(QBĐT) - Gần 9 năm về trước, những đợt mưa lũ kéo dài khiến tuyến đường độc đạo nối từ Quốc lộ 12A vào bản Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt hàng chục đoạn, cô lập 6 bản và gần 400 hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu đói. Để giúp bà con, Báo Quảng Bình ngày đó (nay là Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình) đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, chính quyền địa phương... băng rừng, vượt suối để cứu trợ người dân kịp thời…
Dân có nguy cơ thiếu đói
Sau trận lũ tháng 10/2016, một lãnh đạo xã Trọng Hóa gọi tôi bảo rằng: “Chú có cách nào giúp đỡ bà con các bản trên tuyến đường vào Lòm, đã nhiều ngày, xe cơ giới không ra vào bản được do sạt lở núi và nước suối chia cắt. Gần 370 hộ dân, trên 1.200 nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói”. Không ngần ngại, tôi vượt mưa gió chạy trên 150km từ TP. Đồng Hới lên biên giới để tìm cách tiếp cận bản Lòm.
Trước khi lên đây, tôi đã báo cáo với lãnh đạo cơ quan, xã Trọng Hóa và liên hệ với một nhóm giáo viên đang công tác trên các bản để nhờ sự hỗ trợ. Tuyến đường vào bản Lòm dài khoảng 23km nối từ Quốc lộ 12A qua 2 bản của xã Dân Hóa và 6 bản của xã Trọng Hóa. Trong đợt mưa lũ tháng 10/2016, nhiều đoạn đường, cầu cống vào bản bị sạt lở, nước cuốn trôi hoặc núi sạt vùi lấp. Đất, đá sạt lở đã gây tắc toàn tuyến từ bản Pa Choong đến bản Lòm. Riêng đoạn đường từ bản Dộ-Tà Vờng đến bản Lòm có 3 điểm sạt lở với tổng khối lượng đất đá khoảng 500m3, cuốn trôi hoàn toàn 2 ngầm tràn bằng bê tông tại khe Tà Dong và khe Ka Chăm. Muốn vào tới bản Lòm phải khiêng xe máy, hoặc đi bộ qua những nơi sạt lở.
![]() |
Sạt lở, chia cắt khiến cuộc sống của bà con rất khó khăn, nhiều hộ có nguy cơ thiếu đói khi lương thực dần cạn kiệt, nhất là ở các bản Dộ-Tà Vờng, Lòm. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Phin (thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã) kể: “Ngày đó, đời sống của bà con trên tuyến đường vào Lòm đang rất khó khăn vì thiếu lương thực, trong khi nguồn lực của xã có hạn, đường sá cũng bị chia cắt, cô lập, rất khó tiếp cận. Vì vậy, xã rất mong cấp trên, nhà hảo tâm sớm giúp đỡ, hỗ trợ cho bà con, như: Gạo, mì tôm và một số nhu yếu phẩm”.
Gian nan cứu trợ
Sau khi khảo sát xong, tôi về báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Biên tập. Dịp này, báo cũng đã kêu gọi, kết nối và tiếp nhận được nhiều nguồn cứu trợ để giúp đỡ bà con. Để cứu trợ bản Lòm và các bản làng khác kịp thời, Báo Quảng Bình đã phối hợp với BĐBP tỉnh, chính quyền địa phương và nhà hảo tâm cứu trợ bản Lòm. Đơn vị đồng hành cùng báo ngày đó là Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Hàn và Ngân hàng Quân đội chi nhánh quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Theo phương án đề xuất của báo, đơn vị đồng hành trao 370 suất quà cho toàn bộ các hộ dân 6 bản bị cô lập ở xã Trọng Hóa. Mỗi suất 10kg gạo, nhu yếu phẩm và 300 nghìn đồng tiền mặt. Hàng trăm bộ quần áo mới cũng đã được đoàn mang về tặng cho bà con. Ngoài ra, đoàn còn trao thêm 50 suất quà, mỗi suất 200 nghìn đồng cho các hộ đặc biệt khó khăn; trao 75 chiếc cặp mới cho học sinh dọc tuyến đường. Số tiền và quà cứu trợ có tổng trị giá trên 200 triệu đồng do cán bộ, công nhân viên của 2 đơn vị tổ chức quyên góp và kêu gọi thêm một số tổ chức, cá nhân khác.
