Để miền núi chuyển mình

  • 07:06, 16/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với quyết tâm giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), miền núi thoát nghèo bền vững, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi, kịp thời đến với bà con nơi đây. Nhờ có nguồn vốn, người dân đã từng bước thay đổi nhận thức, biết đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.
 
Trường Sơn là xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Quảng Ninh. Đây là xã biên giới nằm cách trung tâm huyện khoảng 70km, với đường biên giới giáp Lào dài 38km. Do địa bàn nằm ở vùng sâu, vùng xa nên nhiều thôn, bản bị ngăn cách bởi đồi núi, sông suối. Toàn xã hiện có 1.283 hộ; trong đó người Bru-Vân Kiều có 783 hộ, 3.398 khẩu, chiếm 63,23% dân số toàn xã. Hộ nghèo 349 hộ, chiếm 27,2% số hộ trên địa bàn, trong đó hộ nghèo Bru-Vân Kiều có 327 hộ. Hộ cận nghèo 152 hộ (với 700 nhân khẩu) chiếm 11,85% số hộ trên địa bàn. Nhìn chung, đời sống người dân ở đây, nhất là đồng bào Bru-Vân Kiều còn gặp không ít khó khăn. Ở các bản sâu xa dọc tuyến biên giới, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đúng mức, người dân còn thiếu đất sản xuất.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được bao phủ đến các bản làng xa xôi giúp bà con phát triển kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được bao phủ đến các bản làng xa xôi giúp bà con phát triển kinh tế.
Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Trường Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Chính vì vậy, việc quan tâm giúp đỡ để người dân, nhất là ĐBDTTS trên địa bàn có vốn làm ăn để thoát nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền huyện và NHCSXH quan tâm thực hiện. Thời gian qua, PGD NHCSXH huyện đã phối hợp với ban giảm nghèo của xã, cùng với các hội đoàn thể đã ký kết hợp đồng ủy thác để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Nhờ được hướng dẫn, tuyên truyền về cách sử dụng vốn vay, các hộ vay vốn đã sử dụng chúng đúng mục đích và chấp hành trả lãi và gốc đúng quy định.
 
Hiện PGD NHCSXH huyện đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng trên địa bàn, với dư nợ đạt hơn 42,5 tỷ đồng, trong đó có nhiều chương trình cho vay có dư nợ cao, như: Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn với dư nợ hơn 19,8 tỷ đồng; cho vay ưu đãi hộ nghèo với gần 10,8 tỷ đồng... Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo biết phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định; nhiều lao động địa phương được tạo việc làm; nhiều công trình nước sạch cũng đã được đầu tư xây dựng... Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
 
Hiện nay, dư nợ các chương trình cho vay vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20,7 tỷ đồng, với hơn 770 lượt khách hàng là ĐBDTTS được vay vốn. Sau khi được vay vốn, bà con đều đầu tư vào các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng rừng... Nhiều mô hình đã giúp họ có thu nhập ổn định, từ đó không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước.

Không chỉ ở xã biên giới Trường Sơn, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã được bao phủ đến hầu khắp các xã vùng sâu vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh. Tại Lệ Thủy, vốn tín dụng chính sách cũng đã tiếp cận đến những hộ nghèo, ĐBDTTS các xã biên giới của huyện. Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy cho biết: Huyện có 5 xã nằm trong vùng thuộc diện khó khăn, trong đó 3 xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy đặc biệt khó khăn với phần lớn là ĐBDTTS. Để nguồn vốn tín dụng đến được với đồng bào và thay đổi cuộc sống của họ, thời gian qua, PGD NHCSXH huyện đã triển khai các mạng lưới tín dụng trải dài khắp thôn xóm, bản làng vùng sâu vùng xa nhất. Nhờ đó, 17 chương trình tín dụng chính sách, với những gói vay ưu đãi dành cho hộ nghèo và ĐBDTTS đã đến được với bà con... Nhờ triển khai và hướng dẫn người dân, ĐBDTTS vay vốn, trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/ năm. Đời sống người dân, nhất là ĐBDTTS từng bước được cải thiện.

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Những năm qua, để thúc đẩy kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phát triển, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục tuyên truyền các chính sách và triển khai các chương trình vay ưu đãi đến với bà con nơi đây. Nguồn vốn được xem là “chìa khóa” quan trọng mở ra tương lai mới giúp người dân, ĐBDTTS thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, vốn vay theo chương trình vùng ĐBDTTS và miền núi theo Nghị định số 28/NĐ-CP chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay của địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình mong muốn chính quyền địa phương quan tâm bố sung nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

Đoàn Nguyệt

tin liên quan

"Giữ lấy những gì mà ta yêu quý "
"Giữ lấy những gì mà ta yêu quý "
(QBĐT) - Không có tòa soạn nào rộng lớn như đại dương. Không có bài báo nào in dấu mặn mòi như những trang ghi chép giữa biển khơi. Và không có chuyến công tác nào để lại nhiều rung cảm như những ngày tác nghiệp ở nhà giàn DK1-nơi phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc, nơi người làm báo được thử thách, được lắng lòng và hơn hết, được thêm một lần tự hào về lựa chọn của chính mình.
 
"Nhịp nối" yêu thương thầm lặng
"Nhịp nối" yêu thương thầm lặng
(QBĐT) - Không chỉ là người đưa tin, phản ánh đời sống xã hội bằng con chữ và hình ảnh, nhiều nhà báo còn chọn cách sống đẹp thông qua hoạt động thiện nguyện. Họ lựa chọn đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn, những phận đời kém may mắn, để qua đó lan tỏa tình yêu thương, kết nối cộng đồng, viết tiếp những câu chuyện đẹp giữa đời thường.
 
Cứu trợ bản Lòm
Cứu trợ bản Lòm

(QBĐT) - Gần 9 năm về trước, những đợt mưa lũ kéo dài khiến tuyến đường độc đạo nối từ Quốc lộ 12A vào bản Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt hàng chục đoạn, cô lập 6 bản và gần 400 hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu đói. Để giúp bà con, Báo Quảng Bình ngày đó (nay là Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình) đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, chính quyền địa phương... băng rừng, vượt suối để cứu trợ người dân kịp thời…