Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin tài nguyên-môi trường thông qua chuyển đổi số

  • 07:05, 21/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm tăng cường tiếp cận thông tin cho người dân, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên (TNTN) và bảo vệ môi trường (BVMT), UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Dự án “Tăng cường tiếp cận thông tin thông qua chuyển đổi số trong quản lý bền vững TNTN và BVMT”.
 
Dự án do Tổ chức Stichting Oxfam NOVIB tài trợ với tổng kinh phí hơn 160.000 Euro, được triển khai trong giai đoạn từ tháng 7/2024-10/2026 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chuyển đổi số tại địa phương. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và thực hiện các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên, BVMT cho cán bộ và người dân địa phương. Dự án đặc biệt chú trọng hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác.Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình là đơn vị chủ trì thực hiện dự án, phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) và các đơn vị liên quan.
 
Mô hình thí điểm (năm 2021) xây dựng chuyên mục tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử xã Xuân Trạch.
Mô hình thí điểm (năm 2021) xây dựng chuyên mục tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử xã Xuân Trạch.
 
Một trong những nội dung trọng tâm của dự án là chuẩn hóa hệ thống trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Theo kế hoạch, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh sẽ được xây dựng chuyên mục tiếp cận thông tin và xây dựng hệ thống phần mềm độc lập (liên kết với hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình); tích hợp, liên thông với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh Quảng Bình nhằm cập nhật nhanh chóng các văn bản chỉ đạo, chính sách liên quan đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có TNMT, đất đai, lâm nghiệp...
 
Dự án tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh, huyện Bố Trạch và các xã Xuân Trạch, Phú Định, thị trấn Phong Nha nhằm nâng cao kỹ năng cung cấp và xử lý thông tin; đồng thời, xây dựng quy chế nội bộ về tiếp cận thông tin. Các khóa tập huấn sẽ cung cấp kỹ năng vận hành trang thông tin điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và hướng dẫn thực hiện quy chế nội bộ về tiếp cận thông tin theo đúng quy định. Đặc biệt, dự án sẽ hỗ trợ trang, thiết bị, như: Máy tính, máy scan, cụm loa truyền thanh, bảng công khai thông tin… cho các địa phương thụ hưởng để bảo đảm việc triển khai đồng bộ và hiệu quả. Các hoạt động truyền thông đa dạng về Luật Tiếp cận thông tin và các thông tin liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, như: Truyền thanh cơ sở, áp phích, sổ tay pháp luật, xây dựng video, tờ rơi… cũng sẽ được triển khai sâu rộng.
 
Song song với các hoạt động đó, các nhóm “nòng cốt cộng đồng” với khoảng 30 thành viên tại địa phương sẽ được thành lập và huấn luyện nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin số một cách hiệu quả. Từ các mô hình thí điểm và kết quả dự án, các đề xuất chính sách sẽ được xây dựng, tư liệu hóa và gửi tới chính quyền các cấp nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tiếp cận thông tin và quản lý TNMT.
 
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh, Giám đốc dự án Trần Diễm Phúc cho biết: “Việc tiếp cận thông tin tốt hơn sẽ giúp người dân tham gia đóng góp vào tất cả các lĩnh vực, trong đó có quản lý tài nguyên, hỗ trợ quá trình ra quyết định của chính quyền, từ đó hạn chế các tranh chấp và nâng cao hiệu quả trong BVMT. Đây là một bước đi thiết thực, góp phần thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh, đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân”.
 
Dự án kỳ vọng không chỉ cải thiện năng lực nội tại của các cơ quan hành chính và cộng đồng địa phương mà còn tạo dựng mô hình mẫu về chính quyền số thân thiện, hiệu quả. Đồng thời, đây là bước tiến cụ thể trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới một Quảng Bình phát triển bền vững, xanh và hiện đại.
Nguyễn Liên
(Trung tâm CNTT&TT Quảng Bình)

tin liên quan

Kiểm tra sức khỏe 7 cá thể hổ quý hiếm, nuôi cứu hộ tại Phong Nha-Kẻ Bàng
Kiểm tra sức khỏe 7 cá thể hổ quý hiếm, nuôi cứu hộ tại Phong Nha-Kẻ Bàng

(QBĐT) - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ động vật hoang dã, từ ngày 19-22/5, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển) tiến hành kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng vắc xin định kỳ cho 7 cá thể hổ Đông Dương quý hiếm và một số cá thể động vật hoang dã khác đang được nuôi cứu hộ, bảo tồn tại Khu cứu hộ động vật hoang dã thuộc Cơ sở bảo tồn động vật hoang dã PN-KB.

Thăm, tặng quà công nhân lao động nhân Tháng Công nhân năm 2025
Thăm, tặng quà công nhân lao động nhân Tháng Công nhân năm 2025

(QBĐT) - Nhân Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025, ngày 21/5, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh: Tìm kiếm nữ sinh lớp 9 mất tích
Quảng Ninh: Tìm kiếm nữ sinh lớp 9 mất tích
(QBĐT) - Ngày 21/5, thông tin từ UBND xã Tân Ninh (Quảng Ninh) cho biết, địa phương đã phát đi thông báo tìm em N.T.H.A (SN 2010) ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh.