đơn vị trên cả nước. Ai nấy đều háo hức khi sắp được đặt chân đến những cột mốc chủ quyền giữa biển Đông. Nhưng cùng với niềm mong chờ là sự hồi hộp, bởi ai cũng hiểu rằng hành trình đến DK1 chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là vào mùa biển khó. 
 
Tàu rời bến. Sóng đã bắt đầu nổi. Gió biển gào rít bên tai. Những cơn sóng bạc đầu nối đuôi nhau vỗ dồn dập vào thân tàu khiến không ít người trong đoàn mặt mày bắt đầu tái nhợt vì say sóng. Trên hành lang con tàu, những bước chân liêu xiêu, chuếnh choáng giữa những đợt chao nghiêng bất chợt. Đêm xuống, con tàu như chiếc lá nhỏ bé giữa đại dương rộng lớn. Phòng ngủ của 8 phóng viên nữ chúng tôi ở tầng 2 của tàu Trường Sa 21. Những đêm biển động dữ dội, sóng đánh vào khe cửa sổ, tràn vào phòng khiến chăn chiếu đều ướt sũng. Giấc ngủ trở thành một điều xa xỉ. Mỗi bữa ăn cũng là một thử thách khi khay cơm cứ chòng chành theo từng nhịp lắc. Có những phóng viên say sóng suốt 16 ngày của chuyến hải trình. Nhưng tất cả đều cố gắng, bởi ai cũng hiểu phía trước là những điều rất đỗi thiêng liêng.
 Đu dây lên nhà giàn-trải nghiệm đáng nhớ của mỗi phóng viên.
Đu dây lên nhà giàn-trải nghiệm đáng nhớ của mỗi phóng viên.
Trong đoàn, ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) là người lớn tuổi nhất. Với ông, chuyến đi này là một trải nghiệm đầy ý nghĩa trước khi về nghỉ hưu theo chế độ. Ông bảo: “Say sóng là cảm giác khó chịu nhất trong đời. Nó thử thách về sức chịu đựng ghê gớm. Nhưng mỗi khi nghĩ đến những người lính nhà giàn, những con người ngày đêm kiên trì bám trụ giữa biển khơi, xa gia đình, xa đất liền, chúng tôi lại tự nhủ rằng, những gì mình trải qua chẳng đáng gì so với sự hy sinh thầm lặng của họ”.
 
Sau 3 ngày, 2 đêm lênh đênh trên biển, nhà giàn DK1 hiện ra sừng sững như pháo đài thép giữa ngút ngàn sóng gió. Cơn say sóng dần lắng lại nhường chỗ cho những háo hức được đặt chân lên phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc. Cuối cùng, giấc mơ lớn lao nhất của người làm báo cũng đã thành hiện thực. Ánh mắt của chúng tôi nhòe đi trong buổi sáng biển hiếm hoi nắng.  
 
“Có các anh ở đây rồi”
 
Không có cầu cảng, bậc thang sắt chìm giữa biển sóng, cách duy nhất để lên nhà giàn là… đu dây. Khi thực sự treo mình trong không trung, cảm giác rợn ngợp và cả một chút sợ hãi bỗng ùa về. Gió quất vào người. Sóng cuộn phía dưới. Những đôi tay siết chặt sợi dây. Ánh mắt hướng lên phía trên. Nơi ấy, những người lính đang nở nụ cười thân thiện, chìa tay đỡ từng người một. Trong suốt hải trình ấy, sự có mặt của các chiến sĩ hải quân là chỗ dựa tinh thần lớn lao nhất với đoàn công tác. Họ giúp chúng tôi đu dây, di chuyển, mang vác thiết bị, mà còn là người truyền lửa… bằng sự kiên cường và tận tâm. “Yên tâm! Có các anh ở đây rồi!”. Câu nói ấy của các anh đã giúp chúng tôi vững bàn chân suốt hải trình đằng đẵng trong mùa biển khó. 
 
Những ngày sóng to, gió lớn không thể lên thăm nhà giàn, cả đoàn và các chiến sĩ vẫn kết nối qua sóng bộ đàm. Trong những câu chào hỏi, lời chúc Tết và cả những bản nhạc vang lên từ hai phía, tình cảm cứ thế lan tỏa giữa biển trời. Khi biết tôi là phóng viên Báo Quảng Bình, các chiến sĩ liền đề nghị được nghe ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” của cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Giữa sóng gió, những giọng hát hòa cùng nhau, vang lên mạnh mẽ: “Giữ lấy đất trời của quê hương ta/ Giữ lấy những gì mà ta yêu quý…”. Trong khoảnh khắc đó, tôi hiểu rằng, giữa biển khơi, tình yêu đất nước và niềm tin vào những điều tốt đẹp luôn là sợi dây gắn kết bền chặt nhất. Và những người lính ấy, đang vượt lên những khó khăn, thử thách để “giữ lấy những gì mà ta yêu quý”.
 