![]() |
Khoảng 7 giờ sáng, từ trung tâm xã Trọng Hóa, chúng tôi đã băng rừng, vượt suối vận chuyển hàng hóa cứu trợ đồng bào. Sau khi trao quà cho người dân bản Pa Choong, Ka Óoc, Ra Mai, đoàn không thể tiếp cận được bản Sy, Dộ-Tà Vờng và bản Lòm bằng xe ô tô do đường bị chia cắt. Lúc này, lực lượng cứu trợ cùng bà con các bản dọc trên tuyến đường huy động hàng chục xe máy để vận chuyển hàng hóa qua các điểm sạt lở vô cùng khó khăn, vất vả.
Thiếu tá Nguyễn Anh Ngọc, Chính trị viên Đại đội cơ động, Tiểu đoàn huấn luyện-Cơ động (BĐBP tỉnh), nguyên là Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ra Mai ngày đó nhớ lại: “Quảng đường từ bản Ra Mai tới bản Sy khoảng 10km thì vận chuyển hàng bằng xe máy. Còn đoạn đường vào bản Dộ-Tà Vờng, Lòm bị sạt lở quá nghiêm trọng nên không thể vận chuyển được. Vậy là anh em trong đoàn phải gùi hàng vào, bà con phía trong cũng chủ động đi bộ thêm gần 10km để nhận hàng cứu trợ. Khi những phần quà cuối cùng được trao cho người dân lúc đó đã hơn 2 giờ chiều. Thấy bà con vui vẻ, hạnh phúc khi nhận được quà nên ai cũng quên đi mệt và đói”…
“Những năm qua, Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình đã có nhiều hoạt động giúp đỡ xã Trọng Hóa. Ngoài những tin, bài tuyên truyền, đơn vị còn quan tâm kết nối, giúp đỡ bà con trong xã cả vật chất lẫn tinh thần. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, nhiều hủ tục lạc hậu cũng dần được xóa bỏ…”, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi chia sẻ. |
Tôi trở lại bản Lòm sau gần 9 năm. Con đường vào bản giờ đỡ vất vả hơn trước bởi có nhiều cầu, cống được xây dựng mới. Một số ngọn đồi hay sạt lở đã được xử lý bằng cách hạ độ cao. Cuộc sống của người dân tuy có những đổi thay nhưng vẫn còn nhiều gian khó. Hiện, cả bản có 104 hộ dân, 455 nhân khẩu. Người dân bản Lòm đều thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của bà con quanh năm bám nương rẫy và thu lượm những sản vật trong rừng. Cả bản có vài ha đất trồng sắn, ngô, lúa rẫy nhưng năng suất thấp do kỹ thuật canh tác lạc hậu, thời tiết không thuận lợi nên thường xuyên mất mùa.
Nhắc lại chuyện cứu trợ năm xưa, Trưởng bản Lòm Hồ Biên nói: “Hàng năm, bản đều bị cô lập do mưa lũ, sạt lở đất. Nhưng trong trận lũ tháng 10/2016 là bị cô lập dài ngày nhất. Lúc đó, nhiều hộ dân trong bản gần như cạn kiệt lương thực, thực phẩm. Có hộ phải lên rừng đào sắn về trộn ngô, hái rau rừng ăn qua bữa. Trong khó khăn đó, dân bản đã nhận được cứu trợ kịp thời của Báo Quảng Bình và các đơn vị phối hợp. Sự giúp đỡ đó, bà con bản Lòm chúng tôi luôn khắc cốt ghi tâm đến tận bây giờ và mai sau”...
Xuân Vương