Đọc báo để… làm việc

  • 05:06, 15/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân ngày “giỗ nghề”, thay vì viết kỷ niệm về tác nghiệp, viết bài kiểu “chúng tôi viết về chúng tôi”, tôi chỉ xin viết về chuyện đọc báo. Bởi, có đọc báo mới quan tâm đến báo chí, quan tâm đến người làm báo và nhất là với cán bộ, đọc báo hay theo dõi báo chí cũng là để… làm việc.
 
1. Một nhân viên bưu điện nọ có trách nhiệm hàng ngày đến đưa báo cho một cụ hưu trí, nguyên là lãnh đạo tỉnh. Bẵng đi 2, 3 ngày không thấy báo đưa đến, cụ bực bội liền điện phản ánh, phàn nàn với lãnh đạo báo. Kiểm tra mới biết, nhân viên cần mẫn đưa báo lúc trước mới nghỉ thai sản, người khác thay chỗ chưa quen việc. Cụ bảo, đọc báo lúc sáng sớm là thói quen từ khi còn làm việc. Trước đây, đọc báo cũng là làm việc, nay đọc báo để nắm bắt thông tin. Vì vậy, đọc báo với cụ đã trở thành một thói quen.
 
Đành rằng, ngày nay chỉ cần sở hữu chiếc điện thoại thông minh là có cả thế giới bên mình. Thế nhưng, đọc gì, tìm kiếm điều gì và đọc để làm gì mới là điều quan trọng. Ngày trước có vị lãnh đạo mỗi khi đọc báo thấy có tin, bài phản ánh về bất cập trên địa bàn, ông liền cử “quân” xuống tận cơ sở tìm hiểu. Thậm chí có sự việc nghiêm trọng, ông trực tiếp xuống tìm hiểu, chỉ đạo giải quyết rất kịp thời. Vì vậy, bài báo vừa “ráo mực”, sự việc đã giải quyết ổn thỏa. Đó là đọc báo để làm việc.
 
Cán bộ ngày nay cũng đọc. Nhưng có vẻ những thông tin kiểu “giật gân” họ nắm bắt nhanh hơn. Còn những thông tin quan trọng, những sự việc phản ánh trên địa bàn, nhiều lúc báo xuất bản đã suốt cả tháng, họ vẫn không hề hay biết. Khi cánh phóng viên chúng tôi tiếp cận tìm hiểu sự việc, họ như người trên trời rơi xuống và nhỏ nhẹ bảo: “Để chúng tôi cho anh em kiểm tra, rồi sẽ trả lời”. Một vị lãnh đạo khác lại thanh minh như giải thích: “Thông cảm, họp hành, văn bản cần xử lý nhiều quá nên chưa kịp đọc và cũng không có thời gian để đọc”. Lãnh đạo cấp huyện đã có bộ phận “đọc báo”, tổng hợp, rồi báo cáo, còn với nhiều đơn vị, địa phương cấp cơ sở, không có người tổng hợp… nên không biết cũng là phải thôi (!?).
 
2. Nhân chuyện đọc báo, cách đây gần 10 năm, gần khuya khoắt, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của lãnh đạo một đơn vị nọ. Chả là trước đó, tôi có viết bài phản ánh nội dung quyết định giải quyết một vụ việc chưa thỏa đáng của một cán bộ ở đơn vị này. Hỏi có run sợ không? Có chứ, nhất là với một phóng viên trẻ, mới chân ướt chân ráo, chập chững vào nghề như tôi. Cuộc điện thoại kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Đại khái vị ấy nói rằng những gì tôi viết trong bài báo là không chính xác. May sao, tôi chỉ đặt vấn đề, rồi soi chiếu vào quy định của luật, chứ không quy kết, kết luận đúng-sai (mà báo chí cũng chẳng có chức năng phán xét-PV).  
Phóng viên Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình trong một lần tìm hiểu phản ánh của người dân.
Phóng viên Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình trong một lần tìm hiểu phản ánh của người dân.
Sau một hồi giải thích, chuyện trò, vị này “đe” rằng, sẽ gọi điện “sếp” của tôi để yêu cầu gỡ bài. Đến đây, tôi thấy tự tin vì chính lãnh đạo đã đồng ý giao cho tôi thực hiện bài viết. Thấy tôi có vẻ “cứng”, vị này dịu giọng tỉ tê, rằng quen biết bấy lâu, tại sao lại không trao đổi thêm với ông trước khi viết bài. Với thái độ và cách phản ứng đó của ông, tôi thầm nghĩ, may mà mình chưa trao đổi trước. Ông phản ứng như vậy, nhưng dường như chưa “nuốt” được cơn tức giận, một thời gian sau, tại hội nghị liên quan đến lĩnh vực này (tôi được phân công đưa tin-PV), ông tiếp tục chỉ trích, phê phán bài báo và tác giả là tôi. May sao, mọi việc rồi cũng êm xuôi.
 