Tác nghiệp giữa trùng khơi
 
Tác nghiệp ở nhà giàn không giống với bất kỳ một nhiệm vụ báo chí nào. Chúng tôi thiếu thốn nhiều thứ nhưng lại đủ đầy những câu chuyện, những con người thật đẹp để khắc họa bằng cả trái tim. Những phóng viên trẻ trong đoàn đã trưởng thành hơn sau chuyến đi. Họ hiểu rằng nghề báo không chỉ là ánh hào quang, mà là những phút giây dấn thân, đối diện với thử thách để kể những câu chuyện đời thường nhất theo cách chạm sâu nhất.
Tác giả cùng các chiến sĩ thuộc Vùng 2 Hải quân.
Tác giả cùng các chiến sĩ thuộc Vùng 2 Hải quân.
Năm 2024, tôi cũng may mắn được đặt chân đến các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Chuyến tác nghiệp ở DK1 lần này là chuyến đi thứ 2 được đến với cán bộ, chiến sĩ công tác ở hải đảo xa xôi. Mỗi hành trình là một trải nghiệm quý giá nhưng cũng đầy thử thách. Trong hải trình ấy, mỗi người làm báo không chỉ ghi chép hay đưa tin, mà được trải nghiệm sống động để hiểu hơn về trách nhiệm xã hội của người cầm bút.
 
Những ngày đầu năm 2025, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức hai chuyến tàu đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1, Trạm 590, tàu trực và các cơ quan dân chính đảng huyện Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác trên tàu Trường Sa 21 có đại diện các cơ quan Vùng 2 Hải quân và hơn 20 đại biểu, phóng viên báo, đài Trung ương, địa phương.

Chúng tôi đã sống cùng các chiến sĩ, nghe những câu chuyện đời thường mà phi thường, chứng kiến những phiên gác trong đêm gió rít, những ánh mắt dõi về đất liền với điệp trùng nỗi nhớ. Những bài viết từ hải trình ấy không cần câu chữ cầu kỳ, không cần hình ảnh được canh chỉnh cầu toàn nhưng vẫn chạm đến trái tim người đọc. Bởi chính họ-những người lính với những câu chuyện chân thực nhất đã đủ sức lay động bao trái tim-“những mạch máu nối liền với biển”. Như đồng nghiệp của tôi, khi đứng trên pháo đài thép sừng sững-nhà giàn DK1/9 đã phải thốt lên rằng, tự bản thân mỗi nhà giàn và những người lính nơi ấy đã mang một vẻ đẹp bất tử. 

Trong hành trình làm báo, có thể có những lúc hoài nghi về ý nghĩa của ngòi bút. Nhưng ở DK1, mỗi con chữ đều chắt chiu từ tình yêu, lòng cảm kích. Và mỗi bài báo được viết ra từ nơi này, đều mang sứ mệnh cao quý: Cùng những người lính “giữ lấy đất trời của quê hương ta/giữ lấy những gì mà ta yêu quý”.
Diệu Hương
 

tin liên quan

"Nhịp nối" yêu thương thầm lặng
"Nhịp nối" yêu thương thầm lặng
(QBĐT) - Không chỉ là người đưa tin, phản ánh đời sống xã hội bằng con chữ và hình ảnh, nhiều nhà báo còn chọn cách sống đẹp thông qua hoạt động thiện nguyện. Họ lựa chọn đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn, những phận đời kém may mắn, để qua đó lan tỏa tình yêu thương, kết nối cộng đồng, viết tiếp những câu chuyện đẹp giữa đời thường.
 
Cứu trợ bản Lòm
Cứu trợ bản Lòm

(QBĐT) - Gần 9 năm về trước, những đợt mưa lũ kéo dài khiến tuyến đường độc đạo nối từ Quốc lộ 12A vào bản Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt hàng chục đoạn, cô lập 6 bản và gần 400 hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu đói. Để giúp bà con, Báo Quảng Bình ngày đó (nay là Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình) đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, chính quyền địa phương... băng rừng, vượt suối để cứu trợ người dân kịp thời…

Minh Hóa: Tìm thấy thi thể người chị mất tích do mưa lũ
Minh Hóa: Tìm thấy thi thể người chị mất tích do mưa lũ

(QBĐT) - Chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể người chị trong vụ 2 chị em ruột bị mất tích do mưa lũ cuốn trôi.