(QBĐT) - Không lương, không phụ cấp, hàng tháng chỉ nhận được số tiền ít ỏi hỗ trợ chi phí xăng xe, đi lại, nhưng chưa bao giờ các cán bộ, nhân viên Trung tâm Phục hồi chức năng (PHCN) trẻ khuyết tật, trẻ nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) huyện Quảng Ninh đòi hỏi bất cứ điều gì cho bản thân. Họ miệt mài với công việc lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa, không gì ngoài mục đích là mong muốn những đứa trẻ thiệt thòi, kém may mắn sớm hồi phục sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
"Gieo" yêu thương
Sáng tháng 3 nắng nhẹ. Sau đợt rét đậm ngắn ngày, tiết trời ấm dần, công việc của các nhân viên tại Trung tâm PHCN trẻ khuyết tật, trẻ nạn nhân CĐDC huyện Quảng Ninh cũng đỡ vất vả hơn.
Như mọi ngày, bà Nguyễn Thị Minh Lợi (SN 1949) lại bắt đầu một ngày làm việc của mình tại phòng PHCN. Công việc ấy đã gắn bó với bà từ 13 năm nay, khi bà vừa nghỉ hưu theo chế độ. Vừa hướng dẫn cho các cháu sử dụng máy tập chạy, vừa căn chỉnh tư thế ngồi phù hợp để các cháu tập cơ tay, xong đâu đấy, bà lại sang nắn bóp chân cho những đứa trẻ khác. Cứ thế, bà bận “luôn tay luôn chân”.
Tuổi già, thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, an dưỡng, người phụ nữ có trái tim ấm áp ấy lại suốt ngày quẩn quanh trong căn phòng nhỏ của trung tâm, làm bạn với những đứa trẻ dù lớn tuổi nhưng vẫn ê a tập nói, chập chững tập đi. Bà bảo, chỉ đến khi sức khỏe không còn, bà mới thôi làm công việc này.
![]() |
“Chăm sóc, PHCN cho trẻ khuyết tật không phải là công việc dễ dàng, đòi hỏi phải có sự kiên trì, tập trung. Tội lắm! Đứa trẻ nào được đưa đến đây cũng là một số phận đáng thương bởi các cháu không có một cơ thể lành lặn, một trí óc bình thường. Niềm vui với tôi và mọi người ở đây là được thấy các cháu tiến bộ từng ngày, được giúp đỡ gia đình các cháu vơi bớt khó khăn, để họ có thêm niềm tin, hy vọng cho tương lai của các cháu”, bà Minh Lợi bày tỏ.
Điều hành Trung tâm PHCN trẻ khuyết tật, trẻ nạn nhân CĐDC huyện Quảng Ninh là người đàn ông tuổi lục tuần Lê Quyết Chiến. Năm 2002, trung tâm thành lập từ dự án của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật của ông Chiến cũng bắt đầu từ đó. Suốt những năm tháng ấy, người đàn ông nhân hậu đó luôn trăn trở làm sao để mang đến cho trẻ khuyết tật những điều tốt đẹp nhất có thể.
Đến năm 2007, dự án của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam kết thúc, đồng nghĩa với việc kinh phí duy trì hoạt động của trung tâm bị cắt hoàn toàn. Bằng tình yêu thương với những đứa trẻ tật nguyền và trách nhiệm của người đứng đầu, ông Chiến lăn lộn với việc kêu gọi nguồn xã hội hóa để duy trì hoạt động của trung tâm, giữ lại ngôi nhà chung cho trẻ khuyết tật. Và những nỗ lực của ông đã được đền đáp, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đồng hành, sẻ chia để hành trình “gieo mầm” yêu thương, hy vọng cho trẻ khuyết tật của trung tâm kéo dài đến ngày hôm nay.
Ngoài ông Chiến, bà Lợi, trung tâm còn có 4 nhân viên khác, gồm: 2 kỹ thuật viên, 1 cán bộ công tác xã hội và 1 bảo vệ. Tất cả họ đều đến đây bằng lòng trắc ẩn, tình yêu thương với trẻ khuyết tật. Công việc khó khăn, vất vả, nhưng chưa bao giờ họ đòi hỏi quyền lợi cho bản thân.