Một thời gian dài sau, dường như đã hiểu hơn về nhau, mối quan hệ giữa ông và tôi trở lại bình thường. Từ đó, mỗi tin, bài phản ánh về ngành, lĩnh vực của ông, ông đều chủ động gọi điện trao đổi, lắng nghe và tiếp thu rất cầu thị. Có lần, tôi tìm hiểu viết bài phản ánh cách làm việc trốn tránh trách nhiệm, vòng vo, nhằm gây khó khăn cho chúng tôi của một vị lãnh đạo cấp dưới của ông. Hôm trước bài ra, hôm sau ông gọi điện hỏi có bằng chứng không để ông chấn chỉnh, xử lý. Từ đó, người này phối hợp rất tốt, không còn những phản ứng như trước. Đó là đọc báo để… làm việc. Những lãnh đạo như thế, cánh phóng viên báo chí chúng tôi rất nể và tôn trọng.
 
Ngày nay, nhiều vị lãnh đạo nghe cánh phóng viên báo chí điện thoại hẹn làm việc là báo bận, bận họp, bận này, bận nọ, bận đủ thứ bận. Nhiều lần điện, thì bảo đặt lịch qua văn phòng, rồi chuẩn bị trước nội dung câu hỏi để chuẩn bị, rồi chuyển phòng này, đơn vị khác. Để hẹn làm việc được với người của đơn vị (thường lãnh đạo giao cho người khác làm việc-PV), mất thời gian hơn cả tuần, có khi nửa tháng. Thông tin, nội dung sự việc nóng hổi lúc đó đã thành… “cơm nguội”. Có vị lãnh đạo còn trách chúng tôi rằng lãnh đạo có đủ “ba đầu sáu tay” đâu mà có chuyện gì báo chí cũng tìm hỏi lãnh đạo. Nói như vị lãnh đạo này, chả khác nào chuyện, tôi có quyền phát ngôn, nhưng phát ngôn khi nào là chuyện của tôi vậy, vì quy định phát ngôn đã nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu.
 
Vì vậy, thỉnh thoảng có vị lãnh đạo, nghe nói phóng viên báo chí hẹn làm việc, họ “Ok liền”, nghe rất trách nhiệm, dù họ cũng phải chờ báo cáo.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Bố Trạch: Tìm thấy thi thể còn lại trong vụ đi cất rớ bị mất tích trên sông Dinh
Bố Trạch: Tìm thấy thi thể còn lại trong vụ đi cất rớ bị mất tích trên sông Dinh
(QBĐT) - Thông tin từ UBND xã Nhân Trạch (Bố Trạch) cho biết, đến ngày 15/6, các lực lượng chức năng và người dân đã tìm thấy thi thể nạn nhân còn lại trong vụ đi cất rớ bị mất tích trên sông Dinh.
 
Xe tải bốc cháy khi đang lưu thông trên đường
Xe tải bốc cháy khi đang lưu thông trên đường

(QBĐT) - Sáng 14/6, một xe tải đang lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phú Thủy (Lệ Thủy) bất ngờ bốc cháy dữ dội, phương tiện bị hư hỏng nặng nhưng rất may, không có thiệt hại về người.

Những lớp học ghép nơi đại ngàn Trường Sơn
Những lớp học ghép nơi đại ngàn Trường Sơn

(QBĐT) - Do thiếu học sinh (HS), nhiều trường học vùng biên giới huyện Minh Hóa phải tổ chức các lớp học ghép. Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn và bất cập, giáo viên và HS nơi đây vẫn luôn nỗ lực để vượt qua, hoàn thành tốt sứ mệnh "trồng người" nơi đại ngàn Trường Sơn.