“Chúng tôi đều làm việc không lương, không phụ cấp. Hàng tháng, UBND huyện Quảng Ninh cấp một khoản chi phí tiền ăn cho trẻ, gia đình trẻ và hỗ trợ xăng xe, đi lại cho cán bộ, nhân viên trung tâm. Số tiền hỗ trợ nhân viên không đáng là bao, chỉ từ 500.000-2.000.000 đồng/tháng, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng, bởi dù có hay không có số tiền đó chúng tôi vẫn chăm sóc các cháu bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Chỉ mong sao các cấp, ngành, nhà hảo tâm quan tâm, sẻ chia để trung tâm luôn duy trì hoạt động, để trẻ khuyết tật có nơi chốn PHCN, ổn định sức khỏe”, ông Chiến tâm tư.
![]() |
"Gặt" hy vọng
Tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo của các cán bộ, nhân viên Trung tâm PHCN trẻ khuyết tật, trẻ nạn nhân CĐDC huyện Quảng Ninh, sự đồng hành sát sao của phụ huynh cùng những sẻ chia của cộng đồng, xã hội đã góp phần làm nên những “phép màu” kỳ diệu, giúp nhiều trẻ khuyết tật phục hồi sức khỏe, hòa nhập cộng đồng, thậm chí nhiều em tìm được công việc ổn định và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trung tâm PHCN trẻ khuyết tật, trẻ nạn nhân CĐDC huyện Quảng Ninh có nhiệm vụ chăm sóc và PHCN cho 50 trẻ em là đối tượng khuyết tật của các xã vùng nam huyện Quảng Ninh (gồm An Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Gia Ninh) theo chương trình PHCN dựa vào cộng đồng. Là đơn vị ngoài công lập, kinh phí hoạt động của trung tâm dựa vào nguồn xã hội hóa và sự trợ giúp của các tổ chức, nhà hảo tâm. |
Vào trung tâm khi vừa tròn 2 tuổi, đến nay đã hơn 12 năm, Trương Văn Phố (SN 2011, ở xã An Ninh, Quảng Ninh) gắn bó với nơi này. Ông Chiến, bà Lợi và mọi người ở đây đều xem em như người thân, ruột thịt. Đều đặn 2 ngày/tuần, Phố được mẹ đưa đến đây PHCN. Nhờ những yêu thương, ân cần cùng phương pháp chăm sóc, trị liệu phù hợp, sức khỏe của em ngày càng cải thiện.
Không ai nghĩ rằng cậu bé liệt tứ chi do tổn thương não ngày nào chỉ ngồi một chỗ, không di chuyển được giờ đây đã có thể tự đi lại trên chính đôi chân của mình. Dù chỉ là những bước đi chênh vênh, xiêu vẹo nhưng với Phố và gia đình em đó thực sự là kỳ tích. Và kỳ tích ấy không chỉ Phố mới may mắn có được mà còn đến với nhiều đứa trẻ khuyết tật khác ở trung tâm. Suốt 23 năm hoạt động, trung tâm đã giúp hơn 100 trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, 15-20 em có việc làm ổn định. Đó là thành quả của những nỗ lực bền bỉ, đáng ghi nhận.
Trung tâm hiện đang PHCN cho 50 trẻ khuyết tật thuộc hệ vận đông, bại não, câm điếc. Hàng ngày, các em được phụ huynh đưa đến và ở lại tại trung tâm, đến cuối giờ chiều đón về nhà. Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng trung tâm đã khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động. Trẻ được đội ngũ cán bộ, nhân viên hướng dẫn luyện tập bằng phương pháp vật lý trị liệu, có hỗ trợ của dụng cụ, máy móc, chế độ ăn uống bảo đảm chất dinh dưỡng nên tiến bộ rõ rệt. Chỉ tính riêng trong năm 2024, có 3.217 lượt trẻ khuyết tật đến trung tâm luyện tập, tỷ lệ phục hồi đạt 15%, cải thiện về sức khỏe đạt 85%...
Tâm